Giữ hồn quê hương trong chiếc nón lá

12/10/2022 - 07:11

 - Từ lâu, nón lá trở thành vật dụng che nắng, che mưa rất đỗi quen thuộc và bình dị của người Việt. Nón theo chân người nông dân ra đồng, theo người phụ nữ đi sớm về trưa hay được bà dùng để quạt đưa cháu vào giấc ngủ. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nón lá vẫn luôn giữ được sự ưu ái trong lòng của mỗi người con đất Việt.

Nón lá vốn gắn liền với cuộc sống thường ngày của người dân. Không chỉ là vật dụng gần gũi, còn là người bạn đồng hành cùng người lao động. Trong nghệ thuật, nón lá xuất hiện nhiều trong những buổi triển lãm, đi vào các tiết mục múa duyên dáng hay các ý tưởng thiết kế đầy tính sáng tạo. Ngày nay, nón lá được xem là quà tặng đặc biệt cho du khách đến tham quan Việt Nam. Tuy chiếc nón lá giản dị, đơn sơ nhưng lại mang đậm bản sắc văn hóa người Việt.

Tại huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) làng nghề chằm nón lá Hòa Bình ra đời từ năm 1930, lúc đầu chỉ có vài hộ chằm nón, đến nay phát triển mở rộng trong toàn ấp An Bình (xã Hòa Bình). Sản phẩm của làng nghề rất đa dạng, phục vụ tiêu dùng và du lịch. Làng nghề hiện thu hút khoảng 300 lao động tham gia thường xuyên.

Bà Huỳnh Kim Đảm năm nay 63 tuổi nhưng đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm nón lá truyền thống ở xã Hòa Bình. Bà Đảm cho biết, nghề này được lưu truyền qua nhiều thế hệ, nhìn mẹ làm rồi học làm theo. Nơi đây, ai cũng biết làm, mẹ dạy cho con rồi con dạy lại cho cháu. Dẫu bao đổi thay trong cuộc sống, các thế hệ người dân nơi đây vẫn âm thầm “giữ lửa” cho nghề, giữ nét văn hóa quê hương trên từng đường kim, mũi chỉ của chiếc nón. Dù biết, gìn giữ nghề làm nón lá truyền thống trong xu thế phát triển có nhiều sản phẩm cạnh tranh, như: Nón nhựa, nón vải, nón len... với mẫu mã đa dạng là rất khó khăn và thách thức.

Để làm ra thành phẩm một chiếc nón lá, người chằm nón phải tỉ mẫn từng chi tiết nhỏ của từng công đoạn. Nguyên liệu chính để làm nón là lá Huế (nguồn lá làm nón được vận chuyển từ tỉnh Thừa Thiên Huế vào). Dùng cây tre hoặc trúc để làm khung nón, kiềng vành lên khung, xoay lá, chằm nón, nứt vành, buộc quai nón.

Để tăng nét duyên dáng, có thể trang trí thêm hoa văn và quét một lớp dầu bóng pha với xăng, nhằm chống thấm nước, tăng độ bóng và bền cho nón lá. Từng công đoạn đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, khéo léo mới cho ra thành phẩm đẹp. Trung bình mỗi ngày, một người thợ có thể chằm được 4-6 chiếc nón lá. Mỗi chiếc nón lá tùy theo độ dày, mỏng (mũi kim xâu lá) mà có giá từ 25.000-80.000 đồng/chiếc.

“Nón lá tôi làm ra số lượng ít, mỗi đợt làm được khoảng 200-300 chiếc là bán một lần. Để tiêu thụ hết số lượng nón không dễ, tôi phải đi nhiều nơi, tìm đến các cửa hàng tạp hóa, nơi bán các mặt hàng truyền thống, quà lưu niệm ở huyện Chợ Mới, TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TP. Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp… để chào hàng. Thu nhập của người làm nón không nhiều, nhưng có lẽ vì tình yêu với chiếc nón lá, yêu nghề chằm nón và muốn gìn giữ cái nghề ông cha truyền lại mà tôi đã gắn bó với nghề này. Với tôi, chỉ mong bản thân có đủ sức khỏe để tiếp tục bám trụ với nghề” - bà Đảm trải lòng.

Thạo việc chằm nón được 6 năm, cơ duyên đưa chị Võ Thị Hạnh (ấp An Bình, xã Hòa Bình) đến với nghề từ khi theo chồng về đây sinh sống, rồi được người thân gia đình chồng hướng dẫn cách thức để chằm chiếc nón lá. Dần về sau, chằm nón trở thành công việc chính của chị Hạnh.

“Ban đầu khi mới bắt đầu làm, tôi thường xuyên bị mũi kim đâm vào tay, đau lưng vì ngồi chưa quen, dần dà tôi cũng quen với công việc. Chằm nón không bó buộc về mặt thời gian, rảnh tay thì làm, có khi làm nón đến 9-10 giờ đêm. Những người làm nón chủ yếu là người lớn tuổi, những người trẻ chưa có việc làm và mấy em nhỏ. Nón dày thì một ngày chằm được khoảng 2 chiếc, nón thưa thì khoảng 7-10 chiếc. Tùy theo độ tuổi và sức khỏe, thu nhập bình quân của mỗi người từ 50.000-100.000 đồng/ngày. Mỗi đợt thương lái đến nhà sẽ ứng trước số tiền khoảng 4-5 triệu đồng, rồi thu gom số lượng nón từ từ đến khi đủ thì thôi” - chị Hạnh kể.

Chằm nón lá là một trong những nghề truyền thống cần được giữ gìn và phát triển. Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nón lá của người dân dần ít đi. Do thị trường có nhiều loại nón với mẫu mã đa dạng, người mua có nhiều sự lựa chọn hơn thay vì nón lá. Nhiều hộ gia đình gặp không ít khó khăn trong sản xuất, như: Chi phí mua vật liệu, quy mô nhỏ, thị trường tiêu thụ bó hẹp, nhiều sản phẩm cạnh tranh, thiếu vốn duy trì và mở rộng hoạt động…

Để ngành nghề truyền thống được gìn giữ và ngày càng phát triển, vẫn cần sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương về vốn, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đầu ra thường xuyên cho sản phẩm, giúp tăng thu nhập người dân...

NGUYỄN XÊ