Gỡ khó cho lúa, cá tra

02/07/2019 - 07:44

 - Nếu như 6 tháng đầu năm 2018, lúa và cá tra đều thuận lợi về thị trường, giá duy trì ở mức tốt thì 6 tháng đầu năm 2019, cả 2 mặt hàng chủ lực này đều gặp khó. Bình ổn đầu ra, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp (DN), thúc đẩy thu mua tạm trữ… là những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lúa, cá.

Nỗi buồn giá lúa

Vừa thu hoạch xong 3ha lúa hè thu sớm ở ấp Giồng Cát (xã Lương An Trà, Tri Tôn), nông dân Đặng Văn Lâm không vui khi số tiền bán lúa thu được chưa tương xứng với công sức bỏ ra. “Vụ này năng suất chỉ đạt khoảng 800kg/công tầm cắt (tương đương 6,1 tấn/ha). Với giá bán 4.000 đồng/kg (lúa tươi IR50404), tôi thu được hơn 73 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư hết 55 triệu đồng. Nếu tính luôn tiền công của gia đình bỏ ra trong 3 tháng, tiền thuê đất như những hộ khác thì lỗ” - ông Lâm than thở.

So cùng thời điểm vụ hè thu 2018, giá các loại lúa thường, lúa hạt dài, lúa thơm hiện nay đều giảm khoảng 1.000 đồng/kg. Vụ đông xuân 2018-2019 vừa qua, giá các loại lúa không vượt qua mức 5.000 đồng/kg, thấp hơn 1.000 đồng/kg so vụ đông xuân năm trước. “Hai vụ liên tiếp lúa rớt giá, trong khi giá phân, thuốc, nhân công vẫn cứ tăng thì làm sao người trồng lúa có lợi nhuận” - ông Lâm nhận xét.

Theo Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam, dự báo thị trường gạo 6 tháng cuối năm 2019 có thể tiếp tục gặp khó khi Trung Quốc (thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam) vừa giảm hạn ngạch nhập khẩu gạo thêm 1 triệu tấn (từ 4,5 triệu tấn xuống còn 3,5 triệu tấn). Trong khi đó, Campuchia lại được xuất khẩu 300.000 tấn gạo mang thương hiệu Campuchia sang Trung Quốc. “Campuchia đang nổi lên trở thành đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam mất lợi thế hơn khi chưa xây dựng được thương hiệu gạo, trong khi Campuchia đã có thương hiệu” - ông Nam phân tích.

Đối với thị trường truyền thống khác là Indonesia cũng đang hướng giảm nhập khẩu gạo khi Chính phủ yêu cầu tăng cường năng lực tự sản xuất trong nước. “Riêng thị trường Philippines cởi mở hơn khi nhiều quy định được dỡ bỏ. Đây là thị trường mà DN xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể tăng cường thâm nhập” - ông Nam thông tin.

Để gỡ khó cho mặt hàng lúa, gạo, Giám đốc Sở Công thương đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng tăng cường cho vay vốn ưu đãi đối với thương nhân có hợp đồng xuất khẩu, giúp DN có điều kiện đẩy mạnh thu mua lúa tạm trữ, kích thích giá tăng lên.

Gỡ khó cho lúa, cá tra

Lúa hè thu 2019 đang rớt giá khi chưa vào chính vụ thu hoạch

Kỳ vọng những mặt hàng có giá trị

Cũng có nhiều thời điểm giá nguyên liệu rớt xuống thấp như lúa nhưng theo Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam, thị trường cá tra trong 6 tháng cuối năm 2019 khả quan hơn. “Xuất khẩu thủy sản đông lạnh (chủ yếu là cá tra) 6 tháng đầu năm đạt 60.000 tấn, tương đương 144 triệu USD, tăng 5,69% về lượng và 6,69% về kim ngạch so cùng kỳ 2018. Do nhu cầu thị trường tăng, giá xuất khẩu bình quân đạt 2.400 USD/tấn, tăng 1,31% so cùng kỳ” - ông Nam thông tin.

Giám đốc Sở Công thương cho biết, nguyên nhân giá cá tra nguyên liệu giảm chạm giá thành sản xuất trong quý II-2019 do nguồn cung dồi dào, tồn kho khá cao, DN chủ yếu bắt cá tự nuôi trong hệ thống, hạn chế mua cá bên ngoài. Bên cạnh đó, lượng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc cũng giảm. Nhiều DN chờ động thái tình hình thuế chống bán phá giá của Mỹ cuối tháng 4 và diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đầu tháng 5-2019. “Tình trạng tồn kho ngành cá tra dự kiến sẽ giảm, kỳ vọng xuất khẩu giữ xu hướng ổn định và tăng trưởng nhẹ khi thị trường Châu Á gia tăng nhu cầu, đặc biệt là Thái Lan và Maylaysia, trong khi thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục được ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do. Ước kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 300 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm 2019” - ông Nam đánh giá.

Đối với rau quả đông lạnh, ước xuất khẩu tháng 6-2019 đạt 787 tấn, tương đương 1,33 triệu USD. Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả đông lạnh đạt 4.400 tấn, tương đương 7,4 triệu USD, tăng 8,62% về lượng và 10,28% về kim ngạch. Ông Nam cho biết, nhu cầu mặt hàng rau quả những tháng cuối năm tiếp tục tăng khi bước vào các dịp lễ hội, giáng sinh, Tết Dương lịch… Từ đầu năm đến nay, Công ty Antesco đã tích cực mở rộng lĩnh vực bán hàng thông qua thương mại điện tử. Đến nay, sản phẩm rau quả An Giang đã có gian hàng trên kênh thương mại Alibaba, đang tích cực đăng ký hồ sơ bán hàng trên kênh Amazon và Lazada. Dự ước kim ngạch xuất khẩu rau quả đông lạnh năm 2019 đạt 16 triệu USD, đạt 100% kế hoạch…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đơn vị sẽ phối hợp Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh giải pháp cấp bách nhằm hạn chế tình trạng rớt giá lúa hè thu khi vào chính vụ. Trong đó có những đề xuất với Bộ Công thương về bình ổn thị trường.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN