Hiệu quả nhưng nông dân chưa “mặn”
Vụ hè thu 2018 vừa qua, trong khi nông dân canh tác lúa thường chỉ bán được giá bình quân 4.900-5.100 đồng/kg thì nông dân trong Tổ liên kết sản xuất lúa Nhật xã Mỹ Phú Đông (Thoại Sơn) bán cho Công ty TNHH Angimex Kitoku được giá 7.300 đồng/kg như hợp đồng đã ký ban đầu.
“Tính ra, nông dân trồng lúa Nhật đạt lợi nhuận bình quân từ 20-25 triệu đồng/ha, trong khi canh tác lúa thông thường lợi nhuận khoảng 18-20 triệu đồng/ha. Nếu tính cả 100ha của Tổ liên kết sản xuất lúa Nhật, lợi nhuận chênh lệch rất lớn” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phú Đông Lê Thanh Tùng phân tích.
Vụ thu đông 2018, diện tích liên kết sản xuất lúa Nhật ở xã Mỹ Phú Đông đạt 105,1ha, giá hợp đồng thu mua là 7.400 đồng/kg; riêng 16,5ha sản xuất lúa giống, giá thu mua 8.200 đồng/kg. “Khi liên kết sản xuất lúa Nhật, nông dân rất yên tâm đầu ra vì biết trước giá từ đầu vụ, trong khi trồng các loại lúa thường thì giá bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái. Do vậy, năm 2018, xã Mỹ Phú Đông tiếp tục vận động đạt 100% kế hoạch sản xuất lúa Nhật do UBND huyện Thoại Sơn giao” - ông Tùng thông tin.
Dù lợi ích liên kết sản xuất lúa Nhật đã được chứng minh trong suốt 25 năm qua (kể từ khi Công ty TNHH Angimex Kitoku triển khai xây dựng vùng nguyên liệu lúa Nhật trên địa bàn An Giang từ năm 1993) nhưng trên thực tế, diện tích mở rộng tăng không đáng kể.
Ông Dương Trí Thức, Quản đốc Nhà máy Ba Thê (thuộc Công ty TNHH Angimex Kitoku) cho biết, năm 2018, công ty đề ra chỉ tiêu liên kết sản xuất 4.000ha lúa Nhật nhưng chỉ đạt 2.863ha, tập trung ở Tri Tôn (723,4ha), Thoại Sơn (380,6ha), TP. Long Xuyên (305,6ha), Châu Phú (88,3ha), Châu Thành (81,5ha). Đối với tỉnh Kiên Giang, đã liên kết sản xuất được 856,2ha ở huyện Hòn Đất, 283ha ở huyện Giang Thành và 143,3ha ở huyện Tân Hiệp.
Công ty TNHH Angimex Kitoku khen thưởng cho những nông dân liên kết tốt với công ty
Tăng cường trách nhiệm
Trong quá trình Công ty TNHH Angimex Kitoku triển khai trồng lúa Nhật ở An Giang, Hội Nông dân tỉnh là đơn vị đồng hành trong công tác vận động nông dân tham gia. “Diện tích liên kết có năm hơn 4.000ha nhưng nhiều lúc cứ sụt giảm. Hiện nay, kho Ba Thê của công ty đạt năng lực xử lý 12.000ha/năm nhưng từ năm 2016 đến nay, diện tích luôn dưới 3.000ha. Riêng năm 2019, công ty đề ra chỉ tiêu 4.000ha. Để đạt kết quả này, đòi hỏi nỗ lực rất lớn” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Châu Văn Ly đánh giá.
Mặc dù diện tích liên kết chưa đạt như kỳ vọng nhưng hợp đồng liên kết rất bền vững. “Có những nông dân truyền thống, liên kết sản xuất 2-3 thế hệ. Cần phải phát huy vai trò đầu tàu của những nông dân này, lấy hiệu quả thực tế làm cơ sở tuyên truyền, khuyến khích những nông dân khác cùng tham gia” - ông Ly phân tích.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho rằng, dù có thị trường tốt, nhu cầu tăng nhưng trong 10 năm trở đây, diện tích liên kết sản xuất lúa Nhật với Công ty TNHH Angimex Kitoku không tăng là vấn đề cần xem xét lại. “Trong lĩnh vực nông nghiệp, An Giang đang tập vào 2 chương trình lớn là xây dựng thương hiệu cá tra giống và thương hiệu lúa gạo quốc gia. Kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu lúa Nhật của công ty phù hợp với định hướng của tỉnh. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ động phối hợp hỗ trợ công ty” - ông Thư yêu cầu.
Một trong những cách làm hiệu quả là xây dựng vùng chuyên canh ở 2 địa phương có thế mạnh sản xuất lúa Nhật là Thoại Sơn và Tri Tôn. Từ đó, xây dựng mã QR code để truy xuất nguồn gốc, tiến tới xây dựng tiêu chuẩn SRP để xuất khẩu vào thị trường khó tính như: Châu Âu, Bắc Mỹ. Đối với các vùng nguyên liệu, các cơ quan chuyên môn hỗ trợ thành lập các hợp tác xã kiểu mới có sự tham gia của Công ty TNHH Angimex Kitoku. Các hợp tác xã này sẽ được trang bị máy cấy lúa theo chương trình hỗ trợ của tỉnh nhằm giảm chi phí khử lẫn (một trong những nguyên nhân gây ngán ngại đối với nông dân trồng lúa Nhật hiện nay). Các hợp tác xã đảm nhiệm vai trò thu mua lúa tại ruộng, vận chuyển về giao cho công ty (việc để nông dân tự vận chuyển lúa về nhà máy là nguyên nhân khiến nông dân không thích liên kết trồng lúa Nhật).
“Hội Nông dân tỉnh có thể thành lập các Câu lạc bộ sản xuất lúa Nhật, tập huấn tại chỗ theo hướng lấy kinh nghiệm của người đi trước chỉ người đi sau. Khi nông dân không còn tâm lý cho rằng, sản xuất lúa Nhật “khó” hơn lúa khác, cùng với tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề kỹ thuật, phương thức thu mua, tin rằng diện tích liên kết sản xuất lúa Nhật sẽ đạt như kỳ vọng” - ông Thư nhấn mạnh.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN