Thoại Sơn thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

15/01/2025 - 05:20

 - Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao) tại huyện Thoại Sơn đã và đang triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị

Huyện Thoại Sơn có quy mô, diện tích thực hiện canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp là 9.781ha (trên cơ sở diện tích vùng dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT trước đây) và nhân rộng ở những vùng thuận lợi. Các chỉ tiêu, như: Lượng lúa giống gieo sạ 80 - 100kg/ha, diện tích áp dụng 4.500ha/9.781ha, đạt 46%; lượng phân bón hóa học giảm 20%, diện tích giảm phân bón hóa học theo yêu cầu 4.850ha/9.781ha đạt 50%; lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 20%, diện tích ứng dụng 2.620ha/9.781ha, đạt 27%...

Về tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu và xuất khẩu (lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh): Huyện có 2 thương hiệu gạo đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 5 sao và thương hiệu gạo quốc gia, xuất khẩu nhiều nước trên thế giới (gạo Tiên Nữ, gạo Thiên Vương). Chỉ tiêu tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ (đạt trên 50% diện tích). Hiện, diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ 9.781/9.781ha, đạt 100%.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn, mô hình mẫu được triển khai thực hiện tại địa phương, gồm: Mô hình 100ha tại xã Bình Thành, liên kết với Tập đoàn Tân Long và Công ty Phân bón hữu cơ Con Voi Bình Dương sản xuất lúa an toàn tiến đến chuẩn hữu cơ xuất khẩu Châu Âu; mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững SRP: 43ha tại xã An Bình, liên kết với Tập đoàn Lộc Trời; mô hình thuộc dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL”: Thực hiện ở các xã Vọng Đông, Bình Thành, An Bình, Tây Phú, Vọng Thê, với diện tích 200ha, có 45 nông dân tham gia; mô hình 15ha thực hiện tại HTX Tây Phú, do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện trong vụ thu đông.

Hiện nay, huyện có 49 mã số vùng trồng được cấp, với diện tích 2.596,3ha (46 mã số vùng trồng lúa 2.554,6ha, 2 mã số vùng trồng cây ăn trái với 41,5ha và 1 mã số vùng trồng rau màu với 0,2ha). Tham gia sản xuất theo chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông dân được tập huấn sản xuất theo quy trình “1 phải, 5 giảm”, SRP, và các tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu. Sản phẩm làm ra được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu với giá cao hơn thị trường 600 đồng/kg, lợi nhuận tăng lên 20% so sản xuất trước đây. Với 13 mã số vùng trồng diện tích 902ha, sản lượng cung cấp cho xuất khẩu 5.400 tấn/năm.

 Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn Lê Văn Đà cho hay, huyện tích cực thực hiện các chương trình ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng lúa chất lượng cao, như: Tham gia chương trình dự án VnSAT thực hiện quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, với diện tích 9.700ha được dự án nghiệm thu đánh giá đạt giai đoạn 2019 - 2021; thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, huyện đã triển khai năm 2023 được 400ha, năm 2024 - 2025 tiếp tục nhân rộng 9.700ha (trong vùng dự án VnSAT đã đánh giá đạt năm 2021) và phấn đấu đến năm 2030 đạt 32.000ha/37.500ha đất trồng lúa của huyện.

Để Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao đạt hiệu quả, huyện Thoại Sơn tiếp tục kiện toàn và đầu tư hoàn thiện hệ thống logistics, gồm: Nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, kết nối hệ thống giao thông liên vùng trong tỉnh. Hoàn thiện, nâng cấp hệ thống tưới tiêu nội đồng, trang bằng đồng ruộng theo từng tiểu vùng để góp phần tiết kiệm nước, áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất bền vững. Đồng thồi, hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực quản trị hợp tác xã: Có chính sách hỗ trợ các hợp tác xã phát triển, đặc biệt hỗ trợ liên doanh, liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra, mở rộng dịch vụ sản xuất - kinh doanh. Cùng với đó, mời gọi doanh nghiệp tham gia lĩnh vực chế biến, thu mua nông sản về liên kết bao tiêu lúa gạo trong vùng dự án; có chính sách khuyến khích về cơ chế thuế, vay vốn ưu đãi lãi suất, tạo mặt bằng, cải cách hành chính để thu hút doanh nghiệp tham gia…

PHƯƠNG LAN