Bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất mùa khô 2025

10/01/2025 - 06:54

 - Nhằm chủ động ứng phó mùa khô năm 2025, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương chủ động phối hợp thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hạn, kiệt, mực nước thấp theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn An Giang, trong tháng 12/2024 - 1/2025, nhiệt độ trung bình ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN). Nhiệt độ trung bình từ tháng 2 - 4/2025 ở mức cao hơn TBNN từ 0,7 - 1,80C. Đến tháng 3/2025, trong tỉnh có khả năng xuất hiện nắng nóng cục bộ ở một số địa phương: Tri Tôn, An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên, Tân Châu, Châu Đốc. Trong tháng 4/2025, có khả năng xảy ra khoảng 3 - 4 đợt nắng nóng diện rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

Về lượng mưa, từ tháng 12/2024 - 2/2025, tổng lượng mưa hầu hết cao hơn TBNN từ 10 - 40%. Vào tháng 3 - 4/2025, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN. Trong khi đó, mực nước trên các sông, kênh, rạch trong phạm vi toàn tỉnh sẽ xuống dần nhưng vẫn còn ở mức cao. Trong tháng 1 - 2/2025, mực nước biến đổi theo triều, với xu thế xuống dần và ở mức cao hơn TBNN. Vào tháng 3 - 4/2025, mực nước thấp hơn TBNN, có khả năng gây thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Các địa phương cần chủ động kế hoạch ứng phó mùa khô năm 2025

Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến mùa khô năm 2025, UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Công ty Điện lực An Giang, Công ty Cổ phần Điện nước An Giang, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi An Giang rà soát, đánh giá khả năng nguồn nước, xây dựng phương án sử dụng nguồn nước phù hợp để phục vụ sản xuất - kinh doanh, bảo đảm nước sinh hoạt của người dân trong các tháng cao điểm nắng nóng, hạn hán. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị cấp nước trên địa bàn lập, thực hiện kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn, quản lý rủi ro; xây dựng quy trình và tổ chức phương án sẵn sàng ứng phó khi xảy ra hạn, kiệt thiếu nước và mất an toàn cấp nước. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm; triệt để chống thất thoát, lãng phí nước, nhất là vùng cao của huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên.

Với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh yêu cầu theo dõi sát diễn biến thời tiết, thủy văn, nguồn nước, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, dự báo ngắn và dài hạn về thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là tại khu vực vùng cao, vùng nguy cơ thiếu nước để các cơ quan chức năng, địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Bên cạnh, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với thực tế từng thời điểm, từng khu vực. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh thời vụ, tổ chức sản xuất phù hợp để hạn chế ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp. Chỉ đạo vận hành linh hoạt, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, các hệ thống thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn tài nguyên nước, vừa bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nhất là giai đoạn xảy ra nắng nóng cao điểm.

Với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, cần xây dựng và ban hành kế hoạch lấy nước từ hồ chứa do công ty và các địa phương vận hành, khai thác để phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp và phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô. Trong đó, thống nhất phương án điều tiết nước các hồ theo hướng vận hành linh hoạt, tiết kiệm nước, bảo đảm phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi, đủ nước cung cấp cho cây trồng, thực hiện thời vụ sản xuất tập trung để không kéo dài thời gian lấy nước.

UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức theo dõi diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, cần hướng dẫn người dân chủ động dự trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Tăng cường các biện pháp tuyên truyền để thông tin, phổ biến rộng rãi tình hình khí tượng, thủy văn, hạn kiệt, mực nước thấp đến từng người dân, hộ gia đình nhằm chủ động ứng phó. Khẩn trương triển khai kế hoạch phòng, chống hạn, kiệt mùa khô năm 2025 để hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh…

   MINH QUÂN