Những năm qua, cây đậu phộng đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển sinh kế cho nông dân huyện An Phú, nhất là nông dân xã Phú Hữu. Tuy nhiên, một số giống chuyển giao cho nông dân đã qua nhiều vụ dẫn đến giống bị thoái hóa, lẫn tạp, năng suất không cao, hiệu quả kinh tế giảm. Để nâng cấp chất lượng, năng suất giống đậu phộng đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân, vụ thu đông năm 2024, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện mô hình trồng khảo nghiệm 6 giống đậu phộng và 1 giống đối chứng để đánh giá về năng suất, chất lượng tiến tới khuyến khích nhân rộng cho nông dân. Mô hình được thực hiện trên diện tích 1.000m2 của nông dân Hồ Thanh Trúc, ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu.
Đại diện Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) trực tiếp kiểm tra năng suất tại ruộng
Các giống được chọn trồng khảo nghiệm, gồm: Hatri 13 ĐP, 15 ĐP, 19 ĐP, 20 ĐP, 23 ĐP, 24 ĐP và giống đối chứng là LDH 09. Sau thời gian 2,5 tháng gieo trồng, qua đánh giá trực tiếp của nông dân tại ruộng cho thấy: Có 2 loại giống là Hatri 20 ĐP và 23 ĐP cho năng suất trên 900kg/công, cao hơn giống đối chứng LDH 09 mà nông dân đang trồng khoảng 40 - 60kg/công.
Nói về ưu điểm của 2 giống mới này, nông dân Hồ Thanh Trúc cho biết: “Qua khảo nghiệm thực tế 2 giống đậu phộng này rất phù hợp thổ nhưỡng địa phương, canh tác ngắn ngày, cho hạt chắc nhiều, thích hợp bán tươi cho thương lái”.
Khi tham quan mô hình trồng khảo nghiệm 6 giống đậu phộng mới, nhiều nông dân cho rằng, giống Hatri 20 ĐP và Hatri 23 ĐP có nhiều ưu điểm hơn các giống khác, như: Dễ trồng, ít sâu bệnh, tỷ lệ hạt chắc nhiều, năng suất cao… đặc biệt, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của thương lái. Nông dân Nguyễn Văn Sa, ấp Phú Lợi xã Phú Hữu cho biết: “Giống Hatri 20 ĐP và Hatri 23 ĐP cây phát triển đồng đều, cây rất khỏe, cho năng suất cao hơn giống LDH 09 mà tôi đang trồng. Tôi rất thích 2 giống này, vụ mùa tới sẽ áp dụng trên diện tích khoảng 5 công”.
Theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), qua thời gian thực hiện mô hình, đề tài ghi nhận được giống Hatri 20 ĐP và 23 ĐP là 2 giống cho hiệu quả năng suất cao, chất lượng hạt tốt, tỷ lệ hạt chắc cao. Giống Hatri 20 ĐP cho năng suất trung bình 9,4 tấn/ha; giống Hatri 23 ĐP có năng suất cao nhất 9,7 tấn/ha, cao hơn giống LDH 09 khoảng 0,4 - 0,6 tấn/ha, với giá bán hiện nay 22.000 đồng/kg thì giống Hatri 20 ĐP và 23 ĐP lợi nhuận từ 10 - 11 triệu đồng/công, các giống còn lại lợi nhuận khoảng 3 - 4,5 triệu đồng/công. Kết quả này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân tham gia thực hiện mô hình. Thời gian tới, cần tiến hành nhân rộng các giống đạt hiệu quả cho nông dân ứng dụng.
Theo thống kê, ở ấp Phú Lợi (xã Phú Hữu) có hơn 450ha trồng đậu phộng. Những năm gần đây, cây đậu phộng đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Việc khảo nghiệm thành công 2 giống đậu phộng mới cho năng suất cao sẽ là tiền đề quan trong để nông dân Phú Hữu phát triển sinh kế, tăng thu nhập. Qua đó, tiến tới hình thành vùng trồng để liên kết giúp nông dân phát triển bền vững hơn từ cây đậu phộng.
THẾ ANH - H.HUYNH