Đưa chính sách hỗ trợ liên kết vào nông nghiệp

16/01/2025 - 07:39

 - Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết 23/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là cơ sở pháp lý cho các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngay sau đó, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mời gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh tham gia, với mong muốn sản phẩm có đầu ra ổn định.

Nhiều DN trở thành đối tác quen thuộc, bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh, như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (liên kết sản xuất, tiêu thụ 70.000 - 85.000ha lúa, nếp mỗi năm; 113ha xoài Cát Lộc); Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long (liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa từ vụ thu đông 2023 đến nay, diện tích từ 100ha lên 1.700ha/vụ thông qua Công ty Cổ phần Lương Thực A An). Công ty Cổ phần XNK An Giang (Angimex) triển khai liên kết sản xuất có quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật qua hình thức liên kết trực tiếp với hộ nông dân, hoặc thông qua hợp tác xã (HTX) tại các huyện: Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Tri Tôn và TX.Tịnh Biên, diện tích khoảng 3.000ha/vụ. Từ năm 2022 đến nay, Công ty Antesco liên kết sản xuất và tiêu thụ bắp thu trái non, đậu nành rau với hộ nông dân, tổ hợp tác, HTX tại 8 huyện, thị xã, thành phố, diện tích từ 300 - 600ha/năm…

Theo đánh giá của UBND tỉnh, từng mô hình liên kết đều mang lại hiệu quả nhất định. Điển hình như, mô hình thực hiện cả chuỗi sản xuất - tiêu thụ lúa gắn với HTX kiểu mới của Tập đoàn Lộc Trời. Công ty cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đầu vụ cho nông dân với lãi suất 0%, thu hồi vốn khi thu mua cuối vụ. Trong quá trình canh tác, nông dân được đội ngũ cán bộ của công ty tư vấn kỹ thuật, quản lý sản xuất. Mỗi cán bộ kỹ thuật của công ty phụ trách một vùng trung bình 50ha. Sau khi thu hoạch, nông dân được hỗ trợ vận chuyển, sấy và thu mua theo giá thị trường. Diện tích thực hiện mô hình liên kết sản xuất hàng năm của công ty đã phủ khắp 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, công ty thành lập 39 HTX nông nghiệp, cử cán bộ tham gia điều hành. HTX có nhiệm vụ hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất, thực hiện các dịch vụ sản xuất và tiêu thụ để liên kết DN.

Hay như mô hình liên kết, thu mua lúa (Japonica) theo giá cố định của Công ty TNHH Angimex-Kitoku, triển khai hàng năm (khoảng 5.000ha, chủ yếu tại các huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, Tri Tôn và TP. Long Xuyên). Nông dân được tập hợp vào tổ hợp tác. Công ty cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm soát quy trình và thu mua cuối vụ với giá cao. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ hội nông dân các cấp, chính quyền địa phương tuyên truyền, rõ ràng về hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, điều khoản xử phạt vi phạm hợp đồng; giá thu mua được xác định từ đầu vụ. Do đó, nông dân có nhiều thông tin để quyết định tham gia mô hình. Công ty Angimex lại triển khai hình thức liên kết trực tiếp với hộ nông dân hoặc thông qua HTX. Kết quả, nông dân rất đồng tình hợp tác sản xuất theo yêu cầu công ty đặt ra. Sản phẩm cuối vụ nếu đạt yêu cầu thì được cộng thêm từ 150 - 250 đồng/kg tùy theo giống canh tác. Mô hình hướng đến thay đổi dần thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân, tiến tới canh tác lúa theo quy trình hữu cơ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đánh giá: “Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành, địa phương quán triệt, tuyên truyền, phổ biến cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Ngày càng có nhiều DN quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, thực hiện hợp tác, liên kết chặt chẽ với HTX theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Chủ thể tham gia chuỗi liên kết được tiếp cận đa dạng nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình, kế hoạch, dự án có liên quan. Công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường ngày càng được các bên tham gia liên kết quan tâm”.

Theo UBND TP. Long Xuyên, tính đến tháng 10/2024, trên địa bàn TP. Long Xuyên có 9 HTX, trong đó 6 HTX tham gia liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị với DN. Ngành nông nghiệp tiếp tục vận động nông dân tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để liên kết với công ty, DN. Từ đó, diện tích liên kết tiêu thụ lúa ngày càng tăng, từ 630ha (năm 2022) lên gần 1.000ha (năm 2023). Ba phường: Mỹ Thạnh, Mỹ Hòa, Bình Khánh và xã Mỹ Khánh duy trì chuỗi sản xuất - tiêu thụ 22.750m2 rau màu, dưa lưới theo hướng công nghệ cao. Tuy nhiên, đô thị Long Xuyên có diện tích sản xuất không tập trung, khó kêu gọi DN thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Hiện nay, quá trình liên kết gặp khó ở Khoản 3, Điều 11, Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Trong bối cảnh nhận thức về liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi vẫn còn hạn chế về phía nông dân, mà điều kiện thụ hưởng chính sách liên kết lại khó đáp ứng trong thực tế. Chưa nhiều DN tiêu thụ nông sản có tiềm lực để cam kết thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lâu dài (ít nhất 3 năm) theo quy định. Để quá trình liên kết giữa nhà nông và DN ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn, tỉnh tiếp tục mời gọi DN có năng lực đến với An Giang lâu dài; chỉ đạo sở, ban, ngành và địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển HTX, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025; quan tâm xây dựng dữ liệu vùng nguyên liệu, làm cơ sở định hướng liên kết và mời gọi DN tham gia liên kết lâu dài, đủ điều kiện thụ hưởng chính sách. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị bộ, ngành Trung ương tham mưu Chính phủ xem xét, điều chỉnh Nghị định 98/2018/NĐ-CP, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.

GIA KHÁNH