Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) An Giang đã phối hợp Trạm khuyến nông huyện An Phú khảo sát lựa chọn điểm triển khai mô hình khảo nghiệm đậu phộng tại huyện, với diện tích 1.000m2. Đánh giá tính thích nghi của các loại giống khảo nghiệm thông qua các chỉ tiêu nông học, như: Thời gian sinh trưởng, chiều cao cây, trọng lượng trái, năng suất, sâu bệnh… và tổ chức hội thảo, đánh giá, báo cáo tổng kết.
ThS. Trần Ngọc Phương Anh, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN An Giang cho biết: Ngày 15/10/2024, trung tâm tiến hành xuống giống trồng khảo nghiệm 6 giống đậu phộng mới của Viện Nông nghiệp công nghệ cao gồm các giống: Hatri 13 ĐP, Hatri 15 ĐP, Hatri 19 ĐP, Hatri 20 ĐP, Hatri 23 ĐP, Hatri 24 ĐP và giống đối chứng LDH.09. Mô hình được thực hiện tại hộ ông Hồ Thanh Trúc trên diện tích 1.000m2, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu. Thời gian thực hiện mô hình từ tháng 10 - 12/2024. Mật độ sạ 200kg/ha trên đất cát bơm.
Tham quan mô hình khảo nghiệm hiệu quả
Kết quả mô hình khảo nghiệm cho thấy, giống có năng suất cao nhất là giống Hatri 23 ĐP cho năng suất 9,7 tấn/ha, Hatri 20 ĐP 9,4 tấn/ha cao hơn giống đối chứng LDH.09 từ 0,4 - 0,6 tấn/ha. Kết quả so sánh hiệu quả kinh tế của các giống khảo nghiệm cho thấy, giống có năng suất cao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giống có lợi nhuận cao nhất là giống Hatri 23 ĐP, Hatri 20 ĐP và LDH.09 đạt lợi nhuận từ 10 - 11 triệu đồng/1.000m2. Các giống có năng suất thấp, thì lợi nhuận thấp hơn chỉ từ 3 - 4,5 triệu đồng/1.000m2. "Từ kết quả khảo nghiệm cho thấy, các giống khảo nghiệm mới, gồm: Hatri 23 ĐP và Hatri 20 ĐP đều cho năng suất cao và phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương. Tuy nhiên, cần khảo nghiệm thêm 1 - 2 vụ/năm để khảo sát thêm tính ổn định, thích nghi của các giống mới. Từ đó, khuyến khích bà con nhân rộng mô hình để tăng hiệu quả sản xuất đậu phộng”- ThS. Nguyễn Ngọc Phương Anh kiến nghị.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN An Giang cho biết: Từ vụ đông xuân 2019, trung tâm còn phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện An Phú tổ chức hội thảo tổng kết mô hình trồng khảo nghiệm một số giống đậu phộng, gồm 5 bộ giống: LDH.08, LDH.09, LDH.20, LDH.30, LDH.12 (do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ cung cấp) và 1 giống đối chứng của địa phương (LĐĐ14). Mô hình do ThS. Trần Ngọc Phương Anh làm chủ nhiệm. Kết quả mô hình khảo nghiệm cũng cho kết quả giống LDH.09 có năng suất cao nhất 5,4 tấn/ha cao hơn giống đối chứng là 2,1 tấn/ha, giống LDH.12 cao hơn giống đối chứng 1,4 tấn/ha, giống LDH.30, LDH.20 và giống LDH.08 năng suất 3,9 tấn/ha cao hơn giống đối chứng 0,5 tấn/ha. Qua đó, nông dân chọn giống LDH.09, giống LDH.12 và giống LDH.20 do năng suất cao nhất và khả năng kháng sâu bệnh tốt nhất để canh tác, cho hiệu quả kinh tế khá cao. Từ các giống khảo nghiệm hiệu quả, giúp tăng diện tích sản xuất đậu phộng trên địa bàn huyện An Phú lên trên 450ha trồng đậu phộng ở ấp Phú Lợi (xã Phú Hữu), góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN An Giang, đậu phộng vừa là cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm và cũng là cây có dầu quan trọng có giá trị kinh tế cao. Cũng như các cây họ đậu khác, đậu phộng có khả năng cố định nitơ sinh học rất quan trọng cho cây trồng thông qua hoạt động sống của vi sinh vật. Bên cạnh, còn có một khối lượng sinh học lớn của thân lá đậu phộng bị phân hủy sau khi thu hoạch đã để lại một lượng mùn đáng kể. Đậu phộng còn che phủ đất rất tốt, nếu gieo trồng ở mật độ thích hợp, quản lý cỏ dại tốt ở thời gian đầu, cây đậu phộng hoàn toàn có khó năng khống chế được cỏ dại trong suốt thời kỳ sinh trưởng, nên sẽ giảm nhân công lao động để chuẩn bị đất gieo trồng vụ sau. Vì vậy, trồng đậu phộng có tác dụng cải tạo đất, bồi dưỡng độ phì nhiêu cho đất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc luân - xen canh, thâm canh tăng năng suất cây trồng, nhất là đối với những vùng đất xám, đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng.
Một số giống đậu phộng cao sản thời gian qua được chuyển giao có hiệu quả, nhưng nông dân sử dụng làm giống qua nhiều vụ dẫn đến bị thoái hóa, lẫn tạp, dẫn đến giảm năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Việc chuyển giao giống mới và xây dựng mô hình luân canh là bước đột phá để nâng cao hiệu quả canh tác đậu phộng của huyện An Phú.
HẠNH CHÂU