ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổng diện tích 3,94 triệu ha, dân số 17,5 triệu người. Hằng năm, nơi đây sản xuất trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Với 1,5 triệu ha đất trồng lúa, BĐSCL đóng vai trò đặc biệt quan trọng bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Đây còn là vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh với đường biên giới đất liền phía Tây Nam, đồng thời có hơn 700 km bờ biển (bằng 23% cả nước), 367.000 km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế.
Hiện tồn tại nhiều "nút thắt" cản trở sự đi lên của vùng ĐBSCL, như: Thiếu một tầm nhìn chiến lược chung cho cả khu vực; tài nguyên đất, nước và môi trường khai thác sử dụng chưa hiệu quả; số lượng và chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu; sự thay đổi về mặt nhân khẩu học, di dân ra khỏi vùng với số lượng lớn; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, không tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có... Ngoài ra, một trong những thách thức lớn mà ĐBSCL đang đối mặt là biến đổi khí hậu (BĐKH).
Ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre: Còn nhiều “nút thắt” cản trở sự đi lên của vùng ĐBSCL Ảnh: NHƯ Ý
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, ngày 31-7-2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định "Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", bảo đảm liên kết tổng thể toàn vùng, tăng cường hợp tác liên kết phát triển giữa các tiểu vùng và địa phương trong vùng, giữa vùng với TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...
"Đây là một nhiệm vụ to lớn, không chỉ giới hạn phạm vi trong vùng mà gắn với quy hoạch cấp quốc gia, đòi hỏi sự thống nhất, kết nối đồng bộ giữa các địa phương, ngành, lĩnh vực" - ông Phan Văn Mãi nói.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đề xuất thời gian tới, cần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững của vùng ĐBSCL được đặt trong bối cảnh BĐKH và nước biển dâng. ĐBSCL cần tập trung phát triển kinh tế biển, từ kinh tế thủy sản (nuôi trồng, đánh bắt, chế biến) đến phát triển năng lượng sạch, công nghiệp, vận tải, du lịch, thương mại - dịch vụ, đô thị... trong bối cảnh BĐKH. Định hướng phát triển năng lượng tái tạo ở ĐBSCL có thể xem là chiến lược biến "nguy cơ, thách thức" của BĐKH thành cơ hội phát triển bền vững. Điều này cần được quan tâm đầu tư để ĐBSCL thật sự hướng ra biển và giàu lên từ biển.
Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, trước hết cần đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, cả đường thủy và đường bộ, tạo sự liên kết chặt chẽ trong nội tại của vùng, với TP HCM, vùng Đông Nam Bộ... Từ đó, mở ra những cơ hội lớn trong thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, "tháo gỡ" được một trong những "nút thắt" cản trở sự phát triển của ĐBSCL.
Theo PHẠM DƯƠNG - VĂN DUẨN (Người lao động)