Góp chính mình làm cột mốc biển khơi

01/02/2022 - 06:57

 - Tôi may mắn có dịp đến làng biển trăm năm, nơi vươn vai thành “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”, được tương ngộ các ngư dân dày dạn kinh nghiệm biển cả. Lão luyện, can trường, đầy uy tín ở địa phương, họ được xem là những “sói biển”, vừa tham gia phát triển kinh tế, vừa trở thành “cột mốc sống” ở biên giới, lãnh hải Việt Nam.

Ra khơi vì miếng cơm manh áo

Làng chài trăm năm Thiện Chánh (TX. Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) vang danh bởi sự phát triển vượt bậc về đánh bắt cá, đặc biệt là cá ngừ đại dương. Ông Trần Văn Hồi (sinh năm 1953, ngụ phường Tam Quan Bắc) nhẩm tính, đã 5 đời nhà ông gắn bó với làng chài. Thời chiến tranh, thiếu thốn ngư cụ, ngư dân đánh đổi tính mạng với biển cả, dùng chiếc tàu nhỏ chứa đựng ước mơ bớt đói khổ. Họ né sóng gió, né đường xa, bó hẹp bản thân trong ven biển gần bờ, cần cù lao động trong 1-2 tháng để trang trải cả năm. Chẳng ai tưởng tượng được rằng, họ sống ở cửa biển, mà thức ăn khan hiếm, phải căng mình vượt qua mùa đông giá rét một cách cơ cực.

“Hòa bình rồi, máy móc cơ giới tân tiến hơn, ngư dân có đủ bằng cấp, thoải mái đánh bắt xa bờ. Cùng với chính sách hỗ trợ của nhà nước, quá trình hội nhập quốc tế, chúng tôi bắt đầu “xông pha vào chiến trận”, thắng lớn với mặt hàng cá ngừ đại dương. Những năm 1997 trở về sau, 1 tấn cá có giá trị khoảng 22 lượng vàng. Chúng tôi nói vui, dân sinh sống, lao động ở Tam Quan Bắc, mà hưởng lương nước ngoài, bởi thu nhập rất cao, dựa vào thị trường xuất khẩu” - ông Hồi chia sẻ.

Cuộc ông thăng trầm như biển. Chiến tranh, ly tán buộc ông Hồi nghỉ học sớm, bươn chải trên biển, dốc lòng vì mục tiêu duy nhất: Không để vợ con đói khổ, con cái phải học hành đàng hoàng. Vật lộn mãi, ông cũng tương đối ổn định khi “đầu quân” cung cấp nguyên liệu chế biến thủy, hải sản cho một công ty nhà nước.

Ông Hồi trầm ngâm: “Có thời điểm, khoảng 70% chủ tàu thuyền “chết đứng”. Tôi may mắn được nhiều anh em đồng lòng cứu giúp, chia ngọt sẻ bùi, không đến mức thua lỗ nặng. Sau trận ấy, tôi tìm hướng đi mới cho mình, chậm mà chắc, tập trung thu mua nguyên liệu. Giờ tôi là Giám đốc Công ty TNHH thương mại tổng hợp Phước Tiến. Thấm thía nỗi vất vả của người đi biển, tôi thường động viên họ bằng cách thu mua cá giá cao hơn, thưởng thêm chút tiền, mấy thùng bia, động viên họ bám biển, bám nghề. Phải ra khơi mới vực dậy nghề cá xứ mình!”.

Từ nỗ lực của mỗi người dân, toàn địa phương, TX. Hoài Nhơn đạt rất nhiều thành tựu. Thị xã có khoảng 23.280 hộ (93.978 nhân khẩu) sinh sống ở làng biển. Đến  60% dân số sống chủ yếu bằng nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản và dịch vụ nghề cá. Địa phương ôm trọn bờ biển dài 26km, riêng cửa biển Tam Quan có vai trò, vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển. Đây là địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh Bình Định về đích, đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, đạt chuẩn đô thị loại IV năm 2019. Hoài Nhơn trở thành thị xã từ ngày 1-6-2020. Năm 2021, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX. Hoài Nhơn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.

“Nhẫn” để bám biển, bảo vệ chủ quyền

Chiều mưa rả rích, chúng tôi ghé cửa biển Tam Quan, thăm nhà “sói biển” vang danh khác là ông Bùi Thanh Ninh (Sáu Ninh, sinh năm 1957, ngụ phường Tam Quan Bắc). Năm 2014, ông được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền An ninh biên giới”. Năm 2015, ông được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba về thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ông vinh dự được diện kiến 4 vị Chủ tịch nước, nhiều lần ra Hà Nội để tham dự hội nghị quan trọng về chủ quyền biên giới, về gương điển hình tiêu biểu…

Từ đôi tay trắng gầy dựng sự nghiệp “đại gia”, ông Sáu Ninh có vóc dáng nhỏ bé, gương mặt khắc khổ mà hiền từ, tính cách hài hước, xởi lởi. Nhưng khi xử trí công việc, ông rất quyết đoán, dám làm, dám chịu, nghĩ đến lợi ích chính đáng cho nhiều ngư dân, toàn cục của đội tàu. Năm 2015, khi đang đánh bắt trên vùng biển Việt Nam, tàu cá BĐ 96617 TS (trong đội tàu của ông) cùng 13 ngư dân trên tàu bị tàu sắt nước ngoài tấn công, đâm va liên tục, gây hư hỏng nặng. Ông tìm cách chuyển lời, động viên thuyền trưởng trấn an tinh thần thuyền viên, nhanh chóng báo với cơ quan chức năng, yêu cầu hỗ trợ cho đến khi tàu bình an. Năm 2020, dịch COVID-19 cản trở mọi hoạt động sản xuất, đánh bắt của ngư dân. Ông trăn trở, tìm đủ mọi cách để thuyền viên được cách ly trong điều kiện tốt nhất, thuận tiện nhất, mà vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng…

Cũng như những “sói biển” dành cả cuộc đời cho biển cả quê hương, tổng kết lại những điều đã làm được, ông Sáu Ninh tâm sự: “Chúng tôi xác định, đi biển để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Mặt khác, phải quyết tâm bảo vệ ngư trường đánh bắt của người Việt Nam. Cuộc đời tôi gắn liền với những chuyến đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa. Sóng gió chập chùng, nguy hiểm luôn rình rập, nhưng chúng tôi không sợ hãi, không chùn bước. Trong mọi tình huống đối đầu với tàu nước ngoài, chúng tôi đặt chữ “nhẫn” lên đầu, tìm giải pháp xử lý ôn hòa, phù hợp quy định giữa các nước, không tạo “điểm nóng”, khó xử cho quan hệ ngoại giao của Chính phủ Việt Nam. Đó là cách chúng tôi bám biển, bảo vệ quê hương mình”.

Vươn mình thành “sói biển” Tam Quan

Ở cửa biển Tam Quan, ông Trần Chiến (còn gọi Tư Chiến, sinh năm 1955, ngụ phường Tam Quan Nam) được xem là “lão ngư” đáng nể. Cha hy sinh, mẹ mất sớm, 13 tuổi, ông xoay sở nuôi các em thơ, dẫu mình cũng chưa kịp lớn. Ông bắt đầu hành trình đi biển, làm công (bạn) cho chủ thuyền. Gần 10 năm gắn bó ở bờ biển miền Tây Nam Bộ, ông trở lại quê nhà, tích cóp kinh nghiệm và vốn liếng. Mấy mươi năm sau, ông trở thành “thủ lĩnh” của tổ tự quản tàu thuyền trên biển (sau là tổ tàu thuyền an toàn) ở địa phương. Năm 2018, ông được nhận bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Cùng với đó là hàng loạt khen thưởng của các cấp, ngành, nhiều đến mức đếm không xuể.

“Người Việt mình kiên cường, “lì đòn” lắm. Đánh bắt ở vùng biển xa, xảy ra va chạm với tàu nước ngoài thường xuyên. Họ có trang thiết bị hiện đại, to lớn gấp mấy lần tàu của mình, nhưng mắc gì phải sợ? Chúng tôi đánh bắt trong địa phận cho phép, làm theo quy định trên biên giới biển, vừa kiếm thu nhập, vừa canh gác an ninh biên giới. Tổ tàu thuyền an toàn có nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhất là hỗ trợ lẫn nhau khi xảy ra sự cố, bão lũ. Quan trọng hơn là kiểm soát phương tiện lạ, có biểu hiện nghi vấn, nhanh chóng thông tin về cho biên phòng” - ông Tư Chiến bày tỏ.

Lớn tuổi, ông Tư Chiến gửi gắm trách nhiệm ra khơi cho con cháu, lùi về “hậu phương”, nhưng vẫn dõi theo từng con tàu, từng hải trình bằng đôi mắt và trí óc của “sói biển”, sẵn sàng chỉ huy khi có tình huống nguy cấp. Nhìn nhận vai trò của ngư dân, ông Tư Chiến khẳng định: “Mỗi lá cờ Tổ quốc trên tàu, mỗi ngư dân Việt Nam khi bám biển làm kinh tế, trở thành cột mốc chủ quyền sống động. Trách nhiệm đó rất thiêng liêng và nặng nề. Tôi thường chia sẻ với ngư dân về chủ trương, pháp luật liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Luật Thủy sản, nhắc nhở họ không vi phạm vùng biển nước ngoài trước khi xuất bến hành nghề trên biển… Có thể thấy, ý thức của ngư dân được nâng cao rất nhiều, hạn chế vi phạm”.

Theo Chủ tịch UBND TX. Hoài Nhơn Phạm Trương, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, nhiều tổ, tàu thuyền đoàn kết, tổ tự quản đánh bắt xa bờ đã nắm chắc tình hình trên biển, phản ánh kịp thời cho Đồn Biên phòng và các cơ quan chức năng cấp trên, xử lý có hiệu quả vụ việc xảy ra trên biển.

KHÁNH AN