Hàng xôi sớm mai

23/02/2024 - 05:22

 - Khi mọi người còn đang say giấc, đâu đó vẫn có những người đã bắt đầu cho công việc ngày mới. Họ là những công nhân vệ sinh môi trường, công nhân các khu công nghiệp hay các bạn hàng, tiểu thương chuẩn bị bày biện hàng hóa. Để đủ năng lượng cho lao động đêm khuya, hàng xôi là lựa chọn tối ưu, vừa rẻ, vừa ngon lại vừa túi tiền.

Dưới ánh đèn mờ ảo, đủ chiếu sáng thúng xôi, cô Nguyễn Thị Kim Dung (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) bận rộn gói sẵn những loại xôi, như: Xôi vò, xôi gấc, xôi đậu phộng... Đối với sầu riêng, cô chừa sẵn, nếu khách hàng thích vị sầu riêng cho thêm phần thơm, béo, đậm đà thì mới bỏ vào. Mỗi khi khách thân quen ghé mua, cô chẳng cần hỏi mua xôi gì, chỉ cần thoáng nhìn đã biết khách ăn loại xôi nào, bỏ bọc đưa cho khách vì đã quá quen thuộc.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung được mọi người gọi là “Cô Đạo bán xôi”. Để có những gói xôi béo ngậy, cô phải thức lúc 12 giờ hôm trước bắt đầu nấu, đến 4 giờ sáng hôm sau cô dọn ra ngã ba đường Hà Hoàng Hổ - Trần Khánh Dư (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang).

Cô bán 3 loại xôi nên hơi cực, phải thức khuya mới kịp giờ cho những lao động sớm. Bán nhiều loại thì khách hàng có thể đổi qua đổi lại cho những ngày khác, ăn một loại gây ngán. Mỗi ngày, cô bán hết thau xôi, chi phí kiếm được 300.000 đồng. Khách hàng của cô đa phần là lao động sớm, người bán vé số, có khi lấy 1 tờ vé số đổi xôi, cô thối lại cho người vé số 5.000 đồng, xem như trao đổi hàng hóa, đôi bên cùng có lợi. “Biết đâu chiều trúng, tui cất cho bà cái nhà” - cô hứa với người bán vé số.

Các bạn hàng thức sớm dọn hàng hóa chuẩn bị cho ngày mới, cũng tranh thủ chạy ra ăn vội gói xôi tiếp tục công việc thường ngày. Những em học sinh không có điều kiện, tiền chỉ đủ mua gói xôi lót dạ để đi học, còn lại ít tiền mua nước uống; biết vậy, cô không lấy tiền, để tiền cho các cháu dằn túi chi tiêu vào chuyện khác. Hay những ngày rằm, cô đều nấu xôi tặng cho mọi người. “Nhờ những khách hàng thường xuyên mà hàng ngày cô lo cho gia đình có cuộc sống đầy đủ, lâu lâu tri ân lại khách hàng xem như lời cảm ơn” - cô Dung tươi cười.

Gần đó, ngay góc ngã ba đường Hà Hoàng Hổ - đường cầu Ông Mạnh, hàng xôi hơn 30 năm của cô Hà Thủy (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) chuyên bán xôi đậu đỏ, ăn kèm với dừa nạo hoặc nước cốt dừa, tăng độ béo cho xôi. Gói xôi rắc thêm một ít đậu phộng giã cùng đường và mè cũng chỉ 5.000 đồng, nhưng cô cho xôi tương đối nhiều, chấp nhận lời ít một chút nhưng giúp lao động được no bụng, có sức làm việc nhanh nhẹn, hiệu quả hơn.

Hơn 30 năm cô phải dậy từ giữa khuya để chuẩn bị và có mặt tại điểm bán, kiếm thu nhập hơn 200.000 đồng/ngày. Cô cho biết, nhờ hàng xôi này mà bao nhiêu năm cô lo được cho gia đình cái ăn, cái mặc. “Giờ thì cô cũng thoải mái hơn rồi, có đứa con gái đã lập gia đình, nên cô không phải lo nhiều, chỉ mong đủ sức khỏe để duy trì hàng xôi gắn bó cả đời của cô” - Cô Thủy bộc bạch.

Đang đẩy chiếc xe chậm rãi trên con đường vắng hoe, với ánh đèn soi sáng cả chiếc xe là loại xôi mặn, còn gọi là xôi gà, lúc nào cũng phải hấp nóng. Mở xửng hấp xôi với làn khói nghi ngút, tỏa hương thơm của nếp, cô Huỳnh Kim Phượng (phường Mỹ Xuyên) múc một ít xôi nóng hổi, thêm một ít mỡ hành, kèm trứng chiên, trứng cút, vài lát chả lụa, lạp xưởng và không thể thiếu món chính là chà bông, chan một ít nước tương, đưa cho khách thưởng thức dưới tiết trời se lạnh của buổi sớm mai, cảm giác thật ấm lòng.

Món xôi mặn với nhiều “topping” của cô Phượng có giá cao hơn so với xôi ngọt. Tùy giá tiền mà “topping” ít hay nhiều, rẻ nhất cũng phải 15.000 đồng/hộp, nhưng chất lượng đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng buổi sáng cho khách hàng.

Đều đặn 4 giờ sáng, cô đẩy xe xôi trên những con đường bán dài đến điểm quen thuộc tại Trường Tiểu học Lê Văn Nhung (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên). Chồng cô thì chạy vào hướng phường Mỹ Hòa bán cho các em học sinh và nhân viên đi làm. Món này rẻ, ngon, tiện lợi nên các em rất thích, có nhiều học sinh là “mối ruột”, hầu như ngày nào cũng ăn xôi của cô.

Xe xôi của cô Phượng không gắn thêm xe đạp, phải đẩy nên hơi mệt, nhưng vui vì lúc nào cũng bán hết. Bao năm qua, cũng nhờ 2 chiếc xe xôi này mà vợ chồng cô lo được cho gia đình đầy đủ, con cô đã có cuộc sống ổn định. Hiện tại, cô và chồng không lo nhiều, cuộc sống thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Mỗi ngày, chỉ mong bán hết sớm để được về nghỉ ngơi, chuẩn bị nguyên liệu cho ngày hôm sau tiếp tục công việc.

Đêm khuya, có được gói xôi lót dạ dưới thời tiết se lạnh làm ấm lòng những lao động sớm, nạp đủ năng lượng để hoàn thành công việc, với giá tiền hợp lý. Sự ủng hộ của “mối quen” giúp những hàng xôi rút bớt lại thời gian dài chờ đợi trong đêm vắng, sớm về nhà tái tạo “năng lượng” chuẩn bị cho gánh hàng xôi tiếp theo...

ĐĂNG LÂN