Cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc xử lý hiện trường khai quật, năm 2012. (Ảnh: BTLSQG).
Di tích khảo cổ học Bãi Cọi là cụm di tích bao gồm Bãi Cọi và các địa điểm xung quanh như Bãi Lòi, Bãi Phôi Phối, thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Khu vực này nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh, cạnh dòng sông La, ranh giới tự nhiên giữa Nghệ An và Hà Tĩnh.
Thông qua nhiều lần khai quật có sự tham gia của các nhà nghiên cứu Việt Nam và Hàn Quốc, kết quả cho thấy, Bãi Cọi là di tích khảo cổ học đặc biệt, bởi nó mang đặc trưng của cả hai nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh nổi tiếng. Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Di tích Khảo cổ học Bãi Cọi là Di tích cấp Quốc gia.
Trả lời phóng viên VietnamPlus, ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết, trước đây nền văn hóa Đông Sơn được khoanh vùng từ Đèo Ngang (Hà Tĩnh-Quảng Bình) trở ra Bắc, còn văn hóa Sa Huỳnh trải từ Quảng Ngãi vào phía Nam. Tuy nhiên, những phát hiện tại Bãi Cọi, cho thấy khu vực Hà Tĩnh là nơi giao thoa của cả hai nền văn hóa này.
“Những hiện vật thu được cho thấy dấu tích của cả Đông Sơn và Sa Huỳnh, từ đó thay đổi hoàn toàn nhận định trước đây về sự phân bố của hai nền văn hóa này. Điều đó chứng tỏ, với vị trí đặc biệt, Bãi Cọi chính là nơi hội tụ, gặp gỡ của cư dân Sa Huỳnh và Đông Sơn. Di tích này có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiên cứu thời Sơ sử ở Việt Nam,” ông nói.
Hành trình khám phá Bãi Cọi
Đầu năm 1974, Viện Khảo cổ học khảo sát địa bàn này và đã phát hiện nhiều hiện vật đá, gốm, đồng. Trên cơ sở đó, các nhà khảo cổ đưa ra nhận định: di chỉ có phạm vi phân bố tương đối rộng, di tích, di vật rất phong phú, có thể là khu mộ táng thuộc văn hoá Đông Sơn.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh “đánh thức” cụm di tích Bãi Cọi bằng các cuộc khai quật năm 2008 và 2009.
Trưng bày về di chỉ Bãi Cọi thu hút đông đảo người xem. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+).
Lần thứ nhất, các nhà nghiên cứu đã thu được khối lượng lớn di vật cùng 16 mộ. Các nhà nghiên cứu nhận định đây là di tích mộ táng mang dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh nhưng có giao lưu, ảnh hưởng mạnh với văn hóa Đông Sơn, tồn tại vào khoảng thế kỷ I-II.
Cuối năm 2009, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiếp tục tiến hành cuộc khai quật lần thứ hai tại Bãi Cọi đồng thời tiến hành khảo sát rộng ở các khu vực xa trung tâm di tích và mở một số hố thám sát tại Bãi Phôi Phối, Bãi Lòi, Tráng Vạn, Đền Phúc Đa... và đã phát hiện 13 mộ cùng nhiều đồ tùy táng.
"Tổng thể di tích, di vật trong lần khai quật này đã cho thấy rõ hơn tính chất văn hóa Sa Huỳnh của di tích Bãi Cọi. Khu mộ táng này phân bố trên một địa bàn khá rộng, tồn tại từ khoảng 300 năm trước Công nguyên đến thế kỷ I. Đây là khung niên đại này được cho rằng phù hợp hơn so với nhận định ban đầu trong lần khai quật thứ nhất," ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng Nghiên cứu, Sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết.
Đặc biệt năm 2012, trong khuôn khổ dự án hợp tác nghiên cứu khai quật khảo cổ học nhằm tìm hiểu các nền văn hóa cổ đại châu Á giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, di tích Bãi Cọi một lần nữa được các chuyên gia khảo cổ của hai bảo tàng tổ chức khai quật quy mô lớn và đã phát hiện 15 mộ với số lượng đồ tùy táng phong phú.
Ngôi mộ song táng khai quật năm 2012. (Ảnh: BTLSQG).
“Toàn bộ hiện vật thu được tại Bãi Cọi sau đó được chuyển sang Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc để tiến hành nghiên cứu, chỉnh lý và bảo quản, phục dựng, trong đó có nhóm hiện vật kim loại gồm khuyên tai, vòng tay, rìu, lưỡi cày mũi tên, dao sắt, lưỡi cuốc chữ U. Nhờ những phương tiện kỹ thuật hiện đại và phương pháp nghiên cứu mới như chụp X-quang, chụp quang phổ, sử dụng kính hiển vi soi nổi và kính hiển vi quang học đã phát hiện được những chủng loại sợi và phương thức dệt của chất liệu bám trên bề mặt hiện vật kim loại… tạo tiền đề cho hướng nghiên cứu nghề dệt vải của cư dân xưa,” ông Thắng cho biết.
“Các phương tiện thiết bị hiện đại cùng quy trình nghiên cứu tỉ mỉ, khoa học đã giúp chúng tôi xác định rõ hơn về chất liệu và hình dáng ban đầu của hiện vật, phục vụ đắc lực cho công tác bảo quản, phục dựng hiện vật. Đây cũng là một trong những trọng tâm hợp tác giữa hai bảo tàng,” ông nói thêm.
Bãi Cọi, nơi gặp gỡ các nền văn hoá
Từ kết quả nghiên cứu sau nhiều lần khai quật, có sự phối hợp của chuyên gia Hàn Quốc, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tổ chức trưng bày nhằm cung cấp tư liệu khoa học, góp phần làm sáng tỏ những khoảng trống lịch sử giai đoạn Sơ sử miền Trung Việt Nam (văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh và mối quan hệ, giao lưu của hai nền văn hóa này).
Mộ chum, hình thức chôn cất phổ biến của người Việt thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+).
Trưng bày giới thiệu với công chúng trên 150 hiện vật, tư liệu thuộc sưu tập hiện vật Bãi Cọi lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Hà Tĩnh với nhiều chất liệu như đá, gốm, kim loại, thủy tinh…
Khai mạc ngày 18/11, trưng bày là dịp để công chúng trong nước và bạn bè quốc tế có thêm nhận thức về vị trí, vai trò của di tích này trong diễn trình lịch sử, văn hoá Việt Nam.
Triển lãm gây ấn tượng với khu vực phục dựng mộ huyệt đất song táng khai quật năm 2012 với biên mộ được kè bằng mảnh gốm, đồ tùy táng bằng gốm và mảnh gốm, một số đồ kim loại, trang sức (phục chế).
Di tích Bãi Cọi là một quần thể mộ táng được phân bố trên một diện tích rộng lớn với hai loại hình mộ chính là mộ huyệt đất và mộ chum được chôn xen kẽ. Hiện vật thu được qua các đợt nghiên cứu, khai quật chủ yếu nằm trong các mộ táng này. Điểm lý thú, tạo nên giá trị đặc biệt của di tích Bãi Cọi là trong các mộ chum (Sa Huỳnh) có các hiện vật thuộc văn hoá Đông Sơn, ngược lại trong các mộ huyệt đất (Đông Sơn) lại không hiếm gặp các hiện vật mang đặc trưng văn hoá Sa Huỳnh và cả những hiện vật thuộc văn hoá đồ sắt Trung Quốc.
Khuyên tai ba mấu bằng thủy tinh có niên đại 2.500-3.000 năm trước Công nguyên. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+).
Ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết so với những chum gốm của các di tích văn hóa Sa Huỳnh điển hình, chum gốm ở Bãi Cọi có kích thước nhỏ hơn, hình dáng biến đổi nhiều, chủ yếu là hình trái đào và hình trứng. Những mộ chum cỡ lớn được chôn theo phương thức đào huyệt hình tròn sau đó đặt chum vào giữa phủ đất ngang vai chum và chôn các đồ tùy táng xung quanh, trong một vài chum gốm còn thấy dấu vết xương cháy (dấu hiệu của hài cốt được hoả táng).
Tại di tích Bãi Cọi, mộ huyệt đất có niên đại muộn hơn so với mộ chum, nhiều trường hợp mộ huyệt đất đào cắt qua những mộ chum đã chôn trước đó, huyệt mộ dùng các mảnh gốm để kè biên, phân chia khu vực mai táng trung tâm và khu vực tuỳ táng.
Đáng chú ý, công chúng còn được chiêm ngưỡng bộ sưu tập đồ trang sức gồm vòng thuỷ tinh, các khuyên tai 3 mấu, khuyên tai hình vành khăn bằng chất liệu đá và thủy tinh.
Triển lãm mở cửa đến hết tháng 4 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia, 1 Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo Vietnamplus