Hấp dẫn “Bay trên Phụng Hoàng Sơn”

03/05/2022 - 07:59

 - Cùng với dù lượn, việc bổ sung mô hình diều lượn có động cơ và máy bay mô hình có phản lực giúp chương trình “Bay trên Phụng Hoàng Sơn” năm 2022 thêm hấp dẫn. Kết hợp cùng gian hàng đặc sản, ẩm thực truyền thống, các loại hình văn hóa - văn nghệ đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer (đặc biệt là điểm nhấn Khu liên hợp thể thao, du lịch Tà Pạ - Soài Chek, xã Núi Tô) càng tạo sức hút du lịch cho huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang).

Mãn nhãn du khách

Kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát mang số lượng lớn du khách đến với chương trình biểu diễn dù lượn, diều lượn có động cơ và máy bay mô hình với chủ đề “Bay trên Phụng Hoàng Sơn” năm 2022. Hoạt động do UBND huyện Tri Tôn phối hợp Liên đoàn Dù lượn thể thao TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Khu liên hợp thể thao, du lịch Tà Pạ - Soài Chek.

“Nghỉ lễ năm nay, gia đình chúng tôi dành 2 ngày khám phá vùng Bảy Núi và viếng Bà Chúa Xứ núi Sam; 2 ngày còn lại về quê nội của tụi nhỏ chơi. Sáng 30/4, tôi chở gia đình lên thưởng ngoạn dù lượn. Tụi nhỏ thích mê cảnh các cánh dù xuất hiện nhỏ xíu từ phía lưng chừng núi, rồi lớn dần trên bầu trời, chao lượn qua các hàng cây, trước khi đáp xuống sân đua bò Bảy Núi. Năm nay còn có thêm thể loại dù lượn có động cơ, diều lượn có động cơ và máy bay phản lực. Sự khéo léo của các phi công và người điều khiển tạo nên những màn trình diễn rất hấp dẫn” - anh Lê Hoàng Vũ (du khách đến từ TP. Cần Thơ) chia sẻ.

Có dịp đến Tri Tôn, gia đình anh Vũ không quên thưởng thức món cháo bò Tri Tôn vào buổi sáng, món gà đốt Ô Thum, ếch nướng, đu đủ đâm, bò xiên que vào buổi trưa; giải khát bằng những ly nước thốt nốt mát lạnh, món chè thốt nốt ngọt dịu, bánh bò thốt nốt với hương vị đặc trưng… Đây đều là những món ăn nổi tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Trong khuôn khổ chương trình “Bay trên Phụng Hoàng Sơn”, huyện Tri Tôn còn trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, như: Đường thốt nốt, tinh dầu chúc, bánh kà tum, gạo dinh dưỡng Bảy Núi - Tri Tôn… “Vợ tôi mua khá nhiều đặc sản, vừa để dùng trong gia đình, vừa làm quà tặng người thân, bạn bè. Ở TP. Cần Thơ, những món đặc sản vùng Bảy Núi rất đáng quý”- anh Vũ nói thêm.

Là người đầu tiên cất cánh dù lượn từ Phụng Hoàng Sơn và tiếp đất thành công xuống sân đua bò Bảy Núi, nữ phi công Nguyễn Thị Hoàng Anh không giấu được cảm xúc: “Tôi tham gia môn dù lượn 7 năm, từng bay ở nhiều vùng trời của Tổ quốc. Tuy nhiên, khi cất cánh từ Phụng Hoàng Sơn, tôi có cảm giác vô cùng mới lạ. Khung cảnh vùng Bảy Núi rất đặc biệt, vừa có những ngọn núi cao hùng vĩ, vừa có cánh đồng lúa chín - xanh xen kẽ, hàng cây thốt nốt, dòng kênh uốn lượn đẹp như tranh. Từ trên dù lượn nhìn xuống, thấy đất nước mình đẹp làm sao”.

Duy trì thường xuyên

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, sự kiện “Bay trên Phụng Hoàng Sơn” năm 2022 trước hết phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân và khách du lịch nhân dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5. Đây là môn thể thao mạo hiểm, mới lạ, độc đáo và có sức cuốn hút mạnh mẽ từ niềm đam mê chinh phục bầu trời. Sự kiện nhằm tạo thêm sân chơi hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến huyện Tri Tôn.

Đeo biểu trưng huyện Tri Tôn cho phi công dù lượn sau khi hoàn thành chuyến bay

Chương trình “Bay trên Phụng Hoàng Sơn” lần này có sự tham gia của 99 phi công trên khắp cả nước, biểu diễn 3 loại hình chính: Dù lượn không động cơ (cất cánh từ Phụng Hoàng Sơn), dù lượn, diều bay có động cơ và máy bay mô hình có phản lực (cất cánh từ đường băng cặp sân đùa bò Bảy Núi, thuộc Khu liên hợp thể thao, du lịch Tà Pạ - Soài Chek).

“Sau sự kiện lần này, chúng tôi sẽ thành lập Trung tâm Huấn luyện bay miền Tây để đào tạo, huấn luyện phi công là con em vùng ĐBSCL tham gia bay biểu diễn trong những ngày lễ lớn. Thời gian tới, sự kiện này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, quy mô hơn, thu hút nhiều người tham gia hơn. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu đến với du khách trong và ngoài tỉnh những nét văn hóa đặc sắc của huyện Tri Tôn cũng như vùng Bảy Núi” - ông Giang nhấn mạnh.

Chúc mừng nữ phi công Nguyễn Thị Hoàng Anh

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Dù lượn thể thao TP. Hồ Chí Minh Lâm Quang Quý cho biết, sự kiện “Bay trên Phụng Hoàng Sơn” nhận được sự quan tâm đặc biệt từ địa phương. Mặc dù đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động bay diễn ở khắp cả nước, thậm chí nước ngoài, nhưng điểm bay ở Tri Tôn có sức hút rất lớn, bởi Khu liên hợp thể thao, du lịch Tà Pạ - Soài Chek đầy đủ về hạ tầng, có đường băng lý tưởng để phi công cất cánh. “Vì thế chúng tôi triển khai thêm máy bay mô hình có phản lực. Hoạt động này cần có đường băng bằng phẳng thì mới triển khai được” - ông Quý nói.

 Ông Cao Quang Liêm tặng quà cám ơn Liên đoàn Dù lượn thể thao TP. Hồ Chí Minh

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô) có độ cao hơn 300m so với mực nước biển, là một trong những điểm bay dù lượn đẹp nhất cả nước. Đây là lần thứ 2 huyện phối hợp tổ chức chương trình “Bay trên Phụng Hoàng Sơn” với nhiều nét mới, hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. “Chúng tôi đang từng bước xây dựng chương trình “Bay trên Phụng Hoàng Sơn” trở thành hoạt động du lịch thường xuyên. Huyện đã đầu tư 2 đường băng với chiều dài hơn 500m, trong đó có 1 đường băng chính dài 300m, hướng đến tổ chức sự kiện này nhiều đợt trong năm” - ông Liêm khẳng định.

Chương trình “Bay trên Phụng Hoàng Sơn” năm 2022 thu hút khoảng 20.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến xem, cổ vũ. Qua 2 ngày biểu diễn, ban tổ chức trao giải nhất cho phi công Trần Tuấn Anh, người thực hiện tiết mục bay dù lượn có động cơ kết hợp kéo cờ Tổ quốc và cờ Đảng; giải nhì cho phi công Lê Hoàng Toàn, thể loại diều bay có động cơ thả khói màu; giải ba thuộc về anh Hồ Hiếu Dũng, người điều khiển máy bay mô hình nhào lộn và kéo logo nhà tài trợ.

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích