Chính bản thân người nghiện thuốc phải ý thức rằng, hút thuốc thì tốn tiền gia đình, nếu không hút thuốc sẽ có thêm tiền để mua thức ăn, mua sữa cho con. Hút thuốc có hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, những người mà mình thương yêu nhất. Khi quyết tâm bỏ thuốc lá, nên thông báo cho vợ, con, người thân, bạn bè... để họ khuyên nhủ và “giám sát” giúp mình.
Người nghiện thuốc sẽ bị lệ thuộc nicotine. Khi bỏ thuốc, sự thiếu hụt nicotine sẽ làm cho người bỏ thuốc có cảm giác khó chịu, gọi là hội chứng cai thuốc. Do vậy, cần chuẩn bị các giải pháp để đối phó với tình trạng này, như: Uống nhiều nước, đọc sách báo, chơi thể thao, làm các công việc khác mà mình yêu thích. Nên chọn thời điểm bắt đầu bỏ thuốc lá vào những ngày nghỉ, ngày cuối tuần để bớt căng thẳng.
Trong thời gian đầu bỏ thuốc, sẽ có cảm giác thèm thuốc do thiếu nicotine, khiến người mệt mỏi, khó chịu, kém tập trung. Nên nghỉ ngơi hoặc chọn công việc nhẹ nhàng, uống nhiều nước, nhai kẹo... để quên thuốc.
Những ngày tiếp theo, cảm giác thèm thuốc giảm dần nhưng vẫn có khả năng làm cho chúng ta hút lại. Vì vậy cần kiên trì, nên nhớ rằng sự quyết tâm và những khuyên bảo của người thân đóng vai trò rất quan trọng.
Nhiều người lo ngại khi cai thuốc thường tăng cân, nhưng đây là phản ứng bình thường. Khi cai thuốc, dạ dày không còn bị ức chế do các chất trong khói thuốc nữa, nên người cai thuốc sẽ có cảm giác thèm ăn và ăn ngon miệng. Người cai thuốc thường cảm thấy lạt miệng, ăn nhiều hơn. Do đó, người cai thuốc cần phải uống nhiều nước, tránh ăn vặt, siêng năng tập thể dục, hạn chế ăn nhiều chất béo, ngọt, nên ăn nhiều trái cây và rau xanh.
Những người đang nghiện thuốc luôn phải ý thức rằng: “Bỏ thuốc không bao giờ muộn, hãy suy gẫm để bỏ thuốc ngay bây giờ và mãi mãi”.
BS VĂN HIỂN TÀI (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang)