Hệ thống ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số

23/09/2024 - 07:00

 - Thời gian qua, ngành ngân hàng An Giang đã đạt những thành quả đáng khích lệ trong công cuộc chuyển đổi số. Đến nay, quy mô mạng lưới ngân hàng phát triển rộng khắp các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ ngân hàng.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Trần Minh Chánh cho biết: “Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh xác định đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số là công tác trọng tâm, thường xuyên. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và đổi mới mở rộng quy mô. NHNN chi nhánh An Giang thường xuyên chủ động bám sát chỉ đạo của NHNN Việt Nam, triển khai đến các tổ chức tín dụng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành ngân hàng theo chủ trương của Chính phủ, định hướng của Ngân hàng Trung ương và Kế hoạch 298/KH-UBND của UBND tỉnh, tập trung đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, các ngân hàng thương mại đã nỗ lực cố gắng trang bị bao phủ hệ thống máy rút tiền tự động (ATM) đến trung tâm huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, toàn tỉnh có 281 máy rút tiền ATM, tăng 9 máy so năm 2023 và 1.212 điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS)”.

VNPT An Giang hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt

Theo Phó Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Trần Minh Chánh, các ngân hàng thương mại thường xuyên nâng cao chất lượng phục vụ, nhanh chóng giải quyết những thắc mắc của khách hàng. Các cơ quan, đơn vị phối hợp Viettel An Giang, VNPT An Giang, Mobifone An Giang triển khai chương trình thanh toán không dùng tiền mặt tại 13 chợ ở các huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, đã phát triển 1.500 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Phối hợp Petrolimex An Giang và PVOil An Giang triển khai chương trình thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống 60/65 cửa hàng xăng dầu, cũng như thanh toán không dùng tiền mặt tại hệ thống các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn, quán cà-phê, tiệm vàng, khu du lịch, spa, bệnh viện…

Đến nay, đã triển khai hơn 500 đơn vị chấp nhận thẻ Agribank An Giang, BIDV An Giang, VietinBank An Giang, Sacombank An Giang, TPBank, NamABank An Giang. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán của người dân. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại còn thực hiện chuyển đổi số về quy trình và kênh giao tiếp, mang lại nhiều trải nghiệm mới cho khách hàng. Trong đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh An Giang là một trong những ngân hàng tiên phong áp dụng công nghệ số hóa, chuyển đổi số liên tục, đem lại những cải tiến và đột phá trong việc cung cấp các hoạt động dịch vụ.

Hướng dẫn khách hàng cài app

“Với quyết tâm của cả hệ thống, sau hơn 1 năm thực hiện chuyển đổi số, VietinBank là một trong những đơn vị đi đầu nhiều số hóa hoạt động ngân hàng. Việc số hóa mang lại rất nhiều lợi ích cho khách hàng và ngân hàng”. Theo đó, khách hàng không cần đến ngân hàng, ở nhà có thể giao dịch, dùng smartphone mở tài khoản tại nhà, thực hiện chuyển tiền, thanh toán tất cả các dịch vụ: Nước, điện thoại, mua hàng, mua vé máy bay... Khách hàng có thể rút tiền và gởi tiền tiết kiệm từ smartphone, không cần thiết phải tới ngân hàng. VietinBank còn thực hiện dịch vụ giải ngân online. Nếu trước đây, các khách hàng DN, cá nhân của chi nhánh phải tới ngân hàng ký nhận nợ, để nhận tiền vay, trả nợ, thì nay có thể ngồi tại nhà thực hiện giao dịch. Với dịch vụ này, khách hàng có thể giao dịch 24/7, giao dịch bất kỳ thời điểm nào cũng có thể vay được và chủ động trả nợ được cho ngân hàng. Đến nay, VietinBank số hóa 70% nghiệp vụ của ngân hàng, mang lợi ích cho khách hàng”- Giám đốc VietinBank chi nhánh An Giang Lâm Tấn Phước cho biết.

Phó Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Trần Minh Chánh chia sẻ thêm, ngân hàng còn phối hợp các siêu thị triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống siêu thị, với giải pháp thanh toán bằng thẻ ATM, chuyển khoản hoặc mã QR, được siêu thị bố trí để khách hàng có thể tự trả tiền… “Nhờ chuyển đổi số phát triển, người dân giờ đi mua sắm không phải đem theo nhiều tiền. Cứ quẹt thẻ khi thanh toán là xong, an toàn, nhanh, thuận tiện”- chị Thanh Hằng (TP. Long Xuyên) bày tỏ.

VietinBank An Giang đi đầu số hóa hoạt động ngân hàng

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc triển khai cho người nộp thuế khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong hệ thống bệnh viện, giúp bệnh nhân thuận lợi trong thanh toán viện phí; triển khai thanh toán học phí cho một số trường học... Theo ông Trần Minh Chánh, đạt kết quả trên là nhờ NHNN phối hợp Sở Công Thương tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên bằng nhiều hình thức, trọng tâm là thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo sự nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí quản lý các giao dịch tiền mặt thuận tiện, an toàn và chính xác. Từ những tiện ích thiết thực, thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng nhiều trong các giao dịch hàng ngày và trở thành xu thế tất yếu của xã hội.

Phó Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Trần Minh Chánh cho biết, thời gian tới, các ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, với quy định bắt buộc xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt, khi thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tuyến từ 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày vượt quá 20 triệu đồng. Ngoài các giải pháp về đầu tư hạ tầng công nghệ và công tác quản lý, tỉnh chú trọng phát triển thương mại điện tử trên cơ sở sàn giao dịch điện tử; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn về phát triển thương mại điện tử. Đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng hiện đại. Đồng thời, khuyến cáo, cảnh báo các thủ đoạn, hành vi lừa đảo, gian lận thương mại và hàng giả, đánh cắp thông tin, tài khoản.  

HẠNH CHÂU