Xuất khẩu thủy sản mới 5 tháng đã thu 3,2 tỷ USD
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu thủy sản là một trong những điểm sáng trong 5 tháng đầu năm 2021.
Cụ thể, tháng 5-2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 184.000 tấn, trị giá 650 triệu USD, tăng 23,04% về lượng và tăng 16,86% về trị giá so với tháng 5-2020.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 806.200 tấn, trị giá 3,239 tỷ USD, tăng 13,39% về lượng và tăng 12,46% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được những khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Đáng chú ý, xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: cá tra, basa, tôm các loại, chả cá, cá ngừ các loại, bạch tuộc, nghêu…
Trị giá xuất khẩu các mặt hàng này đều tăng mạnh hơn so với mức tăng về lượng cho thấy giá xuất khẩu trung bình trong tháng 4-2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu tôm đang thuận lợi nhưng người dân vẫn lo dịch bệnh tôm. Trong ảnh: Thu hoạch tôm tại Bạc Liêu. Ảnh: P.V
Theo đánh giá, xuất khẩu tôm là một điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông sản những tháng đầu năm 2021 khi sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm cũng đang khiến người nuôi tôm đau đầu.
Sở dĩ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng là do nhiều thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU mở cửa trở lại nhiều hoạt động sau hiệu quả của chương trình vaccine Covid-19.
Trong khi đó, nguồn cung tôm cỡ lớn tại Ấn Độ đang ở mức thấp do người nuôi tôm thu hoạch sớm khi lo ngại tác động của dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại nước này.
Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản cao cấp sẽ tăng khi dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tại châu Âu và Mỹ dần được mở trở lại.
Bên cạnh đó, với thói quen tiêu dùng đã hình thành trong hơn 1 năm vừa qua do tác động của đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong gia đình sẽ tiếp tục ổn định ở mức cao
Trong khi nguồn cung thủy sản của một số nhà cung cấp lớn như Ấn Độ, một số nhà cung cấp ở Đông Nam Á và Nam Mỹ bị tác động bởi dịch Covid-19, điều này có thể khiến giá một số mặt hàng thủy sản tăng cùng với xu hướng tăng nhu cầu.
Đây là cơ hội đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới.
Tôm Việt và cơ hội ở Anh
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), trong quý I-2021 nhập khẩu tôm nước ấm của Anh đạt 9.140 tấn, trị giá 92 triệu USD, giảm 17,5% về lượng và giảm 20,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Việc mở cửa trở lại của một số ngành dịch vụ thực phẩm ở Anh khiến giá tôm nước lạnh trong tháng 4 và tháng 5-2021 tại nước này tăng, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong những tháng tiếp theo.
Giá tôm tại Anh đã tăng trung bình 5% trong nửa cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2021 tùy loại do nhu cầu từ các ngành dịch vụ thực phẩm tăng.
Hiện, Ấn Độ là thị trường cung cấp tôm nước ấm lớn nhất cho Anh trong quý I-2021, đạt 2.600 tấn, trị giá 23,03 triệu USD, giảm 32,7% về lượng và giảm 30,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tỷ trọng nhập khẩu tôm của Anh từ thị trường Ấn Độ giảm từ 35% trong quý I-2020, xuống còn 28,9% trong quý I-2021.
Việt Nam là thị trường cung cấp tôm nước ấm lớn thứ 2 cho Anh trong quý I-2021, đạt 1.900 tấn, trị giá 19,7 triệu USD, tăng 14,8% về lượng và tăng 16,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020;
Tỷ trọng nhập khẩu từ thị trường Việt Nam tăng từ 14,9% trong quý I-2020, lên 20,8% trong quý I-2021.
Với Hiệp định thương mại tự do Anh - Việt Nam (UKVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-5-2021, thuế nhập khẩu tôm của Anh từ Việt Nam giảm từ mức Thuế MFN là 12% về 0%.
Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang thị trường Anh trong thời gian tới khi tôm mã HS 030617 của Ấn Độ chịu thuế suất 12%.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm mã HS 030617 của Việt Nam vẫn phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại của Ecuador.
Theo Dân Việt