Hiện thực hóa ước mơ nhà ở xã hội

09/06/2023 - 06:33

 - Tâm tình “an cư” để “lạc nghiệp” chưa bao giờ cũ. Hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn đã có chính sách nhà ở dành riêng. Còn lại, nhóm đối tượng không hẳn khó khăn, nhưng cũng không thể tự tích lũy mua đất cất nhà (người có thu nhập thấp, công nhân…), thì nhà ở xã hội là phương án tối ưu dành cho họ.

Phối cảnh tòa T3, T4 dự án nhà ở xã hội Golden City An Giang

Giấc mơ an cư…

Hiện nay, công nhân thường phải thuê trọ để tiện đi làm. Quê ở huyện Chợ Mới, anh Nguyễn Duy Khánh làm việc ở Công ty TNHH An Giang Samho (Khu công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành). Gần 10 năm nay, anh thuê phòng trọ giá 1 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước. Vợ chồng anh đều là công nhân, con gái lớn gửi vào trường mầm non công đoàn trong khu công nghiệp, còn con nhỏ mới 5 tháng tuổi. 4 nhân khẩu sinh hoạt trong căn phòng trọ rất bất tiện, nhất là trẻ con.

Anh Khánh giãi bày: “Tiền lương thấp, công việc bấp bênh, đôi khi trang trải cuộc sống thiếu trước hụt sau, nghĩ đến chuyện mua nhà là hoàn toàn không thể. Tôi muốn có công việc ổn định hơn, thu nhập 2 vợ chồng vừa lo cho con cái, vừa mua trả góp nhà ở giá rẻ”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Bích Thủy (công nhân Công ty TNHH NV Apparel) bày tỏ: “Lương công nhân thấp, phải dành một khoản thuê nhà trọ, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng… Tôi mong có khu nhà ở giá rẻ dành riêng cho công nhân lao động. Chỗ ở ổn định là mong muốn của hầu hết công nhân, giúp chúng tôi an tâm làm việc lâu dài”.

Nhu cầu về nhà ở, nhà ở xã hội rất bức thiết trong công nhân lao động và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang. Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, đơn vị thành lập Ban Chỉ đạo nhà ở, đất ở lực lượng vũ trang tỉnh; định kỳ hàng năm khảo sát nhu cầu nhà ở đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng.

Thống kê cho thấy, khoảng 250 - 300 cán bộ có nhu cầu về nhà ở, nhà ở xã hội. Mặc dù vậy, đơn vị vẫn “lực bất tòng tâm”, không thực hiện được, vì 3 vấn đề cốt lõi: Cơ chế; địa phương không có quỹ đất; không phân bổ được nguồn vốn.

Người dân bốc thăm mua nhà ở xã hội Khu dân cư Tây Đại học ACC

…Dần thành hiện thực

Theo Sở Xây dựng An Giang, hiện nay, tỉnh đưa vào sử dụng 4 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với 1.495 căn (khoảng 148.880m2 sàn), gồm: Nhà ở xã hội Khu dân cư Bắc Hà Hoàng Hổ (446 căn); Nhà ở xã hội Tây Đại học An Giang Block A, B, C (294 căn); Khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Bình Hòa (647 căn); Khu nhà ở công nhân Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Đức Thành (108 căn).

Ngoài ra, 2 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, dự kiến mở bán và hoàn thành trong năm 2023 (629 căn, khoảng 38.230m2 sàn), gồm: Block D dự án Nhà ở xã hội Tây Đại học An Giang (98 căn); Tòa T3, T4 dự án Nhà ở xã hội Golden City An Giang (đang mở bán 531 căn).

Ngồi trong căn nhà mới, anh Nguyễn Ngọc Thành (công tác tại UBND phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) cho biết: “Từ tỉnh Đồng Tháp qua An Giang lập nghiệp, vợ chồng tôi phải ở qua nhiều nhà trọ. Lương thấp, trừ chi phí thuê nhà (hơn 1,5 triệu đồng/tháng), cuộc sống khá khó khăn, vất vả, nhất là từ khi sinh con đầu lòng. May mắn, tôi bốc thăm trúng được căn hộ 70m2 của Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang; được hỗ trợ vay 75% trả chậm, lãi suất thấp. Gia đình tôi giờ có chỗ sinh hoạt rộng rãi, ấm cúng, an ninh trật tự đảm bảo”.

Cùng tâm tình, chị Phạm Hồng Hạnh (giáo viên tại phường Đông Xuyên) không còn phải sống cùng gia đình đông anh em. Đồng lương chưa tới 4 triệu đồng/tháng, chị rất mừng khi mua được căn nhà ở xã hội tại đô thị Long Xuyên.

“Những năm qua, tỉnh nghiêm túc bố trí tối thiểu 20% nhà ở xã hội trên tổng quỹ đất ở của dự án nhà ở (theo Luật Nhà ở) từ khâu lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; khi xét cấp chủ trương đầu tư dự án phát triển nhà ở. Vì vậy, tỉnh có sẵn quỹ đất phù hợp quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội. Cùng với đó, một số nhà đầu tư tâm huyết phát triển nhà ở xã hội; triển khai dự án đã được phê duyệt, góp phần tăng số lượng nhà ở xã hội của tỉnh” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Cường thông tin.

Quyết định 338/QĐ-TTg, ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Tỉnh An Giang được Chính phủ giao chỉ tiêu đến năm 2030 hoàn thành 6.300 căn. Tuy nhiên, mục tiêu của tỉnh phấn đấu hoàn thành khoảng 8.400 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 2.500 căn (tỉnh phấn đấu thực hiện 3.300 căn); giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 3.800 căn (tỉnh phấn đấu thực hiện 5.100 căn).

Để đạt mục tiêu, An Giang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư dự án đã có chủ trương đầu tư. Hiện nay, nhà đầu tư đang chuẩn bị thủ tục thực hiện: Dự án nhà ở xã hội thuộc dự án Khu thương mại - dịch vụ và dân cư phường Mỹ Thới; dự án nhà ở xã hội thuộc dự án Khu dân cư Xẻo Trôm 3; dự án nhà ở xã hội thuộc dự án Khu đô thị Tây sông Hậu; dự án nhà ở xã hội thuộc dự án Khu nhà ở thương mại đường Kênh Đào (nối dài); dự án nhà ở xã hội Golden City An Giang (phần còn lại T1, T2, T5, T6, T7, T8, T9) (TP. Long Xuyên); Khu chung cư thuộc dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Bình Hòa; Khu dịch vụ thương mại văn hóa du lịch núi Sam, Khu dân cư Nam Thủ Khoa Huân (TP. Châu Đốc).

Tỉnh còn các phân khu quy hoạch, bố trí đất xây dựng nhà ở xã hội: Khu đô thị mới Tây TP. Long Xuyên, Nam TP. Long Xuyên, Tây đường tránh TP. Long Xuyên, Nam Phạm Cự Lượng TP. Long Xuyên, Tây Nam TP. Long Xuyên, Khu dân cư Nam sông Hậu TP. Châu Đốc, Khu dân cư Long Hưng TX. Tân Châu.

Hàng trăm hộ dân đang sống ổn định tại Khu dân cư Tây Đại học ACC

Tháo gỡ “điểm cản”

Thực tế cho thấy, số lượng nhà ở được triển khai đáp ứng khá ít so nhu cầu. Chị G. (ngụ xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) bày tỏ: “Lương hơn 3,5 triệu đồng/tháng, tôi khó mua được nhà bên ngoài. Nghe nói có nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, tôi mừng lắm. Đến khi bốc thăm, lại thiếu may mắn...”. Anh Nguyễn Văn Tín (TP. Long Xuyên) đề xuất: “Hiện, nhu cầu nhà ở xã hội rất cao. Đây là chính sách nhân văn cần nhân rộng, cần nhiều dự án hơn nữa, giúp người dân được mua nhà với giá ưu đãi”.

Theo Sở Xây dựng An Giang, tỉnh gặp 4 khó khăn lớn khi triển khai nhà ở xã hội. Thứ nhất, về hình thức giao đất thực hiện dự án đầu tư. Để được miễn tiền sử dụng đất, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính và thời gian. Thứ hai, vướng mắc từ các dự án nhà ở thương mại. Một số dự án chậm khởi công (do thực hiện thủ tục pháp lý về đất đai) dẫn đến phần nhà ở xã hội (thực hiện trên phần quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại) bị chậm triển khai. Thứ ba, về vốn đầu tư. Một số dự án nhà ở xã hội chậm khởi công do tình hình dịch COVID-19; chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn và lãi suất vay. Thứ tư, vướng mắc nằm ở thủ tục bán và xét duyệt nhà ở xã hội đã hoàn thành.

Theo Quyết định 06/QĐ-TTg, ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia), cơ quan nhà nước có thẩm quyền không được yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận thông tin cư trú. Trong khi Thông tư 09/2021/TT-BXD, ngày 16/8/2021 của Bộ Xây dựng yêu cầu, người đăng ký mua nhà ở xã hội phải cung cấp thông tin đầy đủ thành viên trong hộ gia đình để chủ đầu tư, sở xây dựng kiểm tra, xét duyệt đối tượng.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang Văng Phú Vỹ cho biết: “Công ty đã và đang thực hiện dự án nhà ở xã hội Khu dân cư Tây Đại học ACC, quy mô 448 căn hộ, diện tích sử dụng 25.378m2. Khu A hoàn thành, khai thác năm 2015; khu B năm 2021; khu C tháng 8/2022. Riêng khu D có 112 căn, hoàn thành tháng 5/2023, chưa khai thác. Hiện, chúng tôi đang kiến nghị, đề xuất ngành chức năng tháo gỡ: Đối với hộ thuê ở ổn định 5 năm, có nhu cầu mua căn hộ đang ở, được ưu tiên mua mà không theo quy trình mở bán mới”.

 

Công trình​ Nhà ở xã hội Golden City đang xây dựng

Mong Trung ương gỡ khó

Tỉnh An Giang kiến nghị Trung ương thông qua các luật đang được tổ chức điều chỉnh, sửa đổi bổ sung (về đất đai, đầu tư, đấu thầu, nhà ở…), nhanh chóng áp dụng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý đối với dự án đầu tư phát triển nhà ở. Cần có quy định trình tự thủ tục áp dụng vào đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án) phù hợp Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, chính sách ưu đãi cụ thể, để nhà đầu tư không phải thực hiện thêm thủ tục hành chính.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm ban hành quy định về trình tự thủ tục vay ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cho nhà đầu tư; trình tự thủ tục vay ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cho các đối tượng mua, thuê, giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn nguồn vốn vay đã triển khai. Bộ Xây dựng phối hợp các ngành Trung ương hướng dẫn việc xác nhận thông tin cư trú, thông tin về hộ gia đình, làm cơ sở pháp lý để kiểm tra, xét duyệt đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội theo đúng quy định.

UBND tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến triển khai đề án "1 triệu căn hộ nhà ở xã hội"

Hỗ trợ vay vốn

Hiện nay, tỉnh chưa có khu nhà ở dành riêng cho công nhân. Tập trung quanh khu công nghiệp, địa phương đông công nhân lao động là nhà trọ của tư nhân. Riêng Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Đức Thành chủ trương cất nhà bán cho công nhân giá ưu đãi. Chủ trương này được thực hiện từ năm 2009, khởi đầu 108 căn giá rẻ cho công nhân. Ông Hồ Minh Triết (Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Đức Thành) cho biết, năm 2018, công ty xây dựng Khu dân cư Đức Thành, nhà phố liền kề với 339 căn, bán được 200 căn cho công nhân. Trong đó, công ty mua đất, xây dựng nhà hoàn chỉnh (gồm 1 trệt, 1 lầu, diện tích từ 63 đến 140m2). Công nhân mua theo hình thức trả chậm (từ 8 - 10 năm), giá bán từ 500 - 800 triệu đồng.

“Năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh cho vay mua 63 căn nhà ở xã hội, dư nợ cho vay trên 20 tỷ đồng. Năm 2023, toàn tỉnh dự kiến cung cấp 112 căn nhà ở xã hội. Đối tượng cho vay vốn mua nhà ở xã hội là người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức. Lưu ý, cá nhân và thành viên trong hộ gia đình chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống” - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, mức vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua nhà ở xã hội. Hiện nay, lãi suất cho vay được áp dụng 4,8%/năm. Thời hạn cho vay tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Tiền lãi vay được trả hàng tháng, định kỳ trả nợ gốc 6 tháng/lần.

Dẫu phải đối mặt với nhiều rào cản về cơ chế, chính sách và khả năng đáp ứng, nhưng nỗ lực của chủ đầu tư, của tỉnh từng bước hoàn chỉnh mảnh ghép lớn về nhà ở xã hội. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho việc phát triển nhà ở xã hội. Kỳ vọng, tình hình nhà ở xã hội của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung sẽ khởi sắc, gặt hái hiệu quả như mong đợi.

GIA KHÁNH - HẠNH CHÂU - MỸ HẠNH