Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên tại Việt Nam đưa Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh vào hoạt động, giám sát 10 dịch vụ của tỉnh, gồm: phản ánh hiện trường, camera an ninh, thông tin cảnh báo, giám sát dịch vụ hành chính công, môi trường, tàu cá... Theo đó, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông và Trung tâm Thông tin Dữ liệu điện tử tỉnh, thực hiện các nhiệm vụ sự nghiệp về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, cung cấp các giải pháp, dịch vụ, ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và các dịch vụ đô thị thông minh…
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế Nguyễn Xuân Sơn cho biết, ngay từ khi hình thành, trung tâm xác định mục tiêu là: giám sát, xử lý giao thông; giám sát, quản lý hình ảnh phục vụ xử phạt vi phạm hành chính thông qua hình ảnh; quản lý các phương tiện công cộng; giám sát an ninh, tình hình an toàn trật tự tại các khu vực trung tâm, khu vực trọng yếu, khu di tích; tiếp nhận thông tin ý kiến phản ánh, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công và đưa ra quyết định trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công… Từ đó, về lâu dài hướng đến đáp ứng nhu cầu điều hành đô thị thông minh của tỉnh trong tương lai, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn.
Ra mắt Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế
“Chỉ bằng điện thoại thông minh, có cài đặt ứng dụng Huế - S, những vấn đề bức xúc của người dân Huế sẽ được phản ánh nhanh hơn, đơn giản hơn đến chính xác bộ phận xử lý. Đồng thời, những vấn đề an toàn giao thông, an ninh trật tự qua camera giám sát cũng được tự động nhận diện và cảnh báo. Từ đó, không chỉ giúp công tác giám sát của chính quyền với các hoạt động của người dân tốt hơn mà ngược lại, công tác điều hành, xử lý vi phạm của chính quyền được người dân giám sát và đánh giá hiệu quả. Những phản ánh ấy được tập trung về đầu mối là Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh, từ đó tùy theo từng lĩnh vực, trung tâm sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng liên quan để xử lý và các thông tin cá nhân của người cung cấp sẽ được bảo mật tuyệt đối…” - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế Nguyễn Xuân Sơn thông tin.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, việc phát triển các dịch vụ đô thị thông minh là sự khẳng định về đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đổi mới phương thức phục vụ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy thuận lợi làm mục tiêu, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển. Đây là sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo Thừa Thiên Huế về quyết tâm đối mặt với tất cả các vấn đề của xã hội, nhằm đưa tỉnh phát triển về mọi mặt, nhất là sự vào cuộc của toàn dân trong việc xây dựng tỉnh “Xanh - sạch - sáng”, xây dựng môi trường sống hạnh phúc, môi trường làm việc thân thiện với tự nhiên. “Với việc đi vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh, Thừa Thiên Huế đã có sự cải thiện trong chỉ số PCI cấp tỉnh, nâng nhiều bậc trong việc xếp hạng ứng dụng công nghệ trong quản lý…” - ông Thọ thông tin.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Nguyễn Thanh Nam cho biết, dự án Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế được Ban Tổ chức Giải thưởng viễn thông Châu Á - Telecom Asia Awards 2019 đánh giá cao về sự thông minh, phù hợp với đặc thù của Thừa Thiên Huế, đảm bảo phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao trải nghiệm của người dân và khách du lịch; phù hợp với tâm lý, khả năng ứng dụng, cách tương tác… Được đánh giá cao về thời gian tổ chức và đem lại hiệu quả nhanh, dự án sẽ được Viettel tiếp tục mở rộng và hoàn chỉnh ở Thừa Thiên Huế vào năm 2020, đồng thời tiếp tục triển khai thử nghiệm tại hơn 10 địa phương, trong đó có tỉnh Phú Thọ và Thanh Hóa…
N.H