Hiệu quả hoạt động tín dụng thời COVID-19

09/08/2021 - 07:47

 - Những tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các tổ chức tín dụng ở An Giang đã bám sát chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai đảm bảo hiệu quả hoạt động hệ thống. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, có mức tăng trưởng khá cao (8,24%), đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN). Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng rất quan tâm giảm nợ xấu và kiểm soát tốt chất lượng tín dụng.

Các tổ chức tín dụng đồng hành với khách hàng vay, tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, như: miễn, giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng vay, giúp người dân và doanh nghiệp (DN) từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất – kinh doanh (SXKD), qua đó góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định, lãi suất huy động Việt Nam đồng phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4%/năm. Các tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất huy động ≤ 9%/năm là 54.726 tỷ đồng, chiếm 99,72%/tổng vốn huy động bằng Việt Nam đồng. Dư nợ Việt Nam đồng cho vay đến ngày 15-7 là 80.967 tỷ đồng. Tổng dư vốn huy động ước thực hiện đến cuối tháng 7-2021 là 56.999 tỷ đồng, so cuối năm 2020 giảm 0,63%, trong đó huy động trên 12 tháng 18.556 tỷ đồng, chiếm 32,55%/tổng dư huy động.

Khách hàng giao dịch tại tổ chức tín dụng.  

Trước bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng, điều chỉnh giảm lãi suất huy động vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản lý để có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay giúp khách hàng khôi phục SXKD, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của đông đảo người dân và DN với độ phủ rộng cả về quy mô và mạng lưới, đặc biệt là khu vực nông nghiệp và nông thôn.

Hiện, toàn tỉnh có 61 tổ chức tín dụng đầu mối, với 14 chi nhánh trực thuộc, 136 phòng giao dịch, 157 điểm giao dịch và 24 điểm giới thiệu dịch vụ. Tổng dư nợ ước thực hiện đến cuối tháng 7-2021 là 88.017 tỷ đồng, tăng 9,11% so cuối năm 2020; nợ xấu 672 tỷ đồng, chiếm 0,76%/tổng dư nợ.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn 50.256 tỷ đồng, tăng 9,97% so cuối năm 2020 với 115.547 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, cho vay 2 mặt hàng chủ lực là phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo 7.023 tỷ đồng tăng 7,41% so cuối năm 2020; cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu 8.558 tỷ đồng, tăng 4,67% so cuối năm 2020.

Cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp 150 tỷ đồng, 621 khách hàng còn dư nợ; cho vay hỗ trợ nhà ở 359 tỷ đồng, với 751 khách hàng; tín dụng tiêu dùng phục vụ đời sống 10.831 tỷ đồng, chiếm 12,4%/tổng dư nợ, với gần 102.000 khách hàng còn dư nợ; lĩnh vực bất động sản 4.082 tỷ đồng, tăng 2,1%. Cho vay DN nhỏ và vừa 9.938 tỷ đồng, tăng 1,07%.

Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh An Giang đã bao phủ 156 điểm giao dịch/156 xã, phường, thị trấn, góp phần đáp ứng, hỗ trợ kịp thời nhu cầu tài chính cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách. Tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng chính sách thực hiện đến cuối tháng 6-2021 đạt 3.640 tỷ đồng, tăng 7,34% so cuối năm 2020 với 145.678 khách hàng còn dư nợ; cho 5 DN vay để trả lương ngừng việc cho hơn 100 lao động, số tiền hơn 580 triệu đồng.

Chia sẻ khó khăn với DN, đến cuối tháng 7-2021 các tổ chức tín dụng hỗ trợ khách hàng vay do ảnh hưởng dịch COVID-19 với tổng số 81.300 khách hàng được hỗ trợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới). Tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới 63.222 tỷ đồng, chiếm 72.4% tổng dư nợ toàn tỉnh (trong đó cho vay mới 52.695 tỷ đồng với 59.391 khách hàng).

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng còn giảm phí chuyển tiền, miễn phí chuyển tiền kể cả trong và ngoài hệ thống. Đồng thời, triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, như: Agribank hỗ trợ các chi nhánh mức lãi suất tối đa 2,5% để giảm lãi suất cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch; BIDV triển khai các gói tín dụng với quy mô 150.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 1-1,5% so với kỳ trước; VietinBank giao quyền chủ động cho các chi nhánh được giảm đến 2% lãi suất cho vay...  

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng đề xuất, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, các DN cần tái cấu trúc hoạt động SXKD, nâng cao năng lực tài chính, tham gia các chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ và minh bạch dòng tiền, tạo cơ sở để xem xét thay thế các hình thức thế chấp tài sản khi vay vốn; DN cần chủ động phát triển đủ khả năng thích ứng với biến động của thị trường.

“Ngành ngân hàng An Giang cam kết đáp ứng đầy đủ nguồn vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng; tăng cường và tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp hỗ trợ, các chính sách tín dụng ưu đãi cho DN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng khẳng định.

Các tổ chức tín dụng đã giải quyết đáng kể nhu cầu vay vốn hợp pháp, chính đáng của đông đảo người dân, doanh nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm bình quân trên 10%, nguồn vốn phần nào đáp ứng nhu cầu mở rộng SXKD cũng như tiêu dùng của người dân. Qua đó, góp phần đáng kể đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”, tình trạng cho vay nặng lãi, nhất là địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

 

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích