Hiệu quả từ mô hình trồng mồng tơi lấy hạt

20/04/2021 - 03:24

 - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau màu và cây ăn trái, thời gian gần đây, nông dân xã Tân Phú (Châu Thành, An Giang) mạnh dạn chuyển sang trồng cây mồng tơi lấy hạt. Mô hình mới này mở ra hướng đi khác giúp nông dân có điều kiện tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, bởi năng suất và giá cả mặt hàng luôn ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân thu hoạch mồng tơi

Chị Nguyễn Thị Thủy (ngụ ấp Tân Lợi) cho biết, mồng tơi là loại rau dễ trồng, mau phát triển và chi phí đầu tư ban đầu thấp. Khi gieo hạt lên khoảng 10cm, sau đó nhổ đem trồng khoảng cách 15-20cm. Đặc biệt, phải trồng ở những nơi có nhiều ánh sáng, khi có nhiều ánh sáng cây phát triển càng cao. Đến khi cây phát triển cao thì cắm cọc để giăng giàn. Sau hơn 3 tháng gieo trồng, mồng tơi bắt đầu cho thu hoạch đợt đầu tiên, chỉ cần xuống giống một lần là có thể thu hoạch quanh năm.

“Thấy việc trồng mồng tơi mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, nên tôi quyết định chuyển đổi 2 công đất trồng mồng tơi để lấy hạt, không ngờ bán được giá cao, đem lại phần thu nhập ổn định như hiện nay. Vụ vừa rồi, tôi thu hoạch mỗi công được khoảng hơn 1 tấn hạt tươi, đem phơi được hơn 130kg hạt khô, bán với giá từ 150.000-200.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi trên 15 triệu đồng” - chị Nguyễn Thị Thủy phấn khởi chia sẻ.

Trồng mồng tơi lấy hạt được xem là mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả hiện nay, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn phù hợp với các hộ nông dân ít đất sản xuất. Trồng mồng tơi không khó nhưng cần phải bỏ công để tưới nước và bón phân thường xuyên. Để mồng tơi ra trái to và nhiều thì khâu làm đất cực kỳ quan trọng. Đất phải được xới tơi xốp, lên liếp, có rãnh thoát nước để chống ngập úng, làm chết cây con. Ngoài ra, nhiều nông dân còn phủ tấm màng ny-lon trên liếp nhằm tạo ra độ ẩm cho cây, cũng như hạn chế việc tưới nước.

Theo những hộ trồng mồng tơi, ưu điểm của trồng mồng tơi lấy hạt là tránh được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chính vì thế người trồng, không lo bị nhiễm hóa chất độc hại đến bản thân. Sau hơn 3 tháng gieo trồng, mồng tơi bắt đầu cho thu hoạch đợt đầu tiên; khoảng 15 ngày sau, sẽ thu hoạch những đợt trái kế tiếp. Sau mỗi đợt thu hoạch, nông dân cần bón phân, dọn bớt dây mồng tơi “bò” ở dưới mặt đất, đưa lên giàn để những đợt sau sẽ cho hạt nhiều hơn.

Chỉ cần xuống giống 1 lần, thời gian thu hoạch kéo dài cả năm. Nếu trời nắng tốt, hạt mồng tơi tươi chỉ cần phơi khoảng 3-5 ngày có thể bán cho thương lái. Bình quân khoảng 7-9kg mồng tơi tươi sẽ thu hoạch được 1kg mồng tơi khô. Với giá bán từ 150.000-200.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, người trồng có thể mang lại nguồn thu nhập từ 12-18 triệu đồng/công.

Ở xã Tân Phú, không riêng chị Thủy mà các hộ nông dân trồng mồng tơi đều phấn khởi vì mô hình sản xuất này mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Nguyễn Thị Đẹt (ngụ cùng ấp Tân Lợi) tận dụng hơn 500m2 đất vườn để trồng mồng tơi. Mặc dù mới trồng chưa am hiểu nhiều về kỹ thuật sản xuất, nhưng những liếp trồng mồng tơi của bà Đẹt phát triển rất xanh tốt.

“Thấy bà con trong ấp trồng, tôi làm theo, không ngờ “trồng chơi mà ăn thiệt”. Mồng tơi tuy dễ trồng nhưng để lấy được nhiều hạt phải am hiểu kỹ thuật canh tác mới được. Do đó, tôi vừa trồng, vừa học hỏi kỹ thuật từ những nông dân có kinh nghiệm. Rất mừng là mồng tơi tôi trồng phát triển tốt và đang cho thu hoạch, với năng suất khá cao”.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú Cao Hoài Phong đánh giá, mô hình trồng mồng tơi lấy hạt đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân địa phương. Hiện, toàn xã có trên 10 hộ trồng mồng tơi, với diện tích gần 2ha. Thời gian tới, Hội Nông dân xã Tân Phú sẽ phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, quy trình trồng cây mồng tơi đạt năng suất, chất lượng cao cho bà con nông dân. Đồng thời, hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay từ quỹ Hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn vay ưu đãi khác để mở rộng quy mô, đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, cần tổ chức liên kết sản xuất phù hợp, tìm đầu ra ổn định cho nông sản, tránh điệp khúc “được mùa - rớt giá”…

LÊ HOÀNG