Hình ảnh phụ nữ bị lệch chuẩn trên mạng xã hội

21/07/2023 - 03:48

Chưa bao giờ mạng xã hội lại hỗn độn như bây giờ, với nhan nhản nội dung lệch lạc được đăng tải dưới nhiều hình thức khác nhau. Đáng buồn là những nội dung được dàn dựng thành video ngắn, phim ngắn chứa đầy hình ảnh phụ nữ đánh mất những phẩm chất, đạo đức truyền thống; thay vào đó là cách cư xử, giao tiếp và quan niệm sống lệch chuẩn, trái với thuần phong, mỹ tục.

Đó là bức xúc của một số chị em phụ nữ, khi xem các ứng dụng như Watch của Facebook hay lướt TikTok. Từ những video ngắn đến phim ngắn hiện đại, được chia thành nhiều đoạn ngắn hơn (từ 1 - 2 phút) nhưng rất lôi cuốn người xem. Bởi những vấn đề được khai thác dựa trên các yếu tố về tình yêu, hôn nhân, các mối quan hệ gia đình. Sẽ là điều bổ ích, nếu người xem học được những giá trị tốt đẹp, còn ở đây nội dung được lạm dụng, sử dụng nhiều nhân vật phản diện, với cách cư xử thái quá.

Đó là sự “yêu cuồng, sống vội” của những cô gái trẻ, vội vàng trong cách lựa chọn người yêu khi dựa trên các tiêu chí về ngoại hình, công việc, thu nhập, địa vị xã hội, sự nổi tiếng, mà bỏ qua tính cách, lối sống, đạo đức của người mình chọn, để rồi dẫn đến những vấn nạn đánh ghen, cãi vã, văng tục, bạo lực… Sự cổ vũ cho lối sống hưởng thụ, chăm chút ngoại hình, sẵn sàng sống thực dụng, làm “trà xanh” (người thứ ba) bất chấp vi phạm đạo đức, vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình ngày càng tăng, vô hình trung tác động đến nhận thức của giới trẻ hiện nay.

Clip cắt hình ảnh người thứ ba ghen ngược

Đồng tình với những nhận định trên, giảng viên Trần Thị Huyền (Phó Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang) cho rằng: “Học sinh, sinh viên ngày trước thường thiếu thông tin, phương tiện khi có nhu cầu tìm hiểu về giới tính, tình yêu, hôn nhân, cách ứng xử của phái nữ trong các mối quan hệ ở trường học, công sở, mối quan hệ trong tình yêu, hôn nhân.

Thế nhưng, ngày nay với mạng xã hội phủ khắp, phụ nữ trẻ dễ dàng tiếp cận những vấn đề bản thân đang quan tâm. Với độ tuổi còn rất nhỏ 12 - 13 tuổi, sẽ là khó khăn cho các em gái khi phải nhận định quá nhiều vấn đề, trong khi các em không đủ kinh nghiệm, “sức đề kháng” để biết điều gì đúng hay sai, bắt chước hay không. Như lẽ tất yếu, người ta dễ bị ngộ nhận và theo số đông; cứ thấy những hành vi, cách ứng xử nào lặp đi, lặp lại dù chưa biết đúng sai, hễ thấy số đông đồng tình thì người xem bị thuyết phục. Lâu dần dẫn đến sự lệch lạc trong nhận thức, lệch chuẩn đạo đức gia đình và xã hội”.

Hình ảnh phụ nữ đánh nhau được cắt từ phim ngắn trên mạng

Thật vậy, một người bạn của tôi khá bức xúc khi xem những đoạn clip diễn cảnh cô gái được người yêu dẫn về ra mắt gia đình. Hoàn cảnh tạo ra xung đột là mẹ chồng, chị em chồng, người thân luôn mong muốn cô gái thể hiện khả năng nấu nướng, dọn dẹp. Vì không chịu nổi những lời bình phẩm về bản thân, khen chê món ăn, mang tâm lý phải phục vụ gia đình chồng tương lai, cô gái đã bưng hất cả mâm chén dĩa, bỏ ra về và chia tay người yêu trong cơn bực tức... Nội dung chỉ có vậy hoặc tương tự, nhưng được nhiều người chọn để diễn đi diễn lại, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

“Với những phụ nữ thuộc thế hệ 7X, 8X thường nhẫn nhịn và có thể phản ứng theo cách nhẹ nhàng. Các cô gái có thể “tròn vai” trong buổi ra mắt nhà chồng, nhưng khi trở về nhà mới bắt đầu cân nhắc liệu bản thân có phù hợp trong mối quan hệ mới với gia đình bạn trai, nên hay không nên bước vào cuộc sống hôn nhân và khi bước vào cần có sự rèn luyện, thay đổi bản thân như thế nào để xây dựng gia đình hạnh phúc. Còn ở đây, người làm clip chỉ đưa ra vấn đề, mà không giải quyết mâu thuẫn một cách thấu đáo. Điều này khiến nhiều phụ nữ trẻ cho rằng, cách cư xử vậy là đúng, không màng việc bị đánh giá và chịu những hệ lụy bản thân về sau”- người bạn ấy than thở.

Tương tự là những mâu thuẫn, những màn khẩu chiến, đánh nhau giữa mẹ chồng - nàng dâu trong các clip ngắn như: “Mẹ chồng độc đoán”, “Mẹ chồng khó tính”, “Con dâu hỗn láo”… càng khoét sâu hơn những mâu thuẫn trong đời sống gia đình. Các em gái trẻ sẽ có cái nhìn bi quan, tiêu cực về đời sống hôn nhân, nảy sinh tâm lý ngại lập gia đình, ngại sống chung với cha mẹ, anh em nhà chồng; mang tư tưởng phải phòng vệ, ứng phó; chứ không phải tình yêu thương, sẻ chia khi phải sống chung với gia đình chồng. Ngược lại, với những phụ nữ lớn tuổi xem nhiều đoạn clip, nếu không đủ tỉnh táo sẽ nâng “cái tôi” ngày càng cao, đem những kinh nghiệm, lối suy nghĩ của người phụ nữ xưa để áp đặt cho phụ nữ trẻ ngày nay. Do vậy, dẫn đến thiếu sự yêu thương, bao dung để xây dựng gia đình hạnh phúc cho con cháu.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Hội An (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) Trần Kim Ngân, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam luôn là niềm tự hào cho gia đình và xã hội. Do vậy, chị em phụ nữ cần hoàn thiện hơn những giá trị tốt đẹp, để xứng đáng nhận được sự tôn trọng từ những người xung quanh. Thế nhưng, hiện nay, hình ảnh phụ nữ ngày càng bị lệch lạc, dù là ảo trên mạng xã hội nhưng sẽ gây ảnh hưởng thật đến người trẻ. Những lối sống, cách nghĩ, ứng xử của một số phụ nữ đã làm “xói mòn” giá trị thuần phong mỹ tục, “công, dung, ngôn, hạnh” của phụ nữ.

Vậy nên, dù xã hội có phát triển như thế nào, mong rằng chị em phụ nữ luôn giữ gìn và phát huy những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đó là tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, năng động, sáng tạo và hội nhập. Các cấp Hội LHPN cần khuyến khích hội viên và con em hội viên tham gia các lớp học thực tế như “tiền hôn nhân”, các phong trào phụ nữ thi đua học tập, lao động, giúp nhau làm kinh tế, xây dựng gia đình tiến bộ, phát triển, ấm no và hạnh phúc....

NGỌC GIANG