Hỗ trợ công nhận lưu hành giống lúa AG1 được chọn tạo ở An Giang

10/04/2023 - 07:04

 - Ngày 28/1/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã ký Quyết định 205/QĐ-UBND phê duyệt kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng thực hiện dự án “Hỗ trợ công nhận lưu hành giống lúa được chọn tạo ở tỉnh An Giang”; trong đó nguồn sự nghiệp khoa học hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng. Dự án do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý dự án. PGS.TS Huỳnh Quang Tín, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) làm chủ nhiệm. Thời gian thực hiện và hoàn thành dự án là 36 tháng (từ tháng 1/2022 đến tháng 1/2025).

Khảo nghiệm đánh giá khả năng thích nghi các giống lúa triển vọng tại huyện Châu Thành

Mục tiêu dự án nhằm hỗ trợ công nhận lưu hành và phát triển các giống lúa ưu tú do nông dân chọn tạo, gia tăng sản xuất và khuyến khích người dân tham gia nghiên cứu để cải tiến. Mục tiêu cụ thể: Hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận lưu hành 4 - 5 giống lúa (trong đó có 2 giống kế thừa kết quả giai đoạn 1 là: AG1 và TC7); có 1 - 2 giống lúa được công nhận lưu hành và 4 giống lúa được bảo hộ. Sản xuất 200kg hạt giống cấp siêu nguyên chủng/giống đối với các giống được công nhận lưu hành. Đào tạo 20 nông dân và cán bộ kỹ thuật về nội dung: lai - chọn giống lúa mới, sản xuất hạt giống; công tác khảo nghiệm (VCU, DUS) và công nhận lưu hành giống lúa mới.

Nội dung dự án: Khảo nghiệm giống lúa mới; thử nghiệm hợp phần kỹ thuật (5 giống); chuyển giao công nghệ và huấn luyện đào tạo. Cụ thể, từ nguồn vật liệu giống do nông dân cùng thực hiện lai - chọn, sau khi đánh giá các tiêu chí về sinh trưởng, sâu bệnh, năng suất, phẩm chất phù hợp tiêu chí người dùng gạo trong và ngoài nước, lựa chọn được 28 giống lúa/nếp triển vọng để tiếp tục các khảo nghiệm.

Đồng thời, thử nghiệm hợp phần kỹ thuật (5 giống) ảnh hưởng các mật độ gieo sạ và ảnh hưởng các liều lượng phân bón (đạm) mỗi giống lúa tại An Giang. Chọn lọc và sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng: Đối với những giống lúa được công nhận lưu hành, sẽ hợp tác với trung tâm dịch vụ kinh tế nông nghiệp chọn lọc thuần giống để cung cấp hạt giống “siêu nguyên chủng” cho đơn vị sản xuất khi dự án kết thúc.

Có 3 sản phẩm của dự án gồm giống lúa; chuyển giao công nghệ; khoa học, đào tạo. Cụ thể: Hoàn thiện hồ sơ đăng ký công nhận lưu hành 4 - 5 giống lúa mới, trong đó có 1 - 2 giống được công nhận lưu hành, 4 giống được bảo hộ. Chuyển giao công nghệ 200kg hạt giống siêu nguyên chủng/giống cho mỗi giống được công nhận lưu hành; 4 hội thảo thực địa được tổ chức thực hiện. 20 nông dân và cán bộ kỹ thuật được tập huấn, đào tạo về chọn tạo giống lúa, công tác khảo nghiệm giống lúa và công nhận lưu hành giống lúa mới; 1 báo cáo tổng kết, 7 chuyên đề khoa học.

Ngày 4/10/2022, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng đã ký Quyết định 273/QĐ-TT-VPPN cho Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - Trường Đại học Cần Thơ, công nhận lưu hành giống lúa AG1, với mã số lưu hành CNLH 2022 56. Giống lúa AG1 được lưu hành trong các vụ, vùng trồng lúa tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Thời gian lưu hành 10 năm, kể từ ngày 4/10/2022.

PGS.TS Huỳnh Quang Tín cho biết: “Giống AG1 (giống An Giang 1) được lai tạo từ giống lúa OM 6932 và giống HD1. Đây là giống có nhiều triển vọng, bởi ưu điểm cho năng suất cao, ngắn ngày, cứng cây; kháng bệnh cháy lá, chịu phèn, mặn, phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay”. Giống AG1 có triển vọng trên phương diện thương mại giống lúa lẫn phương diện gạo xuất khẩu. Gạo được xay ra từ giống lúa này có hạt trong, độ dài đạt chuẩn xuất khẩu. Đây là loại gạo xốp nở, mềm cơm, có mùi thơm nhẹ.

Theo PGS.TS Huỳnh Quang Tín, thực hiện dự án này, chủ nhiệm dự án đã đánh giá khả năng thích nghi (thực hiện trên 5 giống lúa: AG1, Nếp thơm AG, TC7, HNOE thơm và AG2, đối chứng là OM5451, xuống giống ngày 11/12/2022). Vật liệu: 5 giống lúa/nếp triển vọng (2 giống kế thừa giai đoạn trước và 3 giống giai đoạn hiện tại) sẽ được khảo nghiệm diện rộng đánh giá khả năng thích nghi tại các vùng sinh thái khác nhau, gồm 2 vùng của tỉnh An Giang và 3 vùng sinh thái ĐBSCL (Vùng ngập sâu - tỉnh Đồng Tháp; phù sa nước ngọt - tỉnh Vĩnh Long; vùng ven biển - tỉnh Bạc Liêu) vào vụ hè thu 2022 và đông xuân 2023 (hiện đang thực hiện 1 vùng huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) vụ đông xuân 2022 - 2023).

Phương pháp thực hiện bố trí thí nghiệm: Thí nghiệm thuộc khảo nghiệm diện rộng với kích thước mỗi nghiệm thức là 200 m2, không lặp lại. Giữa các ô khảo nghiệm có dãy phân cách. Phương pháp gieo trồng: Cấy, mật độ cấy 20 - 20cm. Quản lý nước áp dụng ngập khô xen kẽ. Qua đó, ghi nhận chỉ tiêu tăng trưởng; thành phần năng suất, năng suất thực tế...

Để thử nghiệm kỹ thuật - xây dựng quy trình canh tác, chủ nhiệm đề tài đánh giá ảnh hưởng các liều lượng phân đạm đến năng suất các giống lúa đã công nhận lưu hành (thực hiện trên 5 giống lúa: AG1, Nếp thơm AG, TC7, HNOE thơm và AG2, trồng vụ đông xuân 2022 - 2023).

Trong quá trình khảo nghiệm, nhóm tác giả sẽ tổ chức thử nghiệm ảnh hưởng của liều lượng phân đạm (80 - 100 - 120 - đối chứng) để xác định lượng phân đạm sử dụng hợp lý để tăng hiệu quả kinh tế và giảm phát thải trong sản xuất lúa ở các vùng sinh thái khác nhau. Từ đó, xây dụng quy trình kỹ thuật canh tác thích hợp để khuyến cáo cho sản xuất ở An Giang.

Dự án “Hỗ trợ công nhận lưu hành các giống lúa được lai tạo ở tỉnh An Giang” đến nay đã có giống AG1 được công nhận lưu hành và đang được giới thiệu cho nông dân sản xuất ở An Giang. Dự án này sẽ mang lại những kết quả khả quan vào những năm tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu của An Giang.

CHÂU AN