
Nông dân Tri Tôn nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả cao
Năm 2020, trong một lần sang tỉnh Đồng Tháp, chị Châu Thị Nương (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn) thấy người dân ở đó trồng nấm ăn, nấm dược liệu cho thu nhập cao, chị liền học tập kinh nghiệm, mày mò làm thử. Hơn 3 tháng trồng, chăm sóc, đợt nấm linh chi đầu tiên cho thu hoạch hơn 300kg khô, bán với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg, thu về gần 500 triệu đồng. Từ đợt thử nghiệm đó, chị Nương tin tưởng mô hình sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao nên quyết tâm nhân rộng.
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nấm của người dân tăng cao, thị trường tiêu thụ ngày càng lớn, gia đình chị Nương đã triển khai thêm mô hình tại phường Thới Sơn (TX. Tịnh Biên), với diện tích 1,5ha. Nấm thực phẩm và nấm dược liệu, như: Nấm mối, nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo. Các loại nấm trên có chu kỳ sinh trưởng ngắn ngày, vòng quay vốn nhanh nên có thể ngừng sản xuất bất kỳ lúc nào khi thời tiết không thuận lợi, nên hạn chế tối đa rủi ro.
Hiện nay, cứ khoảng 5 tháng thu hoạch nấm 1 lần. Với giá bán các loại nấm dược liệu từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg, nấm thực phẩm từ 40.000 - 250.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về lợi nhuận từ 800 - 900 triệu đồng. Đặc biệt, các sản phẩm nấm linh chi tai to, nấm đông trùng hạ thảo và nấm mối của chị Nương hiện đã được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao của địa phương.
Tại xã Lạc Quới, mô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình anh Lâm Chí Cường tuy mới nhưng phát huy hiệu quả kinh tế khả quan, tiềm năng được nhân rộng tại địa phương. Anh Cường cho biết, với diện tích mặt ao trên 3.500m2, anh Cường thả nuôi 1,2 tấn ốc bươu bố mẹ. Để tiện chăm sóc, ao nuôi được phân chia thành từng khu riêng: Nuôi giống, sinh sản, ấp trứng, nuôi ốc, con giống… Trong ao nước, anh Cường thả lục bình, bông súng, bèo tai tượng, bèo cám tạo môi trường thuận lợi để ốc sinh sống. Đồng thời, thả thêm gốc cây, thùng xốp để ốc mẹ đẻ trứng. Trên bờ ao, anh Cường trồng thêm cây ăn trái để làm nguồn thức ăn cho ốc… Ốc bươu đen dễ nuôi, vốn đầu tư thấp, lại ít dịch bệnh nên ít tốn công, chi phí chăm sóc. Tuy nhiên, theo anh Cường, điều lưu ý khi nuôi loại thân mềm này là nguồn nước. “Kiểm soát nguồn nước tốt thì ốc sẽ không bị bệnh. Do đó, 1 tuần tôi thay nước 1 lần” - anh Cường chia sẻ thêm.
Nhờ sinh sản quanh năm, nên người nuôi ốc như anh Cường chỉ cần đầu tư 1 lần là có thể nhân giống qua các năm. Khoảng 8 - 12 giờ sau khi đẻ, vỏ trứng khô lại, anh Cường bắt đầu thu gom trứng rồi cho vào khay nhựa. Những chiếc khay sau đó được đặt trong thùng xốp, phía dưới có đổ nước, đồng thời xịt nước giữ ẩm hàng ngày để trứng nở. Sau 15 - 20 ngày, trứng ốc bắt đầu nở; nuôi dưỡng ốc con thêm 14 ngày là có thể xuất bán giống.
Anh Cường cho biết, ốc thương phẩm được bán cho những nhà hàng, quán ăn và người dân địa phương. Ngoài ra, thông qua các trang mạng xã hội, YouTube, Facebook, TikTok… ốc được bán khắp mọi miền đất nước. “Bình quân 1 tuần, tôi bán cho khách 10 - 15kg trứng ốc, với giá thành từ 500.000 - 550.000/kg; ốc giống được bán với giá 200 đồng/con. Mỗi tháng, trừ chi phí, công chăm sóc, tôi thu lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng” - anh Cường cho biết…
Ngoài 2 mô hình nêu trên, nông dân huyện Tri Tôn còn đẩy mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình, mô hình nuôi ba ba (xã Châu Lăng), trồng chanh bông tím (xã Vĩnh Gia), trồng sầu riêng (xã Lương Phi và thị trấn Ba Chúc), trồng xoài (xã Lê Trì)… Thông qua mô hình đã giúp nông dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập…
Để góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của đông đảo người dân, tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện Tri Tôn tiếp tục vận động nông dân tái cơ cấu nông nghiệp; tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng các mô hình sản xuất - kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao; tăng cường liên kết sản xuất để có đầu ra ổn định…
MINH ĐỨC