
Xoài được vận chuyển ra xe tải để đưa đi sơ chế hoặc tiêu thụ tại các đầu mối lớn
Tổ chức lại sản xuất, nông dân vững đầu ra
Ra đời trong năm khó khăn 2020, khi COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, HTX GAP Cù Lao Giêng ra đời như một giải pháp tạm thời, sau đó phát triển khá vững chắc. Ông Nguyễn Minh Hiền (Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX GAP Cù Lao Giêng) chia sẻ: “Khi thương lái rút lui, chúng tôi gom hàng của bà con, làm combo nông sản gửi vào vùng dịch. Từ đó, người dân tin tưởng HTX hơn và bắt đầu gắn bó lâu dài”.
HTX hiện có gần 300 thành viên, trong đó 51 thành viên chính thức, cùng nhau canh tác hơn 300ha xoài tập trung ở 3 xã: Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ và Mỹ Hiệp. Giống xoài chủ lực là xoài 3 màu, một giống cho 2 loại trái: Xoài tượng và xoài hạt lép. Cả 2 đều được thu hoạch đúng kỹ thuật, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. HTX cũng đang triển khai thêm 50ha theo hướng GlobalGAP, hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu sang Châu Âu.
Điểm đặc biệt trong cách làm việc của HTX là tổ chức sản xuất theo hợp đồng. Khi xoài ra bông, nông dân báo sản lượng ước tính, HTX dựa vào đó để chào bán với đối tác trong và ngoài nước. Nhờ chủ động được nguồn cung, HTX có thể đảm bảo mức giá ổn định cho bà con. Hiện nay, xoài của HTX được tiêu thụ trong nước qua hệ thống siêu thị, chợ đầu mối và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, New Zealand và Hoa Kỳ, với tổng sản lượng xuất khẩu hơn 1.000 tấn mỗi năm.
Không chỉ vậy, HTX còn được tổ chức GIC (Đức) hỗ trợ về kỹ thuật sau thu hoạch, giúp nông dân hạn chế thất thoát và nâng cao chất lượng trái. Từ việc đơn thuần “trồng rồi bán”, bà con giờ đây đã tiếp cận được cách làm bài bản, hiểu rõ yêu cầu thị trường và có định hướng rõ ràng cho từng vụ mùa.
Câu chuyện người trồng xoài và giấc mơ vươn xa
Anh Phan Văn Khánh (nông dân ở ấp Bình Phú, xã Bình Phước Xuân) bắt đầu trồng xoài từ năm 2012, sau nhiều năm sống bấp bênh với trồng rẫy. Anh chia sẻ: “Trồng xoài dễ chăm hơn các cây ăn trái khác mà nếu được mùa, bán giá tốt thì thu nhập cao hơn. Gia đình tôi giờ có khoảng 1.600 gốc xoài, ổn định cuộc sống, sắm được xe máy, tủ lạnh và đồ dùng trong nhà đầy đủ hơn trước”.
Theo anh Khánh, vụ xoài thường rộ từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau. Xoài 3 màu có thể thu hoạch quanh năm, nhưng cao điểm vẫn mang lại giá trị cao nhất. Giá cả phụ thuộc vào thị trường. Có năm giá thấp chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg, nhưng nếu trúng mùa ít người có xoài thì có thể bán được 10.000 - 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhờ HTX, nên không lo bị ép giá”.
Anh Khánh đánh giá cao mô hình hợp tác xã, vì giúp nông dân không phải “đơn độc” trên thị trường: “HTX làm hợp đồng bao tiêu từ đầu, biết sản lượng, biết thời điểm thu hoạch, nên chủ động trong sản xuất và bán hàng. Xoài đạt chuẩn thì giá cao, trái lỗi thì HTX vẫn hỗ trợ tiêu thụ theo giá thị trường”.
Ngoài xoài tươi, HTX còn phát triển sản phẩm chế biến, như: Xoài sấy dẻo, nước ép xoài, pure... Đồng thời, đang trong giai đoạn xây dựng nhà sơ chế, với kỳ vọng giúp sản phẩm xoài tăng giá trị hơn nữa. Ông Hiền chia sẻ, trái không đủ đẹp để xuất khẩu vẫn có thể chế biến, không lãng phí. Từng trái xoài đều có giá trị, nếu mình biết làm đúng cách.
Một hướng đi khác đang được triển khai là phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp. HTX GAP Cù Lao Giêng đã được chọn làm mô hình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) kiểu mẫu. Khách đến đây được tham quan vườn xoài, nghe kể chuyện về cách làm nông hiện đại, đồng thời thưởng thức các sản phẩm từ xoài ngay tại chỗ, một hình thức trải nghiệm mới mẻ giữa miền Tây sông nước.
Cù Lao Giêng hôm nay là vùng trồng xoài lớn, là nơi nông dân dám đổi mới, nơi nông sản vươn tầm quốc tế và du lịch nông nghiệp đang mở ra nhiều cơ hội. Với nền tảng vững vàng từ HTX và quyết tâm từ người dân, nơi này đang viết tiếp hành trình xanh cho trái xoài Việt Nam.
BÍCH GIANG