Hỗ trợ giảm nghèo thông qua dự án nông nghiệp

10/07/2024 - 06:17

 - Thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2024 trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang đã triển khai hoạt động hỗ trợ người dân phát triển kinh tế thông qua các mô hình nông nghiệp. Nhiều dự án được triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trần Thanh Hiệp cho biết, giai đoạn 2022 - 2024, tổng kinh phí bố trí thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp là 47,61 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước 37,48 tỷ đồng, vốn do dân đóng góp trên 10,12 tỷ đồng.

Đến nay, đã giải ngân 16,61 tỷ đồng để triển khai thực hiện 44 dự án phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp theo hình thức cộng đồng cho 597 đối tượng hộ nghèo, cận nghèo; hộ mới thoát nghèo... Cụ thể: 31 dự án chăn nuôi bò, 5 dự án chăn nuôi dê, 3 dự án nuôi lươn thịt, 3 dự án nuôi gà thịt, 1 dự án nuôi ếch thịt...

Phần lớn các dự án phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp được triển khai thực hiện thuộc loại hình chăn nuôi, chu trình sinh trưởng dài nên đến nay vẫn chưa đánh giá được kết quả thực hiện.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trần Thanh Hiệp, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được các sở, ngành liên quan tập trung phối hợp thực hiện tốt. Bên cạnh đó, đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện dự án hàng năm và giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở triển khai thực hiện các hoạt động theo quy định.

Nhiều dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất

Ngoài ra, các đơn vị đã xây dựng phương án phân bổ kinh phí thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phân bổ vốn cho UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Nhiều dự án được triển khai bước đầu mang lại hiệu quả…

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trần Thanh Hiệp, trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn. Việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3 phân bổ nguồn kinh phí khá lớn. Trong khi đó, các địa phương chưa có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án theo quy định mới của chương trình, nên việc giải ngân vốn phân bổ chậm. Bên cạnh đó, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất do cộng đồng dân cư xây dựng và phê duyệt, phần lớn chưa đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định, do năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cán bộ cấp cơ sở hạn chế…

Mặt khác, việc phân bổ vốn thực hiện dự án chưa phù hợp thực tế một số địa phương. Nguyên nhân do nguồn vốn được phân bổ nhiều, trong khi đối tượng thụ hưởng đảm bảo điều kiện quy định không nhiều, nên khả năng giải ngân vốn được phân bổ không hoàn thành chỉ tiêu. Ngoài ra, việc xây dựng dự toán kinh phí thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chưa thống nhất quy trình sản xuất, dẫn đến mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho dự án chưa đảm bảo thống nhất trong quá trình triển khai...

Thời gian tới, Sở NN&PTNT An Giang tiếp tục triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Trong đó, tập trung giải pháp: Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ cán bộ đến tận hộ gia đình tư vấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ phát triển sản xuất theo lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh, ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ xây dựng, quản lý dự án; phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng; tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản. Đồng thời, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả…

Dự kiến giai đoạn 2026 - 2030, sẽ triển khai 90 dự án, với tổng kinh phí 38 tỷ 288 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 34 tỷ 459 triệu đồng, vốn ngân sách địa phương 3,8 tỷ đồng. Qua đó, giúp hộ nghèo; người dân ở vùng nghèo, vùng khó khăn nâng cao năng lực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.

Đồng thời, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với quy hoạch sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững.

MINH ĐỨC