Chị Nguyễn Thị Kim Loan khởi nghiệp thành công từ khô cá lóc
Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Kim Loan, chủ cơ sở SXKD khô cá lóc Kim Loan (xã Long Kiến, huyện Chợ Mới). Là giáo viên Trường Mẫu giáo Long Kiến, thấy cá lóc nhà nuôi làm khô ngon nên cách đây 5 năm, chị Loan bắt đầu làm khô. Khi sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận, đánh giá cao, chị Loan quyết định thành lập Cơ sở khô cá lóc Kim Loan để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Khởi đầu với mục tiêu SXKD đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch. Khi sản phẩm được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh đánh giá cao, chị Loan đăng ký thương hiệu và cấp mã QR, đăng ký sở hữu trí tuệ để mở rộng thị trường tiêu thụ. Từng bước cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng được thương hiệu khô cá lóc Kim Loan với slogan “Thử là khen, quen là ghiền”. Hiện, sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Chị Trần Thị Trang (ngụ thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) khởi nghiệp từ cây cỏ bàng và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ ở địa phương. Từ nhỏ, chị được gia đình dạy nghề đan đệm, giỏ từ cỏ bàng - nghề truyền thống lâu đời ở Ba Chúc, nên chị Trang dành tình cảm đặc biệt với nghề. Cuộc sống ngày càng hiện đại, đệm bàng, giỏ bàng ngày càng ít người sử dụng. Thị trường thu hẹp, chị Trang rời quê đến tỉnh Bình Dương làm công nhân may. Năm 2016, chị trở về quê, mở xưởng may túi xách, đồ thủ công mỹ nghệ - xưởng may túi xách từ cỏ bàng đầu tiên ở thị trấn Ba Chúc.
Với niềm đam mê, quyết tâm duy trì nghề đan đệm bàng, chị Trang chịu khó lên các trang mạng xã hội học hỏi kinh nghiệm, bán sản phẩm trực tuyến (online), khách hàng đặt số lượng ngày càng nhiều. Sản phẩm có mẫu mã đẹp, sang trọng, chất lượng; được địa phương hỗ trợ khu trưng bày sản phẩm để quảng bá. Nhận đơn hàng liên tục, một mình làm không xuể, chị Trang thuê thêm gần 40 người may, phụ gia công và đan đệm bàng, với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Diễm Kiều (ở xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên) khởi nghiệp từ trái cà na dân dã. Chị Kiều đã nghiên cứu, cho ra thị trường sản phẩm và xây dựng thương hiệu rượu cà na Hòa Kiều. Sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao bởi hương vị độc đáo, chất lượng đảm bảo, tiêu thụ mạnh ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Cơ sở tạo việc làm cho hơn 10 lao động, mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Quách Yến Phượng (Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) đem sản phẩm trà xạ đen - dược liệu quý vùng Bảy Núi tiếp cận người tiêu dùng. Chị Phượng chia sẻ: “Núi Cấm có nhiều loại dược liệu quý nhưng chưa được thương mại hóa, chưa có mô hình kinh doanh cây dược liệu gắn với xây dựng thương hiệu, nên tôi ấp ủ và thực hiện ý tưởng, thu mua cây dược liệu về sơ chế, tạo thành sản phẩm trà thô đóng gói cho ra thị trường và được người tiêu dùng ủng hộ. Phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học An Giang nghiên cứu và tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm mới, như: Trà xạ đen túi lọc, trà hòa tan... sản phẩm đạt OCOP 3 sao".
Hội LHPN tỉnh cho biết, đầu năm đến nay, các cấp hội hỗ trợ 877 hội viên, phụ nữ khởi nghiệp. Trong đó, hỗ trợ kiến thức về kinh doanh, khởi nghiệp; hỗ trợ vốn vay từ các nguồn hơn 6 tỷ đồng cho 141 chị... Đặc biệt, triển khai thực hiện nhiều mô hình SXKD theo hướng tổ liên kết, tổ hợp tác gắn với sinh kế cho phụ nữ thích ứng với biến đổi khí hậu; củng cố các tổ liên kết, tổ hợp tác SXKD, dịch vụ, như: Tổ phụ nữ vót đũa tre ấp Vồ Bà (huyện Tịnh Biên); Tổ phụ nữ tư vấn và kinh doanh năng lượng tái tạo (huyện Tri Tôn); Tổ phụ nữ liên kết sản xuất mứt mãng cầu, Tổ phụ nữ giúp việc nhà (huyện Châu Phú)... Duy trì hoạt động các mô hình Tổ hợp tác trồng bông điên điển, Tổ trồng sen (huyện Châu Phú); Tổ hợp tác sản xuất túi xách (TP. Châu Đốc)… góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ.
Với những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội LHPN các cấp đã giúp hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
HẠNH CHÂU