Lễ hội kết nối tâm thức cộng đồng

23/05/2025 - 05:20

 - Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, với tiến trình hình thành, phát triển 200 năm, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam vẫn đang trụ vững với thời gian. Sự trụ vững ấy phát xuất từ chính niềm tin chưa một lần phai nhạt trong tâm thức của người dân bản địa lẫn tất cả tín đồ đã từng biết đến Bà, từng được Bà độ trì. Niềm tin ấy có nguồn gốc sâu xa, chứ không đơn thuần chỉ là một niềm tin nhất thời, phi lý. Chính niềm tin sắt son ấy kết nối mọi người về với nhau, về với miền di sản Vía Bà.

Theo cố nhà văn Trịnh Bửu Hoài (người gắn bó sâu sắc với vùng đất Châu Đốc), miền Tây Nam Bộ có nhiều miếu Bà Chúa Xứ, hình thành từ thời khẩn hoang, là chỗ dựa tinh thần của lưu dân trước thiên nhiên khắc nghiệt, nhiều dịch bệnh và cuộc sống bấp bênh. Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là ngôi miếu hoành tráng nhất nước, nổi tiếng linh thiêng, thu hút khách hành hương đông nhất nước, với hàng triệu lượt người đến cúng bái. Sau khi Lễ Vía Bà được công nhận lễ hội cấp quốc gia vào năm 2001, từ năm 2002, Lễ Phục hiện rước tượng Bà từ trên đỉnh núi về miếu được tổ chức theo truyền thuyết dân gian.

Lễ bắt đầu vào lúc 15 giờ, ngày 22/4 âm lịch tại Nhà bia Liệt sĩ dưới chân núi Sam. Trước nhất là lãnh đạo địa phương, Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam, bô lão, nhân sĩ, đại biểu dâng hương. Tiếp theo là hoạt cảnh ca múa nhạc tái hiện cuộc sống thời xưa của vùng biên thùy Châu Đốc, ca ngợi di tích thắng cảnh của núi Sam. Nửa giờ sau, đoàn khiêng kiệu cùng tất cả đại biểu, khách hành hương, người dân khởi hành lên núi trong tiếng trống chiêng rộn rã của các đoàn lân. Đoàn rước tượng Bà lên đến hàng ngàn người, do bô lão và Ban Quản trị Lăng miếu dẫn đầu, mất một giờ rưỡi mới lên tới nơi bệ đá đặt tượng Bà ngày xưa. Có năm, đoàn dẫn đầu lên tới đỉnh núi, mà “cái đuôi” vẫn còn ở dưới chân núi. Con đường lên núi dài 3km, dày đặc người tham dự.

Lễ phục hiện rước tượng Bà từ núi Sam xuống. Ảnh: GIA KHÁNH

Mặc kệ màn mưa khi dày khi mỏng, khi nặng khi nhẹ (luôn xuất hiện vào ngày 22/4 âm lịch hàng năm), đoàn người thủng thẳng “về đích”. Đến giờ làm lễ, chắc chắn mưa sẽ tạnh. Đại biểu, bô lão dâng hương, vái lạy nơi đặt bệ đá; đại diện đoàn rước áo mão (thay cho tượng Bà) đưa lên kiệu cho 9 cô gái mặc áo dài trắng khiêng xuống núi. Đến 19 giờ, đoàn mới về tới sân miếu. Một chương trình sân khấu hóa ngắn gọn cùng với tiết mục ca múa ca ngợi, thể hiện mùa lễ hội, vẻ đẹp của quê hương Châu Đốc… được biểu diễn rất đặc sắc.

Sau hàng chục năm, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vẫn được giữ gìn, thực hành qua nhiều thế hệ tại Châu Đốc. Đây là lễ hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân miền Tây Nam Bộ. Lễ hội được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 27/4 âm lịch hàng năm, ngày vía chính 25/4 âm lịch, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Chăm, Khmer; các nghi lễ thực hiện theo nghi thức cổ truyền.

Điều ấn tượng nhất, minh chứng rõ nét nhất tín ngưỡng sâu sắc của cộng đồng là việc khách hành hương dâng tặng nhiều lễ vật, quà lưu niệm phong phú, đa dạng và giá trị. Người ta dâng tặng Bà những bộ áo, mão, quạt nhiều màu sắc, thêu rồng phụng kim tuyến sặc sỡ, giá trị hàng triệu đến hàng trăm triệu đồng. Có nhiều bộ áo trị giá hàng lượng vàng. Vật dụng trong miếu hầu hết cũng do khách thập phương tặng, như: Bàn ghế sơn mài cẩn xà cừ, cặp nhang, đèn cầy rất to đắp nổi hình rồng phụng cao 1 - 2m.

Bà Nguyễn Thị Ánh Vương (Đội trưởng Đội thờ tự Ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam, Tổ trưởng Tổ tắm Bà) cẩn thận đem nhiều vật dụng quý giá của khách dâng cúng Bà trước khi làm lễ tắm Bà (đêm 23, rạng sáng 24/4 âm lịch). Năm nay, người dân trầm trồ chiêm ngưỡng 4 chén vàng, 4 đôi đũa vàng, tổng trọng lượng hơn 140 chỉ vàng 9999; 999 đồng xu vàng, khắc chữ “Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam - Châu Đốc - An Giang”, “Chúa Xứ Thánh Mẫu”. Không thể thiếu vắng sự xuất hiện của sợi chuỗi 162 lượng vàng trứ danh. Sợi chuỗi được thiết kế 3 lớp, do một công ty vàng bạc đá quý ở TP. Hồ Chí Minh chế tác năm 2014. “Nhiều cá nhân, tổ chức sẵn sàng dâng cúng Bà những thứ mình có được, bởi họ tin tưởng vững chắc rằng, về sau sẽ được Bà phù hộ độ trì, nhận về nhiều hơn lúc cho đi” - bà Vương chia sẻ.

Nghệ nhân cắm hoa Nguyễn Thị Út bước vào tuổi 65. Cả thập kỷ nay, mùa Vía Bà hàng năm, bà lặn lội từ TP. Hồ Chí Minh về Châu Đốc 2 ngày, luôn tay tất bật trang trí kiệu Bà và nhiều khu vực trong miếu Bà. “Tôi kinh doanh hoa tươi, một lần hữu duyên được mời về trang trí kiệu Bà. Kể từ đó, bằng mọi giá, năm nào tôi cũng về theo lịch hẹn, chưa từng gián đoạn. Kết hoa cho Bà, phải chọn hoa mẫu đơn, hoa lan đẹp nhất, tươi tắn nhất, tạo hình nổi bật nhất, thể hiện lòng thành kính của người cắm lẫn người dâng cúng” - bà kể.        

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một sinh hoạt cộng đồng rất đặc biệt. Con người tìm đến Bà Chúa Xứ trong những ngày lễ, ngoài việc cầu mong sự độ trì từ Bà, còn mang ý nghĩa “vui chơi bù” cho những ngày lao động mệt nhọc. Ở đó, khi tham gia lễ hội, họ được hòa mình với cộng đồng, được giải tỏa áp lực. Quan trọng hơn cả vẫn là cố kết cộng đồng. Những phần bánh mì, bánh bao, nước suối miễn phí; những nụ cười, lời động viên nhau suốt hành trình lên núi - xuống núi Sam; cả ngày dài xúm xít phụng sự công việc may áo, nấu nước tắm Bà… mang mọi người đến gần nhau, dù rằng đều cùng là người tứ xứ tụ hội về.

Năm 2023, tại Diễn đàn giao lưu Kinh tế và Văn hóa Việt Nam - Ấn Độ, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Hội đồng Thương mại và Công nghệ Toàn cầu Ấn Độ đã vinh danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là “Hoạt động văn hóa tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương”. Năm 2024, Lễ hội được UNESCO ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là lễ hội truyền thống đầu tiên của ĐBSCL được đón nhận vinh dự này. Đồng thời, cũng là niềm tự hào của Nhân dân An Giang nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung. Bởi di sản được vinh danh góp phần quan trọng khẳng định sự đa dạng, giàu giá trị của văn hóa dân tộc Việt Nam trong bối cảnh phát triển, hội nhập. Trên hết, cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam sẽ tiếp tục được gắn kết trong giai đoạn mới, với niềm tự hào mới.

GIA KHÁNH