"Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân" - Nguyễn Huy Thiệp từng viết như vậy. Và tôi cũng từ nông thôn mà ra.
Đọc hồi ký "Thời gian trong mắt tôi" của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, từng học ở Pháp nhiều năm, sau này theo cách mạng kháng chiến chống Pháp, ông viết trong một lần hành quân trong bưng Đồng Tháp Mười, qua khu dân cư, mùi phân bò thoang thoảng, ông thấy nó thân thuộc làm sao và cảm thấy đó là "mùi thơm" của quê hương, làm ông nhớ nhà da diết! Yêu nông thôn như bác sĩ Nghiệp quả là yêu với tình yêu bất tận…
Những ngày đầu xuân, miền Trung se lạnh, thú vị nhất vẫn là ngắm hoa mai đang hồi ra nụ. Những nụ mai khỏe mạnh dưới sương lung linh và mỏng manh, làm cho tiết trời thêm xuân. Nhà viết tuồng, thi sĩ Đào Tấn rất yêu hoa mai. Nhà tôi cách nhà cụ Đào Tấn khoảng 1 km đường chim bay, chợt nhớ mấy câu trong từ khúc của cụ: "Nhi kim biệt xứ mai hoa cửu/ Mai hảo ưng như cựu/ Phong sương quý ngã tiệm thương nhan" (Mà nay xa cách mai lâu lắm/ Chắc mai vẫn đẹp như xưa/ Thẹn thay, ta cứ hao gầy theo sương gió). Mai vẫn đẹp như xưa ấy thôi, sao mà hợp với lòng người lữ thứ tha hương như mình quá vậy.
Nhớ năm 1980, đi phép từ chiến trường Campuchia về, hợp tác xã nông nghiệp đã hình thành, làng mạc xác xơ, những cánh đồng mênh mông nước, những người nông dân ngơ ngác cắm đầu trên những đám ruộng trong những bộ quần áo được may từ những bao cát (loại bao rất bền mà quân đội chế độ cũ dùng để đựng cát làm lô cốt); những con bò, con trâu cũng ngơ ngác, thi thoảng rống lên buồn dễ sợ. Hết phép, lên tàu trở lại chiến trường. Tàu chạy qua Tuy Hòa, nhìn những cánh đồng tiêu điều, mênh mông nước, thấy bóng dáng người nông dân cắm lưng còng trên những cánh đồng mênh mang nước nổi mà nhớ mẹ nước mắt cứ tràn ra…
Mới đó mà đã hơn 40 năm. Hơn 60 tuổi, quay lại tuổi thơ. 4 giờ sáng mùa xuân tinh khiết như em năm nào tuổi 18… Tiếng chim cuốc cất lên đâu đó trong xóm nhỏ đang chống chọi với làn sóng đô thị hóa đến tàn nhẫn ở nông thôn. Tiếng tu hú gọi gì nghe xa vắng lắm, xao xuyến đến tận cùng. Bước ra đường làng tập thể dục, chợt thấy ven đường những bông hoa cứt lợn lay lay trong gió, nhớ mấy câu thơ vui của bạn thơ:
"Ta hái bên đường nụ hoa cứt lợn/ làm thuốc phong trần chữa bệnh nhân gian…".
Nhân gian giờ lắm bệnh, cả bệnh tưởng, thôi thì xin hái một bông hoa cứt lợn để "em cầm che gương mặt bẽ bàng…".
Dọc đường quê cố tìm một cụm hoa trinh nữ nhưng chẳng thấy, chỉ thấy những cây mai dương ngoại lai. Hoa trinh nữ có màu tím nhớ nhung rất dịu dàng, e ấp, hoang dại với những chiếc gai đầy cá tính như chính em… Thời của ngoại lai đang lấn át tất cả. Hãy nhìn hoa cây mai dương ngoại lai, nó gần giống như hoa trinh nữ nhưng cái màu bạc bẽo trăng trắng kia trông đến rợn người. Nhưng kìa, có một cụm hoa trinh nữ bên đường, cô độc và tuyệt đẹp, như tôi vừa tìm thấy em ngan ngát hương màu tím...
Vừa đi vừa ngắm những dãy núi phía Tây hùng vĩ, những nhánh rẽ của Trường Sơn cố rướn mình ra biển Đông. Ở đó có ngọn Sơn Triều mà bạn tôi một thời mê đắm tỏa bóng xuống cánh đồng rộc xanh tốt. Bỗng bắt gặp một loài lạ, hoa bồn bồn - người Bình Định gọi như vậy. Loài hoa này từng đi vào lịch sử thi ca, với 2 câu thơ của Vương An Thạch - thi sĩ, nhà chính trị Trung Quốc thời Bắc Tống, thế kỷ 11: "Minh nguyệt sơn đầu khiếu/ Hoàng khuyển ngọa hoa tâm" (Trăng sáng hót trên đầu núi/ Chó vàng nằm trong lòng hoa)… Thi sĩ Tô Đông Pha cho rằng Vương An Thạch dùng chữ vô lý, sao lại có hình ảnh: "trăng hót, chó vàng nằm trong hoa", liền cầm bút sửa theo ý mình: "Minh nguyệt sơn đầu chiếu/ Hoàng khuyển ngọa hoa âm" (Trăng sáng soi đầu núi/ Chó vàng nằm dưới hoa).
Sau đó khi về vùng này, Tô Đông Pha mới biết có một loài chim tên là Minh Nguyệt và một loài sâu tên là Hoàng Khuyển. Thi sĩ họ Tô mới hiểu được câu thơ của họ Vương nghĩa là: "Chim Minh Nguyệt hót ở đầu núi; sâu Hoàng Khuyển nằm giữa đóa hoa". Nhìn kỹ, tôi thấy trong lòng hoa bồn bồn cũng có "hoàng khuyển ngọa hoa tâm"! Có lẽ Vương An Thạch viết về hoa bồn bồn chứ không phải có một loài sâu tên "hoàng khuyển"?
Bước tiếp trên đường quê tìm những loài hoa không tên khác sau một chặng đường gió bụi của cuộc đời… Và kìa mặt trời đã nhú lên. Hương đồng quê như nắm tay những tia nắng mặt trời nhảy múa, những điệu nhảy mê hoặc như em từng nhảy vui hôm nào để chào đón trái tim một lần mở cửa…
Bất ngờ những nụ hoa tầm xuân xanh biếc hiện ra.
Đây là loài hoa thuộc họ đậu, sắc xanh tím, còn có tên là hoa đậu biếc, mà gần đây một loại nước uống làm từ hoa này gây sốt trên mạng. Tra cứu, biết hoa tầm xuân có tên khoa học là Clitoria (gợi nhớ từ "Clitori"?). Thôi thì cứ hát vang lên bài "Nụ tầm xuân" mà Phạm Duy phổ nhạc: "Trèo lên lên trèo lên lên cây bưởi hái hoa, bước ra, ra vườn cà hái nụ tầm xuân... Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, em lấy chồng, em đi lấy chồng, anh tiếc lắm thay…", mới thấy hoa tầm xuân xanh ngát như thế nào… Mới hiểu vì sao thi sĩ Bích Khê viết: "Dáng tầm xuân uốn trong tranh tố nữ/ Ôi tiên nương nàng lại ngự nơi đây…".
Xin cảm ơn dáng tầm xuân, sắc tầm xuân. Đời có em dịu dàng biết chừng nào. Cảm ơn những cành hoa trinh nữ tím biếc, làm tôi liên tưởng đến em đầy sắc tím nhớ nhung…
Cảm ơn những đóa hoa mai, và em vẫn đẹp như xưa, dù ta cứ hao gầy…
Theo LƯU NHI DŨ (Người Lao Động)