Hoạt động khoa học và công nghệ đạt nhiều kết quả nổi bật

21/12/2022 - 07:05

 - Năm 2022, công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Sở KH&CN làm tốt vai trò gắn kết KHCN với doanh nghiệp (DN), lấy DN làm trung tâm.

Tham quan mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Giám đốc Sở KH&CN An Giang Tầng Phú An cho biết, các tổ chức đã quan tâm hơn trong việc đăng ký hoạt động KH&CN, nhất là DN. Hoạt động hướng dẫn thủ tục đăng ký xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp tăng 8 lượt; 52 hồ sơ đơn vị khai báo, xin cấp giấy phép, gia hạn, sửa đổi giấy phép tiến hành công việc bức xạ, cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ, cao hơn 18 lượt.

Công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng được duy trì thường xuyên. Công tác thanh, kiểm tra, khảo sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, như: Xăng dầu, dầu nhờn động cơ đốt trong, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, thép làm cốt bê-tông... góp phần ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm về chất lượng, đảm bảo an toàn, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được triển khai đồng bộ, thông qua các cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và lớp tập huấn do Sở KH&CN An Giang tổ chức; tạo được sự gắn kết DN, tổ chức, cá nhân về khởi nghiệp, sáng tạo trong sản xuất-kinh doanh.

Năm 2022, đơn vị theo dõi, thực hiện 1 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, dự án nông thôn miền núi; 29 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; 34 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở. Tổ chức 10 Hội đồng KH&CN tư vấn tuyển chọn tổ chức chủ trì và xét duyệt đề cương 10 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh.

Đã tuyển chọn 9/10 nhiệm vụ đơn vị chủ trì, chủ nhiệm, như: Xây dựng Bộ công cụ nhận dạng tiêu chí đánh giá và xếp hạng các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tỉnh; mô hình nuôi cá tra bằng công nghệ tuần hoàn nước, mô hình nuôi cá rô biển áp dụng công nghệ biofloc; đề xuất giải pháp chuyển đổi số trong DN; nghiên cứu cải thiện giống cá lóc; xây dựng quy trình ươm giống và nuôi thương phẩm cá rô biển...

Đồng thời, tổ chức nghiệm thu 8 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Qua nghiên cứu đã đạt một số kết quả nổi bật: Thành lập được 4 tổ hội nghề nghiệp ươm/nuôi thương phẩm cá lóc đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với tổng diện tích 174.700m2; sàng lọc 23 cây dược liệu có khả năng bảo vệ gan, kháng dòng tế bào ung thư và hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn kiểm nghiệm cho các cao dược liệu; tạo sản phẩm trà túi lọc và viên nang có tác dụng bảo vệ gan hoặc hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường từ cao dược liệu... Đồng thời, đề xuất nhiệm vụ, cách thức triển khai nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh.

Thực hiện Chương trình hành động 18-CTr/TU của Tỉnh ủy, Sở KH&CN đã tổng kết 5 năm triển khai thực hiện 7 Chương trình KH&CN trọng điểm của tỉnh. Qua đó, đề xuất một số định hướng triển khai thực hiện chương trình nghiên cứu trong giai đoạn sắp tới. Trung tâm Công nghệ sinh học triển khai thực hiện 10 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ năm 2022. Đối với hoạt động KH&CN cấp huyện, thực hiện chương trình phối hợp của Sở KH&CN với các địa phương giai đoạn 2021-2025 đạt một số kết quả cụ thể dưới hình thức thực hiện nhiệm vụ KHCN tại địa phương.

Bên cạnh đó, Sở KH&CN An Giang làm việc trên 25 DN, nắm bắt nhu cầu, đề xuất nghiên cứu giải quyết vấn đề của DN trên cơ sở KH&CN; thảo luận một số nội dung về hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D); thành lập, vận hành Quỹ Phát triển KH&CN; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của DN... Qua đó, hỗ trợ DN xây dựng 2 phiếu đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết của DN.

Về phát triển tiềm lực KH&CN, năm 2022 đã cấp 9 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN 9 tổ chức, cấp 1 giấy chứng nhận DN KH&CN cho Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lộc Trời và 29 giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN (10 nhiệm vụ cấp tỉnh; 10 nhiệm vụ cấp cơ sở); ban hành kế hoạch triển khai quyết định của UBND tỉnh về việc phát triển thị trường KH&CN, kế hoạch thực hiện đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên”; phối hợp tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ tại khu vực phía Nam”... 

Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp nhận 13 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu; 11 giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ LPG chai; 2 giấy đề nghị sửa chữa cột đo xăng dầu của DN. Thực hiện 3 cuộc kiểm tra nhà nước về đo lường; phối hợp Chi cục Thuế khu vực dán 249 tem cho 80 công tơ tổng của 42 cơ sở kinh doanh xăng dầu.

Hoạt động sở hữu trí tuệ, trình UBND tỉnh phê duyệt quyết định ban hành Chương trình giống lúa phục vụ đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; hướng dẫn hồ sơ, thủ tục bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp: đăng ký xác lập quyền 26 nhãn hiệu, gia hạn 2 nhãn hiệu. Hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ 1 sáng chế (Quy trình sản xuất gạo sữa - Dương Xuân Quả) và 37 nhãn hiệu. Quyết định gia hạn nhãn hiệu chứng nhận An Giang 8 cơ sở và ban hành quyết định trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho 5 tổ chức, cá nhân; in 100.000 tem nhãn hiệu chứng nhận An Giang để hỗ trợ cho DN, tổ chức, cá nhân đã được trao quyền sử dụng; tổ chức hội đồng chấm thi Cuộc thi thiết kế logo nhãn hiệu chứng nhận và slogan cho sản phẩm gạo An Giang.

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích