Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 và đại diện các Tiểu ban tham dự họp báo. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Chủ tọa họp báo có: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Vật chất-Hậu cần Nguyễn Xuân Thành; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền-Văn hóa Lê Quang Tùng; Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thường trực Tiểu ban An ninh-Y tế Thiếu tướng Tô Ân Xô.
Chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2020 “Gắn kết và Chủ động thích ứng”
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo luân phiên từ ngày 1/1/2020. Năm 2020 có nhiều ý nghĩa với ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng. Với ASEAN là năm bản lề quan trọng để kiểm điểm giữa kỳ công tác triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 - 2025. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN. Việt Nam cũng đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Việt Nam xác định việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN là trách nhiệm to lớn nhưng mang lại nhiều cơ hội. Theo đó, Việt Nam sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này và góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của các Chủ tịch ASEAN trước đây và phát huy những kinh nghiệm nhất định về phát triển kinh tế-xã hội, về tổ chức các hội nghị lớn như ASEAN 1998 và 2010, APEC 2017…
Từ bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp đặt ra nhiều thách thức đối với chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại… các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, xuất phát từ các vấn đề đặt ra cho ASEAN cũng như căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã lựa chọn Chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 là: “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nêu rõ, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên gồm: Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các Đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế; hiện đại hóa nền hành chính công; xây dựng môi trường xanh...
Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN: tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.
Bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.
Năm là nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN: cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.
Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020
Về logo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, qua Cuộc thi thiết kế logo vào tháng 4/2019, Việt Nam đã lựa chọn được logo cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Các yếu tố như chủ đề, bản sắc chung của ASEAN và văn hóa đặc trưng của Việt Nam đều đã được tính đến và thể hiện trong logo. Dự kiến cuối tháng 11/2020, Việt Nam sẽ tổ chức lễ công bố logo và khai trương website chính thức của năm ASEAN 2020.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Việt Nam sẽ chủ trì, điều phối và tổ chức khoảng 300 hội nghị, hoạt động khác nhau, trong đó quan trọng nhất là 2 dịp Hội nghị Cấp cao vào tháng 4 và tháng 11/2020 (khoảng 20 đoàn), Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á vào tháng 8/2020, dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (khoảng 30 đoàn), các Hội nghị Bộ trưởng của 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, các Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng phụ trách về Tội phạm xuyên, Kinh tế, Tài chính, Môi trường, Giao thông Vận tải… và nhiều Hội nghị cấp Thứ trưởng và cấp làm việc để chuẩn bị nội dung cho các hội nghị trên.
Xác định được yêu cầu và nhiệm vụ trên, Việt Nam khởi động công tác chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 từ rất sớm với sự thành lập của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 vào tháng 12/2018.
Ủy ban Quốc gia gồm: Chủ tịch là Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; ba Phó Chủ tịch (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia, Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và 25 thành viên là lãnh đạo các bộ, Cơ quan tham gia hợp tác ASEAN).
Trực thuộc Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 có 5 Tiểu ban (Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Lễ tân, Tiểu ban Vật chất - Hậu cần, Tiểu ban Tuyên truyền - Văn hóa, Tiểu ban An ninh - Y tế) và Ban Thư ký ASEAN Quốc gia 2020.
Công tác chuẩn bị mọi mặt về nội dung, lễ tân, vật chất-hậu cần, tuyên truyền-văn hóa, an ninh-y tế đã được khẩn trương triển khai. Đồng thời, Việt Nam đang từng bước tiến hành tham vấn trong ASEAN và với các Đối tác về nhiệm kỳ Chủ tịch nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong ASEAN, đưa vào triển khai trong thực tiễn.
Cơ bản đến nay, Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, bắt đầu với sự kiện đầu tiên-Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 1/2020.
Nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam
Liên quan về những hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam nhân Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền-Văn hóa Lê Quang Tùng cho biết: Năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN cũng là năm chẵn cho nhiều sự kiện kỷ niệm trong nước quan trọng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kế hoạch cho riêng năm 2020, đặc biệt là việc xây dựng kế hoạch trong khuôn khổ các hoạt động bên lề của Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam.
Về văn hóa nghệ thuật, Bộ có 6 chương trình nghệ thuật phục vụ các hội nghị cấp cao ASEAN. Liên quan đến các chương trình nghệ thuật với ASEAN, Bộ sẽ tổ chức Liên hoan nghệ thuật ASEAN, dự kiến diễn ra vào tháng 8/2020; Tuần phim ASEAN tổ chức vào tháng 4/2020; Triển lãm văn hóa nghệ thuật ASEAN diễn ra tháng 8/2020; Triển lãm không gian văn hóa du lịch Việt Nam-ASEAN, Triển lãm ảnh ASEAN-Việt Nam dự kiến được tổ chức ở Việt Nam và trụ sở Ban Thư ký ASEAN tại Indonesia.
Đối với các hoạt động về du lịch, trong năm 2020, Bộ sẽ thực hiện đề án quảng bá xúc tiến, giới thiệu hình ảnh đất nước con người Việt Nam, cũng như hình ảnh đất nước con người của các nước ASEAN. Về lĩnh vực thể thao, Bộ tập trung vào Giải chạy marathon ASEAN tại Việt Nam và một số hoạt động thể thao khác.
Cũng theo ông Lê Quang Tùng, Bộ Thông tin và Truyền thông có đề án triển khai tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam. Các cơ quan báo chí như Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam có chương trình liên quan đến các nội dung này.
Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thường trực Tiểu ban An ninh-Y tế Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, việc đảm bảo môi trường an ninh, an toàn, hòa bình hữu nghị cho đất nước ta trong năm 2020 là tiền đề quan trọng, góp phần tạo nên thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Tiểu ban An ninh – Y tế đã triển khai các kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn và có các tình huống xử lý cấp bách, giải quyết khủng hoảng như: Tình hình thiên tai bão lũ, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm…
Theo Báo Tin Tức