Hướng đến một xã hội học tập phát triển toàn diện

03/12/2019 - 07:52

 - Để góp phần xây dựng cả nước thành xã hội học tập, Đảng và nhà nước đã có nhiều quyết sách, chiến lược phát triển. Song, trách nhiệm của các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là ý thức học tập trong mỗi người dân vẫn là yếu tố quan trọng trong việc hướng đến một xã hội học tập căn bản, toàn diện.

Ở An Giang, việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo có liên quan. Ngoài ra, hàng năm Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động xây dựng xã hội học tập. Trong đó phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương và UBND cấp huyện trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xây dựng xã hội học tập là một hành trình với nhiều nỗ lực

Để nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập, công tác tuyên truyền luôn được quan tâm hàng đầu. Cụ thể, Sở GD&ĐT thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trên các phương tiện thông tin đại chúng: Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, hệ thống truyền thanh các cấp, tập san thông tin tư tưởng của Ban Tuyên giáo, MTTQVN tỉnh... đăng hàng trăm tin, bài, hình ảnh về hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể nên địa phương đã có nhiều giải pháp khá phù hợp nhằm đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập, nhiều mô hình được tiếp tục nhân rộng, đặc biệt là ở các xã chuẩn bị công nhận nông thôn mới. Điển hình như ở huyện Thoại Sơn, nhằm phát huy hiệu quả từ hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, UBND huyện Thoại Sơn đã xây dựng, triển khai “Đề án xã hội hóa hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống quỹ Khuyến học, khuyến tài trên địa bàn huyện Thoại Sơn” giai đoạn 2019-2020. Hạt động nhằm tạo điều kiện để địa phương phát huy tốt hơn các nguồn lực, nhất là những nguồn lực tại chỗ trong nhân dân, góp phần tiếp sức cho học sinh nghèo khó, nâng bước học sinh vững bước đến trường.

Hàng năm, các cơ sở giáo dục căn cứ vào hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT thực hiện điều tra nhu cầu về tài liệu (sách giáo khoa, sách nghiệp vụ của giáo viên, sách tham khảo...) để lập kế hoạch bổ sung tài liệu nhằm đáp ứng yêu cầu 100% học sinh đều có sách giáo khoa để học tập, 100% giáo viên có sách để giảng dạy, ngoài ra tùy vào điều kiện kinh phí và nhu cầu dạy học mà mỗi đơn vị bổ sung sách tham khảo phù hợp nhu cầu thực tế. Tính đến thời điểm hiện tại, cấp tiểu học: sách giáo khoa có 613.028 bản, sách nghiệp vụ của giáo viên 172.036 bản, sách tham khảo 473.076 bản, sách thiếu nhi 37.006 bản. Cấp THCS: sách giáo khoa 611.967 bản, sách nghiệp vụ của giáo viên 156.151 bản, sách tham khảo 329.514 bản. Cấp THPT: sách giáo khoa 329.009 bản, sách nghiệp vụ của giáo viên 46.962 bản, sách tham khảo 184.344 bản.

Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đang diễn ra nhanh chóng cũng tạo ra sự thiếu hụt lớn lực lượng lao động có trình độ cao cũng như bộ phận công nhân kỹ thuật lành nghề. Đặc biệt, cuộc “cách mạng công nghiệp 4.0” cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tốt hơn với việc học. Theo Sở GD&ĐT, đối với công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, qua thống kê chưa đầy đủ từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hầu hết các học viên, học sinh, sinh viên tốt nghiệp có thể tự tạo việc làm tại địa phương hoặc được tư vấn giới thiệu việc làm ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Số học sinh, sinh viên, người học nghề sau khi tốt nghiệp có việc làm 14.492 người, chiếm tỷ lệ 82,8%.

Tính đến năm 2018, số lao động qua đào tạo nghề của tỉnh là 181.805 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%. Có thể thấy, lãnh đạo địa phương, các ngành, các cấp luôn xác định xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ vô cùng quan trọng nhằm tạo điều kiện cho người dân sống tốt và hạnh phúc hơn, phát huy mọi khả năng. Từ đó, người dân có cơ hội được học tập suốt đời, học tập để làm người công dân tốt, có tay nghề lao động với hiệu quả ngày càng nâng cao, góp phần phát triển quê hương đất nước.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN