Hướng đến nền nông nghiệp xanh

16/08/2023 - 08:44

Sản xuất nông nghiệp hiện nay không chỉ dừng ở việc tập trung nâng cao năng suất, chất lượng mà còn phải hướng đến bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, bảo đảm an toàn thực phẩm. Do đó, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ sẽ giúp "nói không với hóa chất", hạn chế ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thay đổi tập quán canh tác của nông dân.

Kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của lúa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tại tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh NGUYỄN HỮU NGỌC)

Canh tác lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ trên cả nước đang từng bước khẳng định được hiệu quả. Các cánh đồng lúa hữu cơ không chỉ giúp nông dân tạo ra sản phẩm sạch mà còn giảm chi phí sản xuất, góp phần cải tạo đất, nâng cao giá trị hạt gạo.

Nâng cao giá trị hạt gạo

Những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai một số dự án sản xuất lúa hữu cơ tại các địa phương bước đầu đã thu được những kết quả khả quan. Mô hình sử dụng phân bón hữu cơ nano và chế phẩm sinh học trong sản xuất rau, lúa an toàn tại Hà Nội và Hải Dương với diện tích 80 ha lúa đang cho hiệu quả tốt.

Qua thống kê, lúa trong mô hình đạt năng suất 6,38 tấn/ha, hiệu quả tăng 10% so với sản xuất đại trà. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh vùng Bắc Trung Bộ được triển khai tại các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị với diện tích 240 ha. Với việc áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học, tạo ra sản phẩm lúa, gạo an toàn, tăng lợi nhuận cho nông dân so với sản xuất lúa đại trà khoảng 20%...

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh Nguyễn Hữu Ngọc nói: "Từ vụ hè thu năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích 30 ha ở ba địa phương: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Ðức Thọ. Ngay vụ đầu tiên kết quả cho thấy ruộng giảm được ô nhiễm do không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ hóa học và gạo cũng bảo đảm an toàn thực phẩm. Ðến nay, Trung tâm đã triển khai được gần 60 ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Theo đánh giá, sản xuất lúa theo hướng này năng suất cơ bản đạt được như sản xuất đại trà, đồng thời có liên kết với doanh nghiệp nên đầu ra được bảo đảm. Ðặc biệt, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ giúp giảm chi phí đầu tư khoảng 4 triệu đồng/ha, giá bán lúa cao cho nên thu nhập tăng hơn so với lúa cấy đại trà từ 8-10 triệu đồng. Từ những mô hình triển khai, đến nay các địa phương trên địa bàn đã nhân rộng sản xuất, bình quân từ 10-20 ha/địa phương".

Trưởng thôn Vân Cửu, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) Thái Văn Nghĩa cho biết: "Vụ đông xuân 2022-2023, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Tập đoàn Quế Lâm, mười hộ dân đã trồng thử nghiệm 2 ha lúa hữu cơ. Sản xuất lúa hữu cơ không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học giúp giảm chi phí từ 10-15%. Với cùng một giống lúa, nếu lúa trồng đại trà sau khi thu hoạch giá gạo từ 8-10 nghìn đồng/kg, còn lúa hữu cơ dao động từ 20-25 nghìn đồng/kg".

Là một trong những đơn vị thời gian qua đã tham gia tích cực vào sản xuất lúa hữu cơ, đến nay Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai mô hình này trên cả nước. Ông Tôn Thất Thạnh, đại diện Tập đoàn Quế Lâm cho biết: "Khởi đầu sản xuất lúa hữu cơ của Tập đoàn là tại Thừa Thiên Huế, đến nay chúng tôi đã thực hiện được 200 ha/vụ trên địa bàn tỉnh. Từ mô hình này, Tập đoàn đã mời các hợp tác xã, nông dân ở nhiều nơi trên cả nước, nhất là khu vực miền trung đến tham quan học tập kinh nghiệm nhằm nhân rộng. Hiện nay, Tập đoàn đã sản xuất lúa hữu cơ khoảng 1.000 ha ở các tỉnh như: Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Ðồng Tháp, Ðồng Nai... Qua đánh giá, sản xuất lúa hữu cơ ở khu vực miền trung, không chỉ giúp tạo ra sản phẩm gạo sạch, bảo vệ môi trường do không dùng hóa chất trong sản xuất mà còn tăng lợi nhuận bình quân một triệu đồng/sào cho người dân".

Thay đổi tập quán canh tác

Nhiều địa phương đã quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và khuyến khích sản xuất lúa hữu cơ, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng người sản xuất, doanh nghiệp; số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ ngày càng nhiều, giúp cho diện tích lúa hữu cơ tăng nhanh. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang canh tác lúa hữu cơ không phải ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của nông dân do còn nhiều khó khăn.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh Nguyễn Hữu Ngọc cho rằng: Lâu nay người dân vẫn quen sản xuất lúa theo hướng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Khi chuyển đổi sang sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ có nhiều bỡ ngỡ. Hơn nữa, người sản xuất lúa hữu cơ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, sinh học cần có các doanh nghiệp cung ứng uy tín nhưng việc tiếp cận còn hạn chế; giá gạo hữu cơ trên thị trường so với gạo sản xuất bình thường không cao hơn nên người dân chưa muốn sản xuất hữu cơ.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, thiên tai khắc nghiệt gây nhiều bất lợi cho nên thời gian qua tỉnh đang tập trung sản xuất theo các mô hình hữu cơ, nông nghiệp sạch nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Mai Văn Minh cho biết: "Hiện nay, diện tích sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn khoảng 100 ha. Do sản xuất lúa hữu cơ được liên kết nên bảo đảm đầu ra với giá ổn định. So với gieo cấy lúa truyền thống hiệu quả không cao nên canh tác lúa theo hướng hữu cơ sẽ giúp nâng cao giá trị hạt gạo trên địa bàn tỉnh thời gian tới. Tuy nhiên, sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong sản xuất lúa hữu cơ còn hạn chế. Bởi muốn sản xuất hữu cơ cần có sự đồng hành của doanh nghiệp và nông dân để liên kết, hỗ trợ vật tư đầu vào, quy trình kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm như vậy mới tăng hiệu quả kinh tế".

Nhiều ý kiến cho rằng, sản xuất lúa hữu cơ ở một số nơi còn manh mún, không tập trung; các khu vực sản xuất lúa hữu cơ nhiều nơi vẫn ở dạng mô hình với diện tích nhỏ và đang trong quá trình áp dụng thử nghiệm dẫn đến chi phí đầu tư cao; các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất lúa hữu cơ còn ít cả về số lượng và quy mô, mức độ đầu tư; sự vào cuộc của các doanh nghiệp có khả năng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước chưa phát triển và có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa sản phẩm hữu cơ có chứng nhận và sản phẩm "hữu cơ tự xưng"…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Văn Anh cho biết: "Những năm qua, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn được mở rộng và phát triển. Các chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng và môi trường. Ðến nay, toàn tỉnh có 245 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó 216,8 ha lúa ở các huyện Phong Ðiền, Quảng Ðiền, Phú Lộc, Hương Thủy. Tuy nhiên, do nhân dân đã quen với quy trình canh tác cũ khi chuyển sang sản xuất hữu cơ gặp khó khăn; các địa phương chưa mạnh dạn duy trì và mở rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ...".

Ðể sản xuất lúa hữu cơ được mở rộng và phát triển bền vững, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân nhằm thay đổi nhận thức sản xuất, sử dụng nông sản hữu cơ, sạch, an toàn; vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi tập quán canh tác từ sản xuất vô cơ sang sản xuất hữu cơ; mở rộng và phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất lúa hữu cơ; xây dựng cánh đồng hữu cơ có giấy chứng nhận để nâng cao chất lượng và giá trị; có chính sách phù hợp phát triển lúa hữu cơ; tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định sản phẩm gạo hữu cơ cho nông dân; chuyển giao quy trình sản xuất lúa hữu cơ cho bà con...

Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng: "Hiện nay, xu hướng của nước ta đang tiến tới nền nông nghiệp xanh, sạch. Vì vậy, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ là một trong những giải pháp để đạt tới xu hướng này. Nhưng để làm được điều đó, ngoài việc tuyên truyền thay đổi tập quán canh tác của người dân thì các địa phương cũng cần có cơ chế nhằm kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp để triển khai rộng khắp và có hiệu quả cao. Bởi chính doanh nghiệp giúp người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, vật tư đầu vào cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra. Nếu doanh nghiệp đồng hành với người sản xuất, chắc chắn người dân sẽ yên tâm sản xuất và bảo đảm hướng đến sản phẩm sạch".

Theo Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có 62 địa phương trong cả nước tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Tổng diện tích đất nông nghiệp hữu cơ hơn 175 nghìn ha, trong đó trồng trọt 63.536 ha, nuôi trồng thủy sản hữu cơ 100.000 ha...

Theo Nhân Dân