Hướng đến nông thôn mới thông minh

16/08/2023 - 07:07

 - “Thông minh” nằm ở chỗ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Nhờ số hóa, người dân được thụ hưởng thành tựu về y tế, giáo dục (khám, chữa bệnh từ xa, học bạ điện tử…); đưa sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tiếp cận sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị.

Xây dựng mô hình điểm

Ngày 16/3/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Quyết định 969/QĐ-BNN-VPĐP, phê duyệt danh mục mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 1). Trong đó, xã NTM thông minh Thoại Giang (huyện Thoại Sơn) là một trong 9 mô hình được lựa chọn thí điểm toàn quốc.

An Giang hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh

Xác định đây là cơ hội tiến tới mở rộng xã NTM thông minh trên địa bàn, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) làm việc với xã Thoại Giang, tổ chức rà soát, lựa chọn chủ đề thực hiện mô hình thí điểm theo Công văn 3445/BNN-VPĐP, ngày 29/5/2023 của Bộ NN&PTNT (hướng dẫn tạm thời triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã NTM thông minh, xã thương mại điện tử). Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thoại Giang Lê Hiền Hòa cho biết, trên cơ sở này, UBND xã phối hợp VNPT An Giang xây dựng hoàn chỉnh “Báo cáo đề xuất mô hình thí điểm xây dựng xã NTM thông minh trên địa bàn xã Thoại Giang”, trình UBND huyện Thoại Sơn xem xét.

Qua nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tế địa phương, xã Thoại Giang đề xuất thực hiện 5/6 nhóm chủ đề trong xây dựng thí điểm xã NTM thông minh, gồm: Chính quyền điện tử định hướng chính quyền số; hạ tầng số; dịch vụ nông thôn số; kinh tế nông thôn; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội (không thực hiện nội dung về “quản lý môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”). Địa phương tự đánh giá đạt 12/32 chỉ tiêu, phấn đấu quý III/2025 hoàn thành xây dựng mô hình thí điểm.

Phát huy thế mạnh nông thôn

Một trong những nội dung quan trọng của xã NTM thông minh Thoại Giang là xây dựng chính quyền thông minh. Trong đó, tối ưu hóa hệ thống mạng nội bộ; ứng dụng phần mềm vào quản lý, điều hành; xây dựng trang thông tin điện tử riêng của xã (hoặc tích hợp dùng chung với Trang thông tin điện tử huyện Thoại Sơn); có kênh tương tác, giao tiếp giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn xã (mạng xã hội, đường dây nóng), nâng cao nâng lực quản lý và quyền làm chủ, giám sát của người dân.

Xây dựng công dân số ở vùng nông thôn

Trong phát triển kinh tế số, xã tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm trên môi trường mạng; xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, ứng dụng truy xuất nguồn gốc. DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp cận, sử dụng nền tảng số hỗ trợ sản xuất - kinh doanh.

Trong phát triển dịch vụ xã hội số, xã Thoại Giang thí điểm mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng phần mềm quản lý giáo án điện tử, quản lý trường học, kết nối và chia sẻ dữ liệu với hệ thống Trung tâm Điều hành thông minh huyện Thoại Sơn vào công tác dạy và học; người dân được tiếp cận, sử dụng nền tảng, dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe trực tuyến… Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công dân số SmartAnGiang, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Nghiên cứu nhân rộng

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, việc xây dựng mô hình xã NTM thông minh giúp tăng hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất - kinh doanh và cung cấp dịch vụ của xã NTM, trên cơ sở hướng tới lợi ích của người dân làm trung tâm; sử dụng công nghệ phù hợp với trình độ phát triển của người dân kết hợp huy động nguồn lực địa phương, đảm bảo sử dụng bền vững nguồn lực tự nhiên, gắn với quy hoạch phát triển vùng. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỉnh có ít nhất 4 mô hình xã NTM thông minh, thực hiện tại xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Nông thôn mới thông minh góp phần quảng bá đặc sản địa phương

Trong triển khai xã NTM thông minh, tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao, hạ tầng mạng di động 4G/5G, hạ tầng kết nối Internet, hạ tầng kết nối IoT… đến xã, ấp. Đồng thời, tập huấn kiến thức chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cho cán bộ xây dựng NTM cấp tỉnh, huyện, xã, Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân nông thôn; đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho DN, hợp tác xã và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn.

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông thôn, tỉnh hỗ trợ triển khai thí điểm mô hình thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch, thương mại (mô hình “Chợ 4.0”, chợ thanh toán không dùng tiền mặt, tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt…). Bên cạnh đó, triển khai thí điểm mô hình trợ lý ảo, trải nghiệm không gian số trong quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại nông thôn; triển khai thí điểm xã thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực (liên kết hợp tác giữa Trung ương, địa phương, DN thương mại điện tử, ngân hàng và người dân)… Ngoài ra, triển khai thí điểm mô hình trải nghiệm công nghệ số để đào tạo, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, an toàn thông tin cho người dân; mô hình đào tạo STEM về công nghệ số (công nghệ thông tin, Robotics, tự động hóa...) cho học sinh.

Trong xây dựng NTM thông minh, tỉnh An Giang triển khai thí điểm mô hình “Mỗi cán bộ cấp xã, ấp là một công dân số tiêu biểu”, có kiến thức, năng lực, có trình độ về công nghệ thông tin; sử dụng thành thạo ứng dụng kỹ thuật số trong quản lý và điều hành công việc.

NGÔ CHUẨN