Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Châu Lăng lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025:

Hướng đến phát triển nhanh, bền vững

22/05/2020 - 04:15

 - Xã Châu Lăng (Tri Tôn, An Giang) có hơn 65% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer. Lựa chọn nông nghiệp là thế mạnh phát triển, Châu Lăng tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng chất lượng và hiệu quả, đồng thời chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng

Châu Lăng là xã có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống, chiếm 65,06% trong tổng số 3.650 hộ và 15.787 nhân khẩu trên địa bàn xã. Trong số 9 ấp của xã Châu Lăng thì có 5 ấp đặc biệt khó khăn.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Châu Lăng Huỳnh Thị Cúc cho biết, để tạo điều kiện phát triển cho địa phương, nhiệm kỳ qua, nhiều công trình giao thông đã được đầu tư. Trong đó, đã đổ bê-tông dày và xây dựng hệ thống cống thoát nước trên đoạn Tỉnh lộ 948 (từ cầu Cây Me đến UBND xã), Tỉnh lộ 955B (đoạn cơ sở Văn Út); xây dựng mới cầu Châu Lăng 2 và cầu An Lợi, dự kiến tiếp tục xây mới thêm 2 cầu Tha La và Kinh 15 (ấp Cây Me).

Cùng với xây mới văn phòng Ban Nhân dân các ấp: An Lộc, Cây Me, Tà On, An Thuận, địa phương còn nâng cấp, sửa chữa văn phòng Ban Nhân dân các ấp: An Lợi, Rò Leng, Bằng Rò, Phnôm Pi và An Hòa. Được sự hỗ trợ của Công ty TNHH Liên doanh Antraco, Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang, địa phương đã vận động nhân dân hiến đất, đóng góp đá, xi-măng cùng 230 ngày công lao động để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước hiện đại hóa nông thôn. Tổng mức vận động xã hội hóa gần 4,44 tỷ đồng.

Trạm bơm Châu Lăng phát huy hiệu quả sản xuất vùng cao

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là động lực để địa phương phát triển, Đảng bộ và chính quyền xã Châu Lăng thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức, tranh thủ sự ủng hộ của các chùa Khmer, sự đồng thuận, hỗ trợ của các doanh nghiệp để xây dựng hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh môi trường, làm đường nông thôn, đèn đường trong phum, sóc, xây dựng 3 cầu nông thôn...

Bà Cúc cho biết, nhiệm kỳ 2015-2020, địa phương đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng đường bê-tông ở các ấp: An Lợi, Tà On, An Hòa, Bằng Rò, Rò Leng và An Thuận đạt chuẩn ntm. Đến nay, xã Châu Lăng đã đạt 12/19 tiêu chí và 39/49 chỉ tiêu NTM (tăng 5 tiêu chí và 19 chỉ tiêu so nhiệm kỳ 2010-2015).

Nâng cao đời sống người dân Khmer

Nhiệm kỳ 2015-2020, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định có vai trò quan trọng, là nền tảng của kinh tế xã Châu Lăng. Tổng diện tích sản xuất 5 năm qua đạt 22.464ha, trong đó mở rộng diện tích vụ thu đông được 3.345ha; tổng sản lượng lương thực đạt 128.628 tấn, lương thực bình quân đầu người hàng năm đạt 1.754kg, hệ số sử dụng đất 2,23 lần.

Bà Huỳnh Thị Cúc cho biết, bên cạnh cây lúa, ngành chuyên môn đã hướng dẫn nông dân ấp An Hòa chuyển đổi từ lúa sang trồng dừa với diện tích 18.078m2, đồng thời thực hiện 2 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là: mô hình nhà lưới, hệ thống tưới tự động điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh cho vườn hoa kiểng và mô hình trồng nấm rơm trong nhà.

Được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư, cùng với nguồn vốn địa phương, Châu Lăng đã thực hiện nạo vét các tuyến kênh, các ô bị bồi lắng, đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho sản xuất, thoát lũ núi trong mùa mưa như: nạo vét, gia cố đê bao kênh Châu Lăng 2, cống Sê Cung, cống Năm Sông, cống thoát lũ kênh Châu Lăng 2; sửa chữa 3 tiểu vùng (Bằng Rò, An Hòa, An Lợi ); xây dựng thủy lợi vùng cao giai đoạn 2 Trạm bơm Châu Lăng II…

Đến nay, có hơn 95% diện tích đất sản xuất của xã áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch; chuyển bơm dầu sang bơm điện 1.580ha (đạt 81,44% diện tích). Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, năng suất, chất lượng cây trồng tăng lên, nâng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 37,2 triệu đồng/người/năm (nghị quyết là 35 triệu đồng/người).

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Châu Lăng thực hiện đạt và vượt 10/16 chỉ tiêu nghị quyết. Trong đó có những chỉ tiêu quan trọng như: tổng thu ngân sách Nhà nước gần 35,47 tỷ đồng; tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi 102%; 2.643 lao động có việc làm thường xuyên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,25% (192 hộ nghèo); tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân 98%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 98,51%; tỷ lệ hộ sử dụng điện 98%... Là địa phương có đông đồng bào DTTS Khmer, Châu Lăng đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương.

Theo bà Huỳnh Thị Cúc, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Châu Lăng quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới. Đó là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ cùng năng lực quản lý, điều hành của nhà nước trong tổ chức thực hiện. Địa phương tập trung phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức cao, bền vững, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tăng nhanh thu nhập bình quân đầu người, nâng cao dân trí, đảm bảo ổn định chính trị. Đột phá của xã là phát huy thế mạnh nông nghiệp, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Cùng với đó là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của chính quyền theo hướng trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả.

Các chỉ tiêu chủ yếu của Đảng bộ xã Châu Lăng nhiệm kỳ 2020-2025: diện tích gieo trồng cây hàng năm 1.935ha, sản lượng lương thực 128.628 tấn, lương thực bình quân đầu người 1.714kg; thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình đến năm 2025 đạt 67 triệu đồng; thu ngân sách 5 năm đạt 50,6 tỷ đồng; đạt 3/4 trường chuẩn quốc gia; hoàn thành xây dựng xã NTM; 100% tổ chức Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ...

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN