Hướng đến sản xuất sạch, bền vững

21/10/2021 - 06:01

 - Được sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông An Giang, vụ thu đông 2021, Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP liên kết với doanh nghiệp, bước đầu cho thấy hiệu quả.

Áp dụng kết hợp công nghệ sinh thái khi thực hiện mô hình

Khi tham gia mô hình, nông dân được cán bộ khuyến nông địa phương hướng dẫn, tập huấn để nắm được cơ bản nội dung thực hiện theo 41 tiêu chí của bộ tiêu chuẩn SRP. Áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn này giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ, bón phân cân đối kết hợp với công nghệ sinh thái nên ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sản xuất theo SRP, nông dân không được đốt rơm rạ, khi bón phải kết hợp phân vô cơ và hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp theo nguyên tắc “4 đúng”, khi phun thuốc phải mang bảo hộ lao động, ruộng mới phun thuốc phải cắm bảng thông báo... Đây là các tiêu chí bắt buộc thực hiện nhằm giảm chi phí, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của người nông dân cũng như người tiêu dùng. Ngoài ra, lúa sản xuất theo mô hình đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị liên kết tiêu thụ.

Theo Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP dựa trên nền sản xuất theo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, vừa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, vừa tăng hiệu quả sản xuất, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe nông dân và người tiêu dùng, hướng đến sản xuất bền vững. Hầu hết bà con bày tỏ, nếu sản xuất trên nền tảng các kỹ thuật trên thì các tiêu chí này không quá khó. Đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, hướng đến sản phẩm sạch như hiện nay, nông dân phải thay đổi cách sản xuất là tất yếu. Ông Phan Văn Giáo (ngụ ấp Phú Quới, xã Phú Thành, huyện Phú Tân) canh tác giống OM18 với diện tích 4,5ha, là một trong những nông dân thực hiện diện tích lớn nhất. Ông Giáo cho biết, lần đầu nghe qua, ông cũng như nhiều nông dân khá bỡ ngỡ, nhưng tiến hành thực hiện rồi mới thấy hài lòng, bởi hiệu quả đầu tiên thấy rõ là giảm nhẹ chi phí, giảm lượng giống.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân theo dõi, quản lý dịch bệnh trên cây lúa

“Những mặt lợi về kỹ thuật, năng suất, lợi nhuận sẽ được thể hiện rõ hơn ở cuối vụ, qua đánh giá của cán bộ kỹ thuật và nhà nông. Trước mắt, bà con nhẹ chi phí giống, phân bón, bởi lúa không sạ dày, từ 10-12kg/công là đủ. Thêm vào đó, rất hạn chế xịt thuốc vì cây lúa thưa, có độ thông thoáng phát triển, được tiếp xúc ánh nắng nhiều nên hạn chế sâu bệnh. Theo thời tiết vụ thu đông, cây lúa ít bị sâu hại, nhưng vẫn xuất hiện các bệnh thông thường, chẳng hạn ngay tại ruộng đối chứng sạ theo tập quán mật độ dày, hiện nay đang xuất hiện bệnh cháy bìa lá chiếm tỷ lệ trên 5%, trong khi ruộng mô hình chỉ xuất hiện khoảng 0,5%. Tham gia dự án này, ai cũng phấn khởi, vì giúp nông dân bán được sản phẩm có giá cao hơn bên ngoài. Nếu mô hình được mở rộng thêm trong vùng, chúng tôi rất đồng tình vì bà con trong và ngoài dự án đều quan tâm, thích thú” - ông Giáo cho biết.

Theo kỹ sư Lê Thị Huyền Linh (cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân), mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ triển khai bởi Trạm Khuyến nông huyện với kinh phí phân bổ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Trạm đã cử cán bộ theo sát nông dân từ khâu chuẩn bị gieo sạ, quản lý đồng ruộng, quản lý sâu bệnh, quản lý nước cho đến thu hoạch, sau thu hoạch cũng như cách chăm sóc, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật… Mô hình còn kết hợp trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng để tạo nguồn thiên địch tự nhiên, thúc đẩy giảm số lần phun thuốc của nông dân trong mùa vụ. Tham gia vào dự án, số lần phun thuốc và bón phân được quy định nghiêm ngặt, đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn, không vượt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc nitrat dư thừa từ phân đạm… Bởi tuân thủ quy trình sản xuất từ đầu đến cuối mới đảm bảo cho chất lượng sản phẩm sạch hơn và yêu cầu để xuất khẩu.

“Nông dân tham gia mô hình được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ lưỡng, yêu cầu khi lúa có xuất hiện sâu bệnh thì liên hệ với kỹ thuật viên để cùng xử lý. Đến nay hơn 40 ngày, ruộng mô hình chưa phun thuốc lần nào. Hy vọng sắp tới, huyện sẽ được phân bổ thêm kinh phí để tiếp tục duy trì, mở rộng mô hình sang các địa phương khác, giúp nhiều nông dân biết đến. Bên cạnh hiệu quả về mặt kỹ thuật, nông dân sẽ tạo ra được sản phẩm đạt tiêu chuẩn SRP, khẳng định được chất lượng sản phẩm của địa phương, từ đó dễ dàng trong việc mời gọi doanh nghiệp liên kết tiêu thụ. Ngoài ra, mô hình còn đem lại lợi nhuận kinh tế cho nông dân so với canh tác bình thường” - kỹ sư Lê Thị Huyền Linh chia sẻ.

Mục đích trước nhất khi thu hút nông dân tham gia vào mô hình là định hướng bà con làm quen kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn SRP - tiêu chuẩn xuất khẩu hiện đại nhất hiện nay. Hiệu quả mang lại là quản lý tốt đồng ruộng, dùng tài nguyên nước hợp lý, quản lý sâu bệnh, quản lý dinh dưỡng, giảm thất thoát sau thu hoạch, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người…

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích