Hướng đến tam nông hiện đại

20/06/2023 - 03:59

 - Việt Nam là nước có lợi thế về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm đến tam nông, thể hiện trong tất cả văn kiện Đại hội Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và Nghị quyết 19-NQ/TW (Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhấn mạnh rất nhiều về lĩnh vực này.

Thay đổi tư duy về nông nghiệp, nông thôn mới

Tại hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 6, thông tin chuyên đề “Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”, TS Trần Gia Long (Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, với các cơ chế chính sách đồng bộ được ban hành, nông nghiệp đã đạt thành tựu phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, nông dân ngày càng giàu có. Từ năm 2010 - 2020, tốc độ tăng trưởng GDP của toàn ngành nông nghiệp trung bình khoảng 2,9%/năm; năm 2022 tăng 3,4% và dự kiến năm 2023 tăng 3,5%.

Tuy nhiên, quá trình phát triển luôn gặp phải khó khăn, thách thức từ nội tại, từ thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường; biến chuyển xu hướng tiêu dùng ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường. Điều đó đòi hỏi phải phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh thực chất, hiệu quả.

Cần tư duy mới cho tam nông

“Trung ương đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Nông thôn hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc với môi trường sống tốt đẹp, có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và dịch vụ tiệm cận với đô thị; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến năm 2030, tăng trưởng GDP toàn ngành 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp 5,5 - 6%/năm” - ông Trần Gia Long thông tin.

Để thực hiện mục tiêu này, điều tiên quyết là cả nước phải chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng…

Tăng tốc cho công nghệ cao

Chất vấn lĩnh vực KH&CN, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương cho rằng, trong báo cáo của Bộ KH&CN, việc phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm, chưa phát huy được vai trò hạt nhân, lan tỏa, thúc đẩy phát triển ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp của vùng và của cả khu vực.

“Đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN đánh giá cụ thể thêm về tiến độ, hiệu quả triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại khu vực ĐBSCL; làm gì để giúp các khu này phát huy xứng tầm, đáp ứng kỳ vọng và góp phần tăng hàm lượng KH&CN trong sản phẩm nông nghiệp?” - bà Trần Thị Thanh Hương đặt vấn đề.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trả lời: “Thời gian tới, để triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả, bộ sẽ sửa nghị định về khu công nghệ cao, mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; qua đó, có những chính sách, cơ chế đặc thù cho lĩnh vực này. Các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ trong xây dựng nghị định. Hy vọng, nghị định sẽ đi vào cuộc sống, góp phần phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thông tin thêm, hiện chúng ta đang nhầm lẫn giữa khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với khu công nghiệp, khi đa phần địa phương quy hoạch, kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư nhà màng, nhà lưới, tưới nhỏ giọt, cộng thêm một chút tự động hóa. Về bản chất, khu nông nghiệp công nghệ cao là nơi nghiên cứu, thực nghiệm và lan tỏa thành tựu mới nhất trong lĩnh vực nông nghiệp đến với nông dân, không phải là nơi sản xuất (sản xuất chỉ là phụ).

“Không thể lấy nông nghiệp công nghệ cao của những tập đoàn lớn, như: TH True Milk, Vinamilk hay Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đó cho từng hộ nông dân trồng lúa ở ĐBSCL được, kể cả trong lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi. Hiện nay, nhiều địa phương muốn có khu nông nghiệp công nghệ cao, đề nghị phải có vốn đầu tư hạ tầng, cho rằng do không có kinh phí đầu tư hạ tầng nên doanh nghiệp không vào.

Tôi nghĩ không phải như vậy. Cần nhìn nông nghiệp công nghệ cao ở đặc thù nước ta, tìm ra hướng đi phù hợp, làm ở mức độ vừa phải, phù hợp tình hình. Thời gian tới, đề nghị các viện, trường, trung tâm thông qua các bộ phận để chuyển giao kết quả nghiên cứu đến với nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng tạo kích hoạt, mở ra thị trường chuyển giao sản phẩm nghiên cứu” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị, hệ thống tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở tập trung tuyên truyền về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM. Phải góp phần thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về xây dựng NTM gắn với xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; xây dựng NTM không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn.

 

GIA KHÁNH