Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3

22/03/2024 - 06:42

 - Ngày Thế giới phòng, chống lao được tổ chức vào ngày 24/3 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội, thúc đẩy chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Với chủ đề: “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao”, năm 2024, Ngày Thế giới phòng, chống lao của Việt Nam như một khẳng định những quyết tâm ở mức cao nhất trong công tác phòng, chống lao, mục tiêu chấm dứt bệnh lao.

Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong nâng cao chất lượng chẩn đoán, tăng cường sàng lọc, mở rộng quy mô dự phòng bệnh lao, giới thiệu các phác đồ điều trị mới được khuyến nghị, chuyển dịch mô hình tài chính và tăng cường hợp tác đa lĩnh vực. Mục tiêu kết thúc bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2035 chỉ có thể thành công với sự đồng lòng, tham gia hưởng ứng tích cực của toàn xã hội.

Ngay sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong năm 2022 - 2023, Chương trình chống lao quốc gia đã triển khai đồng bộ các can thiệp phòng, chống lao, nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, tăng cường chẩn đoán và thu nhận vào điều trị, để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng.

Sự thành công nhờ vào tăng cường, mở rộng triển khai phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực ở cơ sở y tế, áp dụng chiến lược X-quang và xét nghiệm Xpert để chẩn đoán. Đặc biệt, triển khai các hoạt động gắn liền với hệ thống y tế cơ sở để tăng cường chất lượng chẩn đoán, điều trị và duy trì bền vững công tác dự phòng lao.

 Khám sàng lọc tầm soát bệnh lao và lao tiềm ẩn cho người dân tại xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu)

Năm 2023, chương trình đã phát hiện 106.086 trường hợp mắc lao các thể, tăng 2.282 bệnh nhân, tăng 2,2% so cùng kỳ năm 2022 và tăng 27.151 (34,4%) so cùng kỳ năm 2021 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Phát hiện 3.775 bệnh nhân lao kháng đa thuốc, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%. Chương trình chống lao cũng đã chuyển thành công thanh toán thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước sang nguồn quỹ Bảo hiểm y tế. Đồng thời, đạt nhiều thành tựu tích cực trong áp dụng trí tuệ nhân tạo vào chẩn đoán bệnh lao. 

Để hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, Chương trình chống lao quốc gia đã huy động các nguồn lực từ các nhà tài trợ để hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực triển khai các hoạt động có hiệu quả. Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Phổi Trung ương xây dựng “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, các bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - tăng cường vai trò của các cơ sở khám, chữa bệnh”, nhằm chuẩn hóa và đồng bộ hoạt động phát hiện chủ động và tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp trên toàn quốc.

Đây là cơ sở để các tỉnh, thành phố huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia các hoạt động tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất toàn cầu. Đồng thời, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hoạt động phát hiện lao trẻ em còn hạn chế. Công tác chống lao tại 12 tỉnh chưa thành lập bệnh viện lao và bệnh phổi, sáp nhập trung tâm kiểm soát bệnh tật còn khó khăn do thiếu nhân lực; tự chủ về tài chính tại các tuyến ảnh hưởng tới hoạt động chương trình chống lao...

An Giang có gánh nặng bệnh lao rất lớn, nhất là bệnh lao và lao đa kháng thuốc. Số ca mắc lao cao thứ 2 cả nước, với hàng ngàn ca lao nhạy cảm, hàng trăm bệnh nhân lao đa kháng thuốc được phát hiện mỗi năm. 3 năm qua, Chương trình chống lao quốc gia và UBND tỉnh phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao tại An Giang, đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động ứng phó với bệnh lao, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đặc biệt, được Dự án USAID hỗ trợ 1 triệu USD sàng lọc bệnh lao tại cơ sở y tế và cộng đồng, từ tháng 3/2020 - 9/2023, dự án USAID giúp An Giang phát hiện hơn 8.600 người mắc bệnh lao và gần 2.700 người nhiễm lao tiềm ẩn. Hiệu suất số ca mắc bệnh lao tại An Giang phát hiện cao gấp 15 lần so với tỷ lệ mắc mới toàn quốc. Dự án đã mang công nghệ sàng lọc lao di động đến tận cộng đồng, như máy chụp X-quang ngực cầm tay có trang bị phần mềm trí tuệ nhân tạo, nhằm xóa bỏ rào cản trong việc chăm sóc người dân.

BS.CKII Phạm Quang Quốc Uy, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang cho biết, kết quả hoạt động chương trình chống lao năm 2023, tỉnh đã thực hiện khám, phát hiện 34.961 người nghi lao; thu nhận điều trị lao các thể 5.467 người, tỷ lệ điều trị thành công đạt 94,8%; thu nhận điều trị lao kháng thuốc 223 người, tỷ lệ điều trị thành công đạt 84,7%. Thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV/bệnh nhân lao 4.986/5.467 người.

“Hai tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã khám, phát hiện 3.462 người nghi lao; thu nhận điều trị lao các thể 834 người; thu nhận lao kháng thuốc 31. Tỉnh đang tiếp tục tăng cường khám, phát hiện lao sớm; quản lý, điều trị hiệu quả, để phòng, chống lao bền vững và thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035”- BS.CKII Phạm Quang Quốc Uy chia sẻ.

HẠNH CHÂU