Kẽm giúp tăng đề kháng ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Tuy nhiên khi nạp bất kỳ chất gì vào cơ thể, chúng ta cũng nên lưu ý thể trạng của bản thân có phù hợp không.
Kẽm là một khoáng chất vi lượng. Theo trường Y Harvard (Mỹ), phụ nữ cần 8 miligam, đàn ông cần 11 miligam kẽm mỗi ngày. Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú thì cần nhiều hơn một chút, tương ứng là 11 và 12 miligam.
Cách duy nhất để nạp kẽm là thông qua thực phẩm hoặc viên uống.
Kẽm có rất nhiều lợi ích đối với cơ thể.
Tăng cường chức năng miễn dịch
Ngoài vitamin C, kẽm cũng là nguồn dưỡng chất tăng cường miễn dịch hiệu quả. Kẽm hỗ trợ hệ thống miễn dịch bằng cách điều chỉnh chức năng của một số thành phần quan trọng trong cơ thể, chẳng hạn như đại thực bào, bạch cầu trung tính, tế bào NK và tế bào lympho T. Bạch cầu trung tính tìm và diệt vi trùng, còn tế bào lympho T tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc bị vi rút tấn công. Những tế bào miễn dịch này giúp tăng đề kháng và bảo vệ bạn khỏi bệnh tật.
Giúp nhanh lành vết thương
Theo trang tin Shape, kẽm hỗ trợ sự phát triển và tăng sinh của các tế bào da. Vì vậy nó giúp chữa lành các mô bị tổn thương trước khi vi trùng xâm nhập vào da.
Hỗ trợ chức năng não
Kẽm tham gia vào quá trình hình thành các tế bào thần kinh. Các tế bào thần kinh giao tiếp với nhau thông qua các tín hiệu hóa học, giúp não thực hiện các chức năng học tập, ghi nhớ, tâm trạng và hành vi. Thiếu kẽm lâu ngày có thể góp phần gây ra rối loạn học tập, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), sa sút trí tuệ, trầm cảm, tâm thần phân liệt hay bệnh Parkinson.
Phá hủy carbohydrate
Kẽm phân hủy carbohydrate thành glucose - nguồn năng lượng chính cho tất cả các tế bào. Hơn nữa, kẽm còn điều chỉnh việc giải phóng insulin, giúp cân bằng lượng đường trong máu.
Bạn có thể bổ sung kẽm qua các loại thực phẩm như thịt (thịt bò, thịt gia cầm, hải sản). Chúng đều là nguồn kẽm dồi dào. 85 g thịt bò cung cấp khoảng 7 miligam kẽm, cua cung cấp 6,5 miligam, còn thịt gà chứa khoảng 2 miligam.
Các sản phẩm từ sữa chứa một lượng kẽm vừa phải (một cốc sữa bò chứa 1 miligam kẽm).
Bạn lưu ý nếu bổ sung quá mức (hơn 40 miligam mỗi ngày), bạn có thể bị độc tính của kẽm gây nôn, đau bụng, mệt mỏi...
Theo UYÊN LÊ (Thanh Niên)