Kéo dài chu kỳ tăng trưởng ngành cá tra: Phát triển ổn định, bền vững

15/03/2022 - 08:03

Thứ trưởng Nông nghiệp Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương tập trung rà soát lại diện tích nuôi, không tăng ồ ạt, đặc biệt là quản lý chất lượng trong quá trình chế biến cá tra.

Huyện Hồng Ngự là một trong những địa phương sản xuất nhiều cá tra bột và cá tra giống ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Năm 2022, ngành cá tra dự kiến sản xuất từ 1,6-1,7 triệu tấn cá tra thương phẩm; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này cần có những giải pháp để duy trì sự phát triển bền vững và ổn định trước những thách thức ngành cá tra đã và đang đối mặt.

Tránh phát triển nóng

Năm 2018, khi giá bán cá tra tăng cao, nhiều người nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long đã mở rộng diện tích nuôi, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá cá lao dốc từ mức kỷ lục 33.000 đồng/kg xuống còn 19.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận của phóng viên, do "cú dội hàng" năm 2018 và gần 3 năm liên tiếp bị ảnh hưởng dịch bệnh, nuôi cá tra bị lỗ nặng. Cộng với tình hình giá thức ăn tiếp tục tăng, giá cá giống tăng "phi mã" như hiện nay, người chăn nuôi cá tra e dè thả cá cho vụ tiếp theo.

Mặc dù hai năm liên tiếp bị thua lỗ khoảng 2 tỷ đồng do cá tra không bán được do ảnh hưởng dịch bệnh nhưng chị Trần Thị Thơm, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ vẫn chỉ thả nuôi khoảng 20 tấn cá giống cho diện tích nuôi khoảng 8.000m2 mặt nước.

Theo chị Thơm, mặc dù giá cá cao nhưng sẽ không biết xuống lúc nào và nuôi mật độ cao thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh, thất thoát và tốn chi phí nuôi. Với giá cá giống, thức ăn liên tục đội giá như hiện nay mà mạo hiểm nuôi nhiều sợ tình trạng như năm 2018 sẽ lặp lại.

Nếu như cuối năm 2019, tỉnh Long An có trên 3.500ha nuôi cá tra giống thì hiện nay chỉ còn trên 1.300ha. Nuôi ương cá tra giống ở Long An hiện vẫn tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro như chất lượng con giống không đảm bảo; các diện tích nằm trong vùng quy hoạch trồng lúa nên hệ thống kênh mương không phù hợp cho việc nuôi thủy sản; người nuôi xả nước trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm và lây lan mầm bệnh; diện tích nuôi phát triển nhanh dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu…

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, giá cá thương phẩm tăng kéo theo giá cá giống cũng tăng, người nuôi thu được lợi nhuận. Tuy nhiên, người chăn nuôi không nên tùy tiện mở rộng quy mô, diện tích ao nuôi. Tại Long An đã có bài học cho việc ồ ạt đào ao nuôi cá giống trong giai đoạn từ năm 2017-2019.

Do đó, ngành nông nghiệp Long An khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích, thả nuôi, ương cá tra giống, cần cẩn trọng cập nhật thông tin thị trường, nhu cầu con giống… để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp.

Bên cạnh đó, nghiên cứu áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn, đảm bảo chất lượng con giống phù hợp để đáp ứng với nhu cầu thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Từ đầu năm nay, nguồn cung thiếu hụt, giá cá tra liên tục tăng, điều này được các hiệp hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo về kế hoạch thả nuôi hợp lý, tránh tình trạng như năm 2018 lặp lại.

Ông Trần Hùng, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, khuyến cáo người nuôi thận trọng khi doanh nghiệp dự báo giá cá 30.000 đồng/kg chưa có lãi, giá cá còn tiếp tục tăng để người nuôi cá "ùn ùn" nuôi. Khi cung vượt cầu, giá cá rớt, nông dân điêu đứng còn doanh nghiệp là người hưởng lợi.

"Nhà nước cần định hướng cho người nuôi, doanh nghiệp cân đối cung cầu để tăng độ an toàn giá trị và lợi nhuận, tránh tình trạng phát triển nóng như năm 2018," bà Tô Thị Tường Lan, Hiệp hội VASEP khuyến nghị.

Tăng liên kết chuỗi

Mặc dù thị trường chi phối giá cả nhưng để chu kỳ tăng trưởng ngành hàng cá tra kéo dài, cơ quan chức năng, ngành nông nghiệp khuyến nghị người nuôi cá tra không "phát triển nóng." Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, hợp tác với doanh nghiệp để tạo tính bền vững.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triết nông thôn tỉnh An Giang, tỉnh hiện có trên 1.236ha diện tích nuôi cá tra; trong đó doanh nghiệp và hộ nuôi liên kết doanh nghiệp là 1.049ha, chiếm 85%; hộ không liên kết liên kết là 187ha, chiếm 13%.

An Giang xác định phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ tiên tiến đối tượng chủ lực, kinh tế của tỉnh, trong đó có cá tra theo liên kết chuỗi có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng nuôi, gắn với thị trường tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triết nông thôn tỉnh An Giang, giá cá tra tăng mạnh đang là tín hiệu vui đối với ngành hàng cá tra Việt Nam nói chung, An Giang nói riêng. Tuy nhiên, giá ca tra nguyên liệu trong kích cỡ  xuất khẩu hiện nay chỉ mang tính cục bộ, bởi diện tích ao nuôi đang có cá của các doanh nghiệp và hộ dân liên kết trên địa bàn phần lớn là chưa đủ chuẩn xuất khẩu chứ không phải không có nguyên liệu, nên người dân không nên xuống giống khi chưa có hợp đồng bao tiêu mua cá cụ thể.

Thu hoạch cá tra ở An Giang. (Nguồn: TTXVN)

Hạn chế rủi ro do tác động của dịch COVID-19, các tỉnh Long An, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp... tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo ổn định sản xuất. Địa phương vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình thực hiện sản xuất. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long," đặc biệt đối với tỉnh Đồng Tháp.

Song song với triển khai thực hiện Đề án "Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao" trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp nguồn con giống có chất lượng cao phục vụ cho nuôi thương phẩm, ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết tỉnh khuyến khích các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi thương phẩm nhỏ lẻ liên kết lại với nhau hình thành các hội quán, tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tạo ra sản phẩm số lượng lớn, đồng nhất về chất lượng; tăng cường chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi thương phẩm với các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp sản xuất thức ăn.

Thu hoạch cá tra. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Tiếp tục xử lý các rào cản kỹ thuật và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại, phát triển thị trường cũng là mục tiêu lâu dài và bền vững mà các tỉnh có thế mạnh về cá tra hướng đến.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại phát triển thị trường xuất khẩu cá tra; tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã kết ký như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... để mở rộng phát triển giao thương, xuất khẩu ngành cá tra.

"Các doanh nghiệp chế biến cần chuẩn bị tốt nội lực để tận dụng cơ hội xuất khẩu cá tra sang thị trường EU sau khi việc cắt giảm những dòng thuế liên quan đến cá tra có hiệu lực nhờ Hiệp định EVFTA. Thị trường Hoa Kỳ có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi thị phần cá rô phi Trung Quốc gặp khó do mức thuế cao," ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản lưu ý.

Để năm 2022 hoàn thành kế hoạch mục tiêu đề ra đối với ngành hàng cá tra, tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành cá tra năm 2022 diễn ra tại Cần Thơ vào cuối tháng 2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương tập trung rà soát lại diện tích nuôi, không tăng ồ ạt, quản lý chất lượng giống, thú y, phòng bệnh, đặc biệt là quản lý chất lượng trong quá trình chế biến, đảm bảo xuất khẩu đạt xấp xỉ khoảng 2 tỷ USD (theo dự báo của Hiệp hội VASEP).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh năm 2018, ngành hàng cá tra xuất khẩu đạt 2,26 tỷ USD nhưng năm 2022, xuất khẩu không nên vượt quá 2 tỷ USD. Nếu năm 2022 thuận lợi, mức tăng trưởng sẽ cao hơn năm 2021 nhưng với năng suất từ 1.000-1.200 tấn/ha/năm thì cần rà soát, xem xét, không mở rộng diện tích ao nuôi cá tra quá 6.400ha.

Ông Phùng Đức Tiến cũng đề nghị ngành hàng cá tra tiếp tục quản trị tốt đầu vào; xúc tiến mở rộng nhiều thị trường xuất khẩu, ngoài thị trường châu Âu, Trung Quốc, Mỹ,...; thúc đẩy mở rộng thêm các thị trường tiềm năng như Brazil... Các hiệp hội ngành hàng tập trung cùng với các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, Tổng cục Thủy sản quản lý chất lượng thủy sản, tiếp nhận những nghiên cứu, cảnh báo để có nguồn hàng phục vụ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu đạt mục tiêu.

"Doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng kết nối các hợp tác xã, trang trại, người nông dân. Hiện nay, đã có 87% cơ sở sản xuất cá tra đã cấp giấy chứng nhận nhưng phải tiếp tục củng cố chất lượng để đảm bảo lợi ích các bên tham gia, phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng," ông Phùng Đức Tiến đề nghị.

Theo TTXVN