Kéo giảm mất cân bằng giới tính khi sinh

15/11/2018 - 05:23

Tại An Giang, tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức 108,44 bé trai/100 bé gái. Tỉnh tập trung 3 giải pháp cơ bản: truyền thông nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi; thực hiện các chính sách hỗ trợ nữ giới, những gia đình sinh con 1 bề là nữ; tăng cường thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi…

Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 90% người dân thuộc địa bàn trọng điểm hiểu biết về hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, biết việc lựa chọn giới tính khi sinh là bất hợp pháp. Từ 90 - 95% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết đầy đủ về hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh đối với việc kết hôn trong tương lai của con cái họ.

Năm 2017, dân số Việt Nam đạt 93,7 triệu người, tăng 1 triệu người so năm 2016. Một vấn đề mới xuất hiện trong công tác dân số hiện nay là tỷ số giới tính khi sinh đã tăng nhanh bất thường (tỷ số giới tính khi sinh được tính bằng số trẻ em trai sinh ra trên 100 trẻ em gái).

Qua 3 cuộc tổng điều tra dân số trước đây cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh tăng từ 105 (năm 1979) lên 106 (năm 1989) và 107 (năm 1999). Từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh tăng cao và nhanh liên tục từ 110 (năm 2006) lên 111 (2007), 112 (2008) và 112,4 (2017).

Già hóa dân số

Vấn đề già hóa dân số ở nước ta đang chuyển biến nhanh chóng. Ở các nước, quá trình này diễn ra trong nhiều thập kỷ. Ở Việt Nam, chỉ mất có 3 năm 2005-2008 đã chuyển từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số. Dự báo đến năm 2017, Việt Nam mới bước vào giai đoạn già hóa dân số, nhưng mới năm 2011 nước ta đã già hóa dân số với tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên là 7%.

Chất lượng dân số thấp là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Từ 50 năm trước, các nước tiên tiến trên thế giới thực hiện sàng lọc trước khi sinh, sàng lọc sơ sinh để nâng cao chất lượng giống nòi, nhưng Việt Nam mới bắt đầu thử nghiệm khoảng 5 năm nay.

BS Văn Kim An, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho rằng, trên thế giới, tỷ số giới tính khi sinh bắt đầu tăng ở một số nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Cuối những năm 1970, cùng với sự xuất hiện máy siêu âm và kỹ thuật chọc ối đã giúp các cặp vợ, chồng xác định được giới tính thai nhi từ sớm. Đây là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do việc chọn lựa giới tính nam, nữ.

Ở Việt Nam trước năm 1999, chưa có nơi nào rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 1999 và biến động dân số hàng năm cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta có xu hướng gia tăng. Tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam năm 2007 tương đương Trung Quốc khi nước này bước vào mất cân bằng giới tính khi sinh năm 1990 là 111,5. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của các nước cao hơn, như: Ấn Độ là 112, Trung Quốc là 120… nhưng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta tăng nhanh trong vòng 5 năm qua.

Nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: do suy nghĩ “trọng con trai” để nối dõi dòng họ; do công nghệ y học phát triển giúp dễ dàng xác định giới tính thai nhi… và còn do chính sách dân số khuyến khích thực hiện quy mô gia đình nhỏ (1-2 con) nên người ưa thích con trai bằng mọi cách phải sinh được con trai.

Hiện nay, việc xây dựng phúc lợi ngoài gia đình (lương, trợ cấp hưu trí, gửi tiền tiết kiệm, gửi nhà dưỡng lão…) vừa chậm chạp, vừa không đủ hiệu quả và độ bao phủ, nhất là đối với gia đình ở nông thôn, người không có lương hưu, làm việc ở khu vực phi chính thức ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Thực tế, người già và trẻ em hiện nay hầu hết dựa vào gia đình và với quan niệm “cha mẹ phải dựa vào con trai” khi về già.

Giải pháp

Thời gian qua, hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng ở nước ta ngày càng tốt hơn. Với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ hành nghề y dược có trình độ chuyên môn ngày càng cao, một mặt góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân, mặt khác làm phát sinh tình trạng lạm dụng các kỹ thuật như: siêu âm, nạo phá thai, lựa chọn giới tính… làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, mất cân bằng giới tính khi sinh có tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc gia. Một vấn đề xã hội nhức nhối là nam giới đến tuổi kết hôn nhưng không lấy được vợ vì thiếu phụ nữ. Điều này làm gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, mua bán phụ nữ, tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh xã hội.

Do đó, giải pháp quan trọng nhất là cần tăng cường hiệu quả các chương trình, chính sách, pháp luật như: pháp lệnh dân số, chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới, thực hiện và xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.

Cùng với đó, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Tập trung nêu cao tinh thần, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên y tế và thành viên các hội nghề nghiệp liên quan… để kiểm soát hiệu quả mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về lựa chọn giới tính thai nhi… nhằm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.

HỮU HUYNH