Các tài xế, nhân viên xe cấp cứu từ thiện khu vực Long Xuyên tham dự lớp tập huấn cấp cứu đột quỵ
Theo thống kê từ các bệnh viện tuyến tỉnh, hàng năm, An Giang có khoảng 5.000 trường hợp mắc đột quỵ mới, trong đó có gần 80% trường hợp đột quỵ là nhồi máu não, 75% trường hợp bị đột quỵ ở tuổi trên 50 và gần đây, tỷ lệ người mắc đột quỵ ở tuổi trẻ đang có xu tăng. BS.CKII. Đoàn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Để hạn chế tử vong và tàn phế do đột quỵ, phát hiện bệnh sớm và cứu chữa kịp thời là rất quan trọng. An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL đã triển khai và phát triển sớm hệ thống điều trị đột quỵ. Từ năm 2020, Sở Y tế đã chủ động tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án mạng lưới cấp cứu đột quỵ dựa vào cộng đồng, nhằm kết nối mạng lưới cấp cứu đột quỵ ngoài cộng đồng và các cơ sở điều trị đột quỵ trong tỉnh. Thành lập mới, bổ sung trang thiết bị, thường xuyên đào tạo, cập nhật, nâng cao năng lực tiếp nhận và điều trị đột quỵ cho nhân viên y tế tại các đơn vị điều trị trong tỉnh; phối hợp các cấp, ngành tăng cường công tác truyền thông về đột quỵ bằng nhiều hình thức”.
Đến nay, An Giang là tỉnh có 4 đơn vị điều trị đột quỵ trong tỉnh được nhận giải thưởng do Hội Đột quỵ Thế giới trao tặng (WSO Angels Awards): 1 đơn vị nhận giải Kim cương; 2 đơn vị nhận giải Bạch kim; 1 đơn vị nhận giải vàng. BS.CKII. Đoàn Thanh Hùng cho rằng: “Số liệu từ các bệnh viện điều trị đột quỵ tại An Giang cho thấy: Tỷ lệ người bệnh đến trong giờ vàng chỉ khoảng trên dưới 20%, dù đã cao hơn trung bình cả nước (khoảng 10 - 15%), nhưng chúng ta cần phải phấn đấu hơn. Để nâng cao tỷ lệ này, nhiều biện pháp cần được tiến hành, gồm: Truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân, tăng cường năng lực chẩn đoán phát hiện bệnh sớm ở địa phương, tổ chức chuyển bệnh, nhận bệnh và xử lý bệnh nhịp nhàng, hiệu quả. Với lực lượng xe cấp cứu từ thiện hoạt động mạnh rộng khắp các địa bàn An Giang. Lực lượng này có khả năng giúp đưa người bệnh đột quỵ đến cơ sở y tế có cấp cứu và điều trị đột quỵ cấp cứu kịp thời, tăng tỷ lệ cứu sống người bệnh đột quỵ”.
Thời gian qua, Sở Y tế đã tổ chức hội nghị kết nối hệ thống xe chuyển bệnh cấp cứu từ thiện tại khu vực Châu Đốc (TX. Tịnh Biên, Tân Châu, huyện An Phú, Châu Phú, TP. Châu Đốc) vào tháng 11/2023. Tháng 9/2024, tổ chức kết nối hệ thống xe chuyển bệnh cấp cứu từ thiện tại khu vực còn lại, gồm: TP. Long Xuyên, huyện Châu Thành, Chợ Mới, Thoại Sơn, Phú Tân và Tri Tôn. Có 2 đơn vị điều trị đột quỵ chất lượng tại khu vực Long Xuyên, gồm: Bệnh viện Tim mạch An Giang và Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang. Anh Lê Quang Tuyến (xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tham gia lái xe từ thiện 3 năm) cho biết: “Tôi lái xe miễn phí chuyển bệnh, lần đầu được tập huấn kiến thức cơ bản về đột quỵ, tôi thấy rất bổ ích. Qua tập huấn, giúp tôi biết được Quy tắc FAST là một trong những cách giúp nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ một cách nhanh nhất để xử lý đúng và đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất”.
Anh Lê Văn Phố (xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân) chia sẻ: “Tôi lái xe cho Hội Chữ thập đỏ xã, 1 ngày 2 - 3 cuốc xe chuyển bệnh. Vì người bệnh tôi sẵn lòng chạy miễn phí. Không ít lần thấy bệnh nặng, tôi cũng làm thao tác cấp cứu, sơ cứu được, khi cứu giúp được người bệnh, tôi rất vui”. Còn anh Nguyễn Hồng Thới (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) bộc bạch: “Bình quân 3 chiếc xe thiện nguyện của thị trấn chuyển 150 - 170 bệnh/tháng. Đây là lần tập huấn thứ 2 về sơ, cấp cứu người bệnh và đột quỵ. Những lớp tập huấn này rất cần thiết cho tài xế. Khi người bệnh không còn biết gì, các dấu hiệu nhận biết sẽ giúp tôi biết họ đột quỵ và đưa bệnh nhân đi kịp thời. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện càng sớm thì tổn thương càng ít, khả năng phục hồi càng cao, ngược lại đưa đến bệnh viện càng trễ thì càng có nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong”.
Ths.BS Bùi Hữu Minh Trí, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch An Giang cho biết: “Trên 60 tài xế, nhân viên xe cấp cứu từ thiện tại khu vực Long Xuyên được tập huấn kiến thức cơ bản về đột quỵ; dấu hiệu nhận biết đột quỵ và vận chuyển bệnh nhân an toàn đến bệnh viện. Đồng thời, biết được quy trình tiếp nhận và liên hệ cấp cứu đột quỵ tại khoa cấp cứu Bệnh viện Tim mạch An Giang và Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang được kết nối vào nhóm Zalo hệ thống cấp cứu đột quỵ với bệnh viện, để thông báo trước khi chuyển bệnh nhân đột quỵ đến cơ sở y tế; quản lý chất lượng trong cấp cứu ngoại viện. “Hy vọng thời gian tới, các tài xế, nhân viên xe cấp cứu từ thiện tích cực tham gia buổi tập huấn, áp dụng và lan tỏa các kiến thức được tập huấn, nhận biết và vận chuyển kịp thời, an toàn các trường hợp đột quỵ đến trung tâm cấp cứu đột quỵ, bảo tồn tế bào não, hạn chế tử vong, tàn phế, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đặc biệt, kết nối thành công với hệ thống cấp cứu, điều trị của các bệnh viện, để cứu được nhiều người bệnh đột quỵ hơn”- BS CKII. Đoàn Thanh Hùng nói.
HẠNH CHÂU