Khai thác hiệu quả thị trường nông sản trong nước

21/08/2024 - 08:32

Với dân số khoảng hơn 100 triệu người, thị trường trong nước có thể coi là sân nhà tiềm năng cho nông sản Việt Nam đẩy mạnh tiêu thụ. Khi khai thác tốt khu vực thị trường này thì ngoài việc giảm chi phí vận chuyển, gia tăng giá trị hàng hóa còn tạo ra sự ổn định về đầu ra cho nhiều mặt hàng, nhất là trong những thời điểm thị trường thế giới biến động, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Thu hoạch rau sạch tại nông trường VinEco (thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). (Ảnh THANH HÀ)

Thu hoạch rau sạch tại nông trường VinEco (thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). (Ảnh THANH HÀ)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hằng năm, sản lượng lúa cả nước đạt khoảng 43 triệu tấn; rau màu khoảng 19 triệu tấn; trái cây khoảng 12 triệu tấn; thủy sản hơn 9 triệu tấn... Đây là lượng hàng hóa lớn, đòi hỏi tiêu thụ nhanh chóng khi vào chính vụ.

Hướng về thị trường trong nước

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp thủy sản đang có xu hướng mở rộng thị phần tại thị trường nội địa. Cụ thể, Công ty CP Vĩnh Hoàn đã có nhiều giải pháp đưa sản phẩm vào các nhà hàng, siêu thị trong nước.

Doanh thu tại thị trường Việt Nam của công ty trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.734 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023. Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng đang tập trung phát triển thị trường nội địa thông qua việc ký kết hợp tác chiến lược với siêu thị Bách hóa xanh để bán sản phẩm tôm tiêu chuẩn xuất khẩu trong chuỗi gần 1.700 cửa hàng bán lẻ, hướng đến mục tiêu bán 3.000 tấn tôm/năm với doanh thu 500 tỷ đồng ngay tại thị trường trong nước bởi mặc dù là doanh nghiệp thủy sản sản xuất quy mô lớn, nhưng hiện nay doanh thu thị trường nội địa của Tập đoàn Minh Phú mới chỉ chiếm chưa đến 1% tổng doanh thu.

Theo thống kê của VASEP, thị trường trong nước là một trong những mảng thị trường quan trọng và mang lại doanh thu tích cực cho doanh nghiệp. Hiện nay VASEP cũng có một câu lạc bộ doanh nghiệp tiêu thụ hàng nội địa với 30 doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp doanh thu ở thị trường nội địa chiếm từ 30-50% tổng doanh số.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng, việc quan tâm sát sao đến thị trường nội địa trong thời điểm hiện tại chính là lợi thế để các doanh nghiệp thủy sản đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024. Nguyên nhân là do giá cước tàu vận tải biển vẫn ở mức cao, nhất là vào mùa cao điểm vận chuyển trong năm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu. Không chỉ cước tàu tăng mà để đặt được tàu hoặc container rỗng, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn. Trong khi đó, đặc thù của ngành thủy sản là cần có container lạnh và thời gian vận chuyển rất quan trọng vì liên quan đến chất lượng sản phẩm. Do đó, nếu gia tăng được lượng hàng bán tại thị trường trong nước thì sẽ giảm được áp lực chi phí vận chuyển vốn đang đè nặng lên doanh nghiệp.

Cùng với thủy sản, hằng năm, sản lượng rau quả của Việt Nam cũng rất lớn, nhất là khi vào vụ thu hoạch rộ, do vậy thị trường nội địa là kênh tiêu thụ quan trọng để giảm thiểu hư hỏng, giảm áp lực xuất khẩu và chế biến. Theo bà Vũ Thị Kim Phượng - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương, hằng năm, cả tỉnh sản xuất được khoảng 750.000 tấn lúa gạo, 900.000 tấn rau, củ các loại, 300.000 tấn quả và khoảng 200.000 tấn thịt gia súc, gia cầm và thủy sản. Liên tục trong 3 năm, từ năm 2021 đến 2023, tỉnh đã được Bộ Công thương hỗ trợ tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng như: Hội nghị Xúc tiến thương mại vải thiều; Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ cà rốt và nông sản… tạo hiệu ứng mạnh mẽ, giúp đẩy mạnh kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đó, đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ lựa chọn Hải Dương để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tổ chức, tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Đối với sản phẩm gạo, thị trường trong nước cũng dần trở thành ưu tiên lớn cho doanh nghiệp khai thác. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo cho biết: Với dân số hơn 100 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước sẽ ngày càng lớn, là cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất và tiêu thụ. Hiện nay, công ty bán ra thị trường trong nước khoảng 1.500-1.700 tấn gạo/năm, ThaiBinh Seed đã xác định rõ mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị phần và gia tăng giá trị cho người nông dân ngay tại thị trường này.

Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại

Tại Sơn La-một trong những địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn của nước ta hiện nay đã hình thành được vùng nguyên liệu nông sản tập trung với khối lượng hàng hóa nông sản hằng năm khá lớn, như: Sản lượng quả nhãn 136.556 tấn; mận 95.602 tấn; xoài 77.512 tấn; cà-phê 32.944 tấn… Vài năm trở lại đây, việc tiêu thụ nông sản tại địa phương tương đối thuận lợi, hạn chế rất nhiều tình trạng được mùa mất giá, mất mùa được giá. Điều này có được nhờ việc đa dạng kênh tiêu thụ và xúc tiến thương mại nông sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết: Để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng này thì ngoài xuất khẩu, thị trường nội địa chiếm vị trí quan trọng. Theo đó, tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ nông sản đến các vùng, miền; phát triển thương mại điện tử theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan, tổ chức nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả của các chương trình.

Bên cạnh việc đa dạng các kênh tiêu thụ, để các doanh nghiệp, địa phương khai thác hiệu quả thị trường trong nước, cần phải tăng tính liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến thương mại. Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú cho rằng, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng thương mại để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại. Thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mang tính liên kết vùng miền ổn định lâu dài. Cụ thể, tại các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và miền núi phía bắc đã tổ chức thành công nhiều hội chợ triển lãm thương mại cấp vùng, thu hút sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp; tuy nhiên, việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại liên kết vùng hiện vẫn còn gặp phải một số khó khăn, chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, thời gian tới, các địa phương cần xây dựng chiến lược dài hạn trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu khả năng của doanh nghiệp, nguồn lực, chiến lược ưu tiên của mỗi địa phương; đồng thời tăng cường thông tin trao đổi, phối hợp với các địa phương khác nhằm tận dụng tiềm năng, lợi thế của nhau để thâm nhập thị trường lẫn nhau, quảng bá, mở rộng không gian tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản địa phương…

Theo Nhân Dân