Cá voi hoa tiêu mắc cạn tại Farewell Spit, New Zealand tháng 2/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tiếng ồn do hoạt động khai thác mỏ dưới đáy biển sâu có thể cản trở khả năng giao tiếp của cá voi.
Cảnh báo này được đưa ra trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Frontiers in Marine Science ngày 14/2.
Theo nghiên cứu, những âm thanh từ hoạt động khai thác mỏ, trong đó có tiếng ồn từ các phương tiện điều khiển từ xa dưới đáy biển, trùng với tần số giao tiếp của cá voi.
Nghiên cứu cho rằng hoạt động khai thác mỏ khả năng gây ra tiếng ồn với nhiều tần số khác nhau và có thể vang xa hàng trăm km, ngăn khả năng dùng âm thanh để điều hướng của cá voi và gián đoạn những thông điệp mà chúng truyền tải qua những “bài hát” của loài động vật biển có vú này.
Những nghiên cứu trước đây về tiếng ồn đại dương cho thấy vấn đề gây tác động tiêu cực đến cá voi.
Một nghiên cứu phát hiện tiếng ồn do con người tạo ra có thể làm gia tăng nguy cơ cá voi lưng gù mẹ bị tách khỏi đàn con bởi tiếng kêu bình thường của chúng rất trầm.
Cũng trong nghiên cứu mới trên, các tác giả cho rằng những tác động từ xa đối với cá voi có thể chưa được chú ý và đo lường, cùng với những ảnh hưởng đối với các loài động vật ăn thịt sống gần mặt nước và phụ thuộc vào các vùng biển sâu như cá mập.
Các tác giả lưu ý cần nghiên cứu thêm để đánh giá rủi ro do hoạt động khai thác mỏ dưới biển sâu gây ra đối với loài động vật biển có vú.
Nghiên cứu đã được hội đồng chuyên gia thẩm định và do tổ chức bảo vệ môi trường Umweltstiftung Greenpeace tài trợ.
Kết quả nghiên cứu trên được công bố trong bối cảnh một số chính phủ và doanh nghiệp đang đẩy mạnh các kế hoạch khai thác đá giàu kim loại được dùng để sản xuất pin, ở vùng rộng lớn dưới đáy biển.
Ước tính 22-30 loài cá voi, trong đó có loài cá voi xanh có nguy cơ tuyệt chủng, có thể được tìm thấy ở vùng biển Clarion-Clipperton phía Bắc Thái Bình Dương, nơi Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế (ISA) đã cấp 17 giấy phép thăm dò khai thác mỏ dưới đáy biển.
Theo Vietnamplus