Sau quá trình thanh tra trực tiếp, ngày 10/7/2023, Thanh tra Chính phủ tổ chức buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố để công khai Kết luận thanh tra số 1522/KL-TTCP, ngày 6/7/2023 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản; công tác cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang.
Theo nội dung kết luận thanh tra nêu trên, trong thời kỳ thanh tra (giai đoạn 2015-2020), tỉnh An Giang đã thực hiện cơ bản đúng quy định của pháp luật, đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực công tác. Cụ thể như sau:
- Về công tác thanh tra, các cấp, ngành đã bám sát quy định về xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra hàng năm có chất lượng, hiệu quả, hạn chế được sự chồng chéo, trùng lặp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 17/5/2017. Theo đó, tỉnh đã hoàn thành 1.553 cuộc thanh tra, phát hiện 10.720 tổ chức, cá nhân vi phạm; ban hành 10.330 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 38,043 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 34,856 tỷ đồng; tịch thu tài sản vi phạm để xử lý 173,8 triệu đồng; thu hồi và nộp ngân sách 69,426 tỷ đồng/tổng số tiền phải thu nộp là 72,9 tỷ đồng, đạt 95,2%.
- Về công tác tiếp công dân được quan tâm thực hiện khá tốt, các cơ quan, đơn vị có chức năng tiếp công dân đã bố trí nơi tiếp công dân, phân công cán bộ phụ trách công tác tiếp công dân thường xuyên đầy đủ. Việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố, thủ trưởng các sở, ngành được quan tâm thực hiện đạt kết quả tích cực, qua đó đã hướng dẫn, giải thích và giải quyết kịp thời những thắc mắc, khiếu nại, kiến nghị của công dân.
- Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng, triển khai thực hiện khá tốt, hầu hết các vụ việc phát sinh đều được giải quyết kịp thời, hạn chế phát sinh khiếu nại phức tạp tại địa phương. Số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết lần đầu là 955 vụ, đã giải quyết 771/819 vụ việc, đạt 94,14% (trong đó có 136 vụ người khiếu nại rút đơn). Số vụ thuộc thẩm quyền giải quyết lần 2 của Chủ tịch UBND tỉnh là 109 vụ việc, đã giải quyết xong 82/109 vụ việc, đạt 75,23% (trong đó, đã tăng cường tiếp dân, đối thoại, hòa giải, có 29 vụ công dân đồng thuận rút đơn). Đơn tố cáo thuộc thẩm quyền được thụ lý giải quyết là 92 đơn/92 đơn đã nhận, đạt 100%.
Việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật cũng được thực hiện đạt kết quả tích cực.
- Về công tác phòng, chống tham nhũng, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy, từ việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về phòng, chống tham nhũng đến việc xử lý, chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng...
- Về công tác quản lý, sử dụng đất đai, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định của pháp luật đất đai, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về đất đai. Công tác quản lý, sử dụng đất đai và thu hút đầu tư được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư, huy động có hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, đồng thời huy động được nguồn lực từ đất đai để phục vụ cho sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
- Về đầu tư xây dựng cơ bản, khi Luật Đầu tư công năm 2014 có hiệu lực thi hành, công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đã được các cấp, ngành của tỉnh An Giang quan tâm thực hiện cơ bản theo đúng quy định của pháp luật. Việc lập và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, việc phân bổ và thực hiện kế hoạch vốn đầu tư hàng năm, việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng, việc giải ngân và quyết toán vốn đầu tư các công trình, dự án hoàn thành được các cấp, ngành triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, hạn chế được việc đầu tư dàn trải, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản, phát huy hiệu quả vốn đầu tư công, qua đó góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
- Về quản lý hoạt động khai thác cát sông, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cát sông và công tác quản lý hoạt động khai thác cát lòng sông... nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên cát lòng sông phục vụ cho nhu cầu đầu tư xây dựng toàn xã hội, tăng thu ngân sách nhà nước, hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép. Các nguồn thu về cấp quyền, khai thác cát sông từ ngày 1/7/2011 đến ngày 31/12/2021 là 174,3 tỷ đồng, trong đó tiền trúng giá đã nộp 126,62 tỷ đồng (đạt 100%), tiền cấp quyền khai thác không qua đấu giá đã nộp 45,57 tỷ đồng (đạt gần 96%), tiền cấp quyền khai thác không qua đấu giá chưa nộp 2,11 tỷ đồng do chưa đến thời hạn (4%). Về thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, các loại thuế, phí khác, đến nay các doanh nghiệp đã nộp 261.558.266.775 đồng (tương đương 99,7%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, kết luận thanh tra cũng chỉ ra những hạn chế trong việc chấp hành pháp luật, như: Một số địa phương, đơn vị xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra còn chậm; công tác tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND các cấp và thủ trưởng một số đơn vị không đủ số ngày theo quy định của Luật Tiếp công dân. Trình tự, thủ tục xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với một số vụ việc chưa đảm bảo quy định. Việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và các đơn vị hành chính cấp huyện chưa kịp thời, chậm so với quy định; một số công trình, dự án không có trong danh mục theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Công tác xây dựng, ban hành và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh không đúng thời gian quy định. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát và cấp phép khai thác cát còn một số hạn chế, vi phạm, dẫn đến số tiền cần thu hồi nộp ngân sách Nhà nước đã xác định được là hơn 2,6 tỷ đồng; số tiền thuế, phí chưa nộp của 1 tổ chức cần nộp ngay vào ngân sách nhà nước là hơn 981 triệu đồng…
Kết luận thanh tra cũng đã chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, vi phạm nêu trên chủ yếu do cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ còn chưa nắm chắc các quy định của pháp luật; do còn đơn giản, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ; do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID- 19, nên việc tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố, thủ trưởng các sở, ngành không đủ số ngày theo quy định; chính sách, pháp luật về đất đai có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế từng giai đoạn, đã tác động nhất định đến kết quả công tác quản lý nhà nước về đất đai của tỉnh...
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, qua thanh tra chưa phát hiện vi phạm là do cố ý hoặc có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Với những hạn chế, tồn tại qua Kết luận thanh tra giai đoạn 2015 – 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố liên quan nghiêm túc tiếp thu và khẩn trương triển khai thực hiện. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 630/KH-UBND, ngày 20/7/2023 về việc tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra số 1522/KL-TTCP, ngày 06/7/2023 của Thanh tra Chính phủ.
P.V