Khẩn trương ứng phó sạt lở

26/03/2019 - 07:28

 - An Giang có 51 đoạn bờ sông được cảnh báo sạt lở, dài hơn 160km. Mùa khô năm 2019 giảm mưa, mực nước các sông, kênh, rạch thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, chênh lệch mực nước lớn nên dự báo khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở là rất cao. Do vậy, công tác ứng phó cần khẩn trương, chủ động.

Kinh phí khắc phục sạt lở thường rất lớn

Nỗi lo vùng cù lao

Chợ Mới là địa phương có sông Tiền, sông Hậu chạy qua, có các tuyến kênh lớn là sông Vàm Nao, rạch Ông Chưởng cắt ngang, tạo thuận lợi giao thông thủy, cung cấp nguồn nước dồi dào cho sản xuất nông nghiệp nhưng thường xuyên gặp thách thức về sạt lở. Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Vũ Minh Thao cho biết, theo kết quả quan trắc năm 2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trên địa bàn huyện có 16 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở, trong đó có 1 đoạn rất nguy hiểm và 15 đoạn sạt lở nguy hiểm, với tổng chiều dài 44.000m. “Dọc theo tuyến sông Tiền có các đoạn sạt lở dài 17.400m, gồm 7 xã, thị trấn đang xảy ra và có nguy cơ sạt lở đất bờ sông (thị trấn Chợ Mới, Mỹ Luông, các xã Kiến An, Long Điền A, Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân). Dọc theo sông Hậu có các đoạn cảnh báo sạt lở dài 13.100m, thuộc địa bàn 5 xã: Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ, An Thạnh Trung, Hòa Bình và Hòa An. Trên tuyến bờ trái sông Vàm Nao có đoạn cảnh báo sạt lở dài 6.000m, thuộc xã Kiến An và Mỹ Hội Đông. Trong khi đó, toàn tuyến rạch Ông Chưởng được cảnh báo nguy cơ sạt lở rất cao, với tổng chiều dài 7.500m” - ông Thao thông tin.

Năm 2018, Chợ Mới xảy ra tình trạng sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn 10 xã, thị trấn, với 111 đoạn, tổng chiều dài 8.076m. Đến nay, huyện đã khắc phục xong 36 đoạn, trong đó có 4 đoạn do Sở Giao thông - Vận tải gia cố, 32 đoạn do huyện khắc phục, với kinh phí trên 12 tỷ đồng. Huyện đã chi hỗ trợ cho 32 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở với số tiền 640 triệu đồng; hỗ trợ tháo dỡ, di dời các hộ ra khỏi khu vực nguy hiểm, bố trí vào các cụm, tuyến dân cư trên địa bàn huyện hoặc ở tạm nhà người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đoạn sạt lở cần khắc phục nhưng địa phương không có kinh phí thực hiện. Điển hình như 5 đoạn ở xã Kiến Thành (cần kinh phí gần 2,9 tỷ đồng); đoạn sạt lở dài 233m, ảnh hưởng 14 nhà dân ở xã Hòa An (cần kinh phí gần 2,8 tỷ đồng); sạt lở 150m đường liên xã cầu Rạch Xoài (xã Long Giang, cần kinh phí hơn 1,67 tỷ đồng). “Đặc biệt, các điểm sạt lở cấp bách cần được khẩn trương gia cố như: sạt lở dọc kênh tại xã Mỹ An, dài 468m (kinh phí 2,65 tỷ đồng); sạt lở tuyến kênh 1-5 (xã Bình Phước Xuân), dài 300m (kinh phí 1,2 tỷ đồng); sạt lở kênh Cái Đôi (xã Hòa Bình), dài 230m (kinh phí 1,15 tỷ đồng) nhưng hiện nay huyện không có kinh phí khắc phục các đoạn này” - ông Thao lo lắng.

Ứng phó chủ động

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Võ Hùng Dũng, cuối tháng 12-2018, đơn vị đã hoàn thành khảo sát, đo đạc thực địa, hiệu chỉnh, tính toán và phân tích số liệu, với tổng chiều dài 161.650m đối với các tuyến sông, kênh, rạch chính như: sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di, sông Châu Đốc, sông Cái Vừng, kênh Xáng Tân An, rạch Ông Chưởng, rạch Cái Sắn… So đợt 1-2018, báo cáo vẫn giữ nguyên 51 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ trung bình đến rất nguy hiểm. “Tuy các đoạn cảnh báo không thay đổi và có xu hướng giảm về chiều dài nhưng gia tăng về mức độ nguy hiểm và sạt lở xảy ra nhiều hơn ở các sông, kênh, rạch nhỏ” - ông Dũng lưu ý.

Trong số 51 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở, Sở TN&MT đặc biệt lưu ý 6 đoạn rất nguy hiểm, gồm: đoạn sông Tiền chảy qua xã Phú An (Phú Tân), đáy sông sâu và sát bờ, thường diễn biến sạt lở đột xuất khi có lạch dài 1km, sâu từ - 20m đến - 37m, cách bờ 100-140m; đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong (TX. Tân Châu), sạt lở mạnh hàng năm, đe dọa đường giao thông dài 6.900m; đoạn sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ (Châu Phú), có đáy sông sâu và gần Quốc lộ 91, hình thái đáy sông nguy hiểm kéo dài từ vàm kênh Cây Dương đến phà Năng Gù; đoạn sông Hậu chảy qua xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), khu vực ấp Mỹ Thuận và Mỹ Khánh, dài 3.300m; đoạn sông Hậu chảy qua phường Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Bình (TP. Long Xuyên), từ bến đò Cần Xây đến đuôi kè phường Mỹ Bình, dài 4.300m; đoạn sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới, từ xã Kiến An đến xã Mỹ Hội Đông, dài 3.000m.

Để ứng phó lâu dài với sạt lở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu các sở, ngành, chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, cảnh báo người dân, thông báo khi phát hiện dấu hiệu sạt lở; có giải pháp bảo vệ đường bờ tại các khu vực, đoạn cua, cong; cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở; có kế hoạch đề xuất nạo vét khơi thông chỉnh trị dòng chảy hạn chế sạt lở, di dời người dân khỏi nơi sông yếu... Ông Thư yêu cầu Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ngành liên quan, các địa phương triển khai ngay các dự án xử lý sạt lở khẩn cấp trên địa bàn tỉnh, nhất là 5 dự án đặc biệt khẩn cấp gồm: Dự án xử lý sạt lở bờ sông Hậu khu vực Vàm Nao (Chợ Mới); kè chống sạt lở sông Hậu, đoạn từ Cần Xây đến nhà máy thủy sản Giang Long (TP. Long Xuyên); kè chống sạt lở sông Hậu (đoạn xã Châu Phong, TX. Tân Châu); kè chống sạt lở sông Tiền bảo vệ khu vực dân cư thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân) và Dự án nâng cấp hệ thống đê cấp III vùng Đông kênh Bảy Xã (TX. Tân Châu) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng kinh phí 325 tỷ đồng, từ nguồn dự phòng ngân sách của Trung ương năm 2018. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, cần nhanh chóng có phương án sắp xếp dân cư ổn định cuộc sống cho người dân khu vực sạt lở, trong đó chú ý đến các hộ hiện chưa có chỗ ở ổn định; tiếp tục chủ động cấm phương tiện có tải trọng lớn đi qua các đoạn sạt lở, có nguy cơ lạt lở cao; cắm biển cảnh báo sạt lở và hướng dẫn tuyến giao thông thay thế đảm bảo giao thông không bị tắc nghẽn.

Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 57 vụ sạt lở, trong đó có 34 điểm sạt lở, sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch chính và 23 điểm sạt lở đê bao kết hợp giao thông ở kênh, rạch nhỏ. Sạt lở gây mất 10.670m2 đất, ảnh hưởng 122 căn nhà (5 căn rơi xuống rạch Ông Chưởng).


Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN