Khẳng định vị thế phụ nữ Việt Nam

20/10/2023 - 06:48

 - Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (sau đổi tên thành Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam) chính thức được thành lập. Để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20/10 hàng năm làm ngày truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Điều này cho thấy sự coi trọng của Đảng và toàn xã hội đối với vai trò, đóng góp quan trọng của người phụ nữ Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: Nam - nữ bình quyền là một trong 10 nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam. Điều này được ghi nhận trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng” năm 1930.

Từ đó đến nay, bình đẳng giới, coi trọng công tác phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội luôn là một trong những mục tiêu chiến lược, lâu dài, quan trọng của Đảng, Nhà nước ta.

Hiến pháp 2013 khẳng định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt”. Từng bước cụ thể hóa Hiến pháp, hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam cũng được hoàn thiện, bổ sung trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới và được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách nghiêm túc. Việt Nam là một trong số các quốc gia có khung pháp luật và chính sách khá toàn diện, đầy đủ để thúc đẩy bình đẳng giới.

Phụ nữ bình đẳng tham gia hoạt động kinh doanh như nam giới

Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 21-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia với nhiều nội dung quan trọng, tạo cơ hội hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện và từng bước thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới một cách thực chất.

Trong số 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, có 151 đại biểu là nữ, chiếm tỷ lệ 30,26%. Theo báo cáo phát triển con người của Liên Hiệp Quốc (LHQ), Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới, thứ 4 Châu Á về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.

Trên phương diện kinh tế, phụ nữ đang ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế, góp phần giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Theo khảo sát của Hội LHPN Việt Nam, cứ 4 doanh nghiệp tư nhân thì có 1 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo; nữ giới đóng góp tới 40% của cải cho nền kinh tế Việt Nam. Riêng trong các hợp tác xã nông nghiệp, số lao động nữ chiếm đến 80%.

Trong tất cả các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế đều có sự cống hiến của nữ giới. Trên phạm vi quốc tế, Việt Nam cũng đã cử các nữ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Vai trò ngày càng cao của phụ nữ là minh chứng cho những nỗ lực của các cấp, ngành trong quá trình thực hiện bình đẳng giới. Với chủ trương, chính sách phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, Việt Nam được LHQ đánh giá là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới.

Ngày 3/10/2023, Ủy ban Các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa của Đại hội đồng LHQ khóa 78 đã thảo luận vấn đề thúc đẩy tiến bộ của phụ nữ. Phát biểu tại phiên thảo luận này, phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã nêu bật những kết quả và thành tựu Việt Nam đạt được trong bảo đảm quyền của phụ nữ và bình đẳng giới, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ.

Mặc cho những thành tựu trong thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam được quốc tế thừa nhận, các thế lực thù địch vẫn không ngừng xuyên tạc, công kích về quyền bình đẳng giới ở Việt Nam trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội. Trơ trẽn hơn, một số kẻ tỏ vẻ “hoài nghi” về kết quả Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ, dù kết quả này là đánh giá hoàn toàn khách quan của LHQ.

Những kẻ chống phá cắt ghép vài vụ việc đơn lẻ để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền trong bình đẳng giới, phân biệt đối xử với phụ nữ. Chúng còn ra sức cổ xúy, lôi kéo, thúc đẩy việc hình thành các tổ chức, hội, nhóm đối lập do các đối tượng chống đối, cầm đầu là phụ nữ thành lập. Các thành viên của các hội, nhóm này không ngừng câu kết với tổ chức khủng bố Việt Tân, phát tán thông tin thất thiệt, cho rằng ở Việt Nam phụ nữ bị phân biệt đối xử, chính quyền đàn áp, bắt bớ đối với những phụ nữ bất đồng chính kiến…

Dĩ nhiên, để đạt bình đẳng giới hoàn toàn, còn cần thêm nhiều thời gian, nhưng những kết quả mà Việt Nam thực hiện được trong suốt chặng đường 93 năm đã khiến những luận điệu xuyên tạc tự nhiên lạc lõng, chẳng ai tin.

Nói như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, vị trí công việc gì, phụ nữ Việt Nam cũng tỏa sáng phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” - 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam.

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 hàng năm không chỉ là ngày đất nước, xã hội ghi nhận và vinh danh những đóng góp to lớn của phụ nữ, mà thêm một lần nữa khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách đối với phụ nữ (chính sách bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe, tạo cơ hội việc làm…), giúp phụ nữ ngày càng tiến bộ về thực chất.

N.H