Khát vọng phát triển ĐBSCL

07/04/2022 - 06:44

 - “Mục tiêu cuối cùng của HĐND là làm sao nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, ban hành các quyết định liên quan phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính quyền… Vì thế, chúng ta phải thấy hoạt động HĐND rất quan trọng, đóng góp rất lớn đến mọi hoạt động địa phương và cả nước” - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham quan sản phẩm OCOP An Giang

Chia sẻ kinh nghiệm để cùng thành công

Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026, do Thường trực HĐND tỉnh An Giang và Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phối hợp tổ chức đã thành công trọn vẹn. Sự kiện này gợi mở rất nhiều nội dung, tâm thế cho sự đổi mới, nâng chất hoạt động của các cơ quan dân cử nói riêng, cho địa phương và ĐBSCL nói chung.

Hội nghị dành rất nhiều thời gian để Thường trực HĐND 19 tỉnh, thành phố trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, liên quan đến việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Thường trực HĐND. Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh gợi mở: “Các đồng chí chia sẻ những kinh nghiệm quý, cách làm sáng tạo, đổi mới, đột phá, để nâng cao hơn nữa việc thực hiện thẩm quyền của Thường trực HĐND giữa 2 kỳ họp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, kịp thời tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bằng thực tiễn hoạt động của HĐND mỗi khu vực, mỗi địa phương, tôi tin tưởng hội nghị tiếp thu được nhiều kinh nghiệm hay, bài học quý, giúp hoạt động của HĐND các cấp ngày càng chất lượng, hiệu quả”.

“Có thể khẳng định, hội nghị thật sự trở thành diễn đàn giúp cho cơ quan dân cử có nhiều thông tin, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để vận dụng vào hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố sẽ cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời, hiệu quả những nội dung định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội vào chương trình công tác; không ngừng tự đổi mới, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, để luôn xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đối với các cơ quan dân cử ở địa phương” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng bày tỏ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ủng hộ Quỹ Khuyến học tỉnh An Giang 100 triệu đồng. Ảnh: G.K

Trăn trở cho ĐBSCL

ĐBSCL có vị thế, tiềm năng rất lớn. Giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng chiếm 31,3% cả nước; đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây: Lúa chiếm 55,4% cả nước, tôm chiếm 83,5%, cá tra chiếm 98% và trái cây chiếm 60%. Thu ngân sách 13 tỉnh, thành phố hơn 152.000 tỷ đồng, chiếm 10% của cả nước (trong đó, thu nội địa khoảng 80.955 tỷ đồng), đứng đầu là tỉnh Long An, Kiên Giang, TP. Cần Thơ…

“Câu hỏi đặt ra là ĐBSCL làm gì để tăng thu ngân sách trong thời gian tới? Tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách, xuất, nhập khẩu, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo… là những chỉ tiêu đánh giá sự lãnh, chỉ đạo, điều hành ở địa phương có tiến bộ hay không. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người toàn vùng ĐBSCL mới hơn 53 triệu đồng/năm, chưa bằng mức bình quân của cả nước. Như vậy, ĐBSCL còn yếu cái gì? Dễ dàng nhận thấy, thứ nhất là hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, nền đất yếu, gây tốn kém chi phí nên nhà đầu tư “ngán ngại”. Thứ hai, trình độ dân trí của vùng thường được xem là “trũng”, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Thứ ba, việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chưa nhiều. Thứ tư là tình trạng nghèo, tái nghèo còn khá phổ biến, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer” - ông Trần Thanh Mẫn nêu vấn đề.

Minh chứng cho nội dung này, ông Trần Thanh Mẫn đưa ra các con số “biết nói”: An Giang hiện có hơn 93.717 đồng bào DTTS Khmer, chiếm 4,2% tổng dân số toàn tỉnh. Năm 2021, An Giang thực hiện tốt chính sách dân tộc, giải quyết, hỗ trợ cho hộ nghèo DTTS về nhà ở, đất ở với tổng trị giá trên 22 tỷ đồng. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, nhưng đến cuối năm 2021, số hộ nghèo là đồng bào DTTS Khmer trên địa bàn tỉnh còn 3.768 hộ (gần 18,8%); cận nghèo còn 1.655 hộ (8,3%). Muốn giảm những con số này, không phải là điều dễ dàng, nhanh chóng!

HĐND giữ trọng trách quyết định cơ chế, chính sách cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển, trong đó có vai trò lớn của Thường trực HĐND, các Ban, đại biểu HĐND. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, cần bố trí đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai hoạt động hiệu quả. Mỗi vị đại biểu HĐND không ngừng nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động; gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân. Đã đổi mới rồi, cần phải đổi mới hơn nữa, để nhân dân tin tưởng vào cơ quan dân cử.

Đoàn công tác Quốc hội tặng quà cho gia đình đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

Sau Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL lần này, mỗi địa phương có thêm động lực, “điểm tựa” về tinh thần, xắn tay vào tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, tăng cường hơn nữa liên kết phát triển vùng, hợp tác giữa các địa phương. Đó còn là đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp; cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch... bằng cách huy động tổng thể nguồn lực, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Có như thế, ĐBSCL mới đứng vững ở đúng vị thế của mình.

“An Giang mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ quý báu của lãnh đạo Đảng, nhà nước, các cơ quan Quốc hội, bộ, ngành ở Trung ương; sự chia sẻ, đồng hành, phối hợp của các địa phương. Qua đó, giúp tỉnh có thêm kinh nghiệm, tạo tiền đề phát triển nhanh và bền vững thời gian tới, xứng đáng là thành viên tích cực, trách nhiệm của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL”  - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang bày tỏ.

GIA KHÁNH