Tự hào khi được góp tiền, góp đất
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer vùng Bảy Núi - An Giang, đất ruộng trên, đất ven chân núi là tài sản quý với họ bởi mỗi gia đình thường chỉ có diện tích đất khá khiêm tốn. Để vận động người dân hiến đất làm đường, đòi hỏi công tác dân vận phải khéo léo, hợp lý, hợp tình. Cách vận động, thuyết phục người dân hiến đất làm những con đường kết nối “tam giác du lịch” (DL) Soài So - Soài Chek - đồi Tức Dụp mà huyện Tri Tôn triển khai thực hiện quả đúng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Ở ấp Tô Thuận (xã Núi Tô, Tri Tôn), gia đình ông Chau Chum (60 tuổi) thuộc diện khá giả trong cộng đồng Khmer nơi đây. Gia đình có 2 người con, trong đó con trai lớn đang làm việc tại Công ty TNHH Liên doanh Antraco (xã Châu Lăng, Tri Tôn), còn cô con gái thì mở tiệm kinh doanh tạp hóa. Sở hữu 3.000m2 đất vườn cặp chân núi Cô Tô, gia đình ông Chau Chum trồng dừa, cây chúc và vú sữa. Khi nghe địa phương vận động hiến đất làm tuyến đường xuyên qua đất vườn nhà, nối khu DL Soài So - Suối Vàng với khu DL Soài Chek, ông Chau Chum đồng thuận ngay.
“Tôi hiến đoạn đất ngang 2m, dài 80m để nhà nước làm đường, đồng thời ủng hộ 1 giờ thuê Kobe múc đất lên. Có con đường, việc đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện hơn, có lợi cho chính gia đình mình và nhiều người khác nữa” - ông Chum bộc bạch.
Tuyến đường kết nối vào Khu liên hợp văn hóa - thể thao và du lịch Soài Chek
Không khá giả như gia đình ông Chum, gia đình ông Chau Si (77 tuổi) có đến 7 người con nhưng chỉ có vài công đất ruộng co bưng và 1.000m2 đất vườn cặp chân núi Cô Tô. Cuộc sống dù còn khó khăn nhưng khi nghe chủ trương làm tuyến đường qua đất vườn nhà mình, gia đình Khmer này vẫn ủng hộ. Ông Chau Si quyết định hiến 72m2 đất (ngang 2m, dài 26m) trong số 1.000m2 đất vườn mà không chút đắn đo.
“Trước đây khu vực này không có đường, bà con đi lại, chở trái cây xuống núi khó khăn lắm. Gia đình chúng tôi rất tự hào khi được góp đất, góp tiền làm tuyến đường mới. Có đường rồi, kinh tế phát triển, gia đình sẽ có thu nhập tốt hơn trước đây” - anh Chau Út (con ông Chau Si) chia sẻ.
Chủ tịch UBMTTQVN xã Núi Tô Đặng Quốc Kiệt cho biết, chỉ riêng xây mới con đường nối Soài So - Soài Check, có khoảng 130 hộ dân tự nguyện hiến đất, trong đó hầu hết là hộ dân Khmer. “Để tạo sự đồng thuận, xã đã thành lập tổ công tác, phối hợp Ban Nhân dân ấp và những người có uy tín trong cộng đồng Khmer đến từng hộ dân vận động, giải thích về ý nghĩa, lợi ích khi có con đường mới.
Đồng bào DTTS Khmer theo Phật giáo Nam Tông, được những người có uy tín giải thích rằng, hiến đất làm đường như một hình thức tích phước cho bản thân và gia đình, người dân rất đồng thuận. Ngoài hiến đất, mỗi hộ dân còn tự nguyện đóng góp chi phí thuê Kobe múc đất trên phần đất của mình. Xã cùng ấp và người dân trực tiếp giám sát quá trình thi công làm đường bê-tông nhằm đảm bảo chất lượng công trình, xứng đáng với nghĩa cử hiến đất của bà con Khmer” - ông Kiệt thông tin.
Lợi ích lâu dài
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, để tạo điểm nhấn thu hút khách DL đến với Tri Tôn, huyện quyết tâm xây dựng khu vực hồ Soài Chek, sân đua bò Bảy Núi, công viên tại ấp Tô Hạ (xã Núi Tô) thành Khu liên hợp văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) Soài Chek. Tại đây sẽ thường xuyên tổ chức bay dù lượn, hội đua bò Bảy Núi, đua môtô địa hình kết hợp với hoạt động văn hóa - nghệ thuật truyền thống Khmer, các mô hình DL trải nghiệm, dịch vụ cho khách tham gia…
“Đến Đắk Lắk ghé Buôn Đôn, đến Tri Tôn vô Soài Chek” là ý tưởng mà lãnh đạo huyện Tri Tôn đang nỗ lực thực hiện. Cổng tam quan vào Khu liên hợp VH-TT&DL Soài Chek đã được huyện vận động xã hội hóa đầu tư, thiết kế đẹp và ấn tượng. Đối diện cổng là đường hoa dành cho người đi bộ. Tuyến đường nối cổng tam quan vào khu liên hợp trước đây vốn là con đường nhựa xuống cấp, không đảm bảo an toàn giao thông, đã được UBND huyện đầu tư trên 5,8 tỷ đồng để làm tuyến đường bê-tông cốt thép dầy 16cm, phù hợp với giao thông vùng núi.
Cùng với các tuyến đường lên xuống đồi Tà Pạ, tuyến đường này giúp kết nối thông suốt từ trung tâm huyện Tri Tôn, Khu DL Tà Pạ vào Khu liên hợp VH-TT&DL Soài Chek. Tuy nhiên, từ Soài Chek, muốn qua Khu DL Soài So - Suối Vàng và khu DL đồi Tức Dụp lại phải đi đường vòng khá xa, bất tiện, trong khi khoảng cách về địa lý lại gần.
Trước bất cập trên, UBND huyện Tri Tôn quyết định xây dựng thêm 2 tuyến đường bê-tông nối từ Soài Chek qua Soài So và Soài Chek qua Tức Dụp, tạo thành thế “tam giác DL” hấp dẫn. Trong đó, tuyến đường từ hồ Soài So qua hồ Soài Chek dài 1.864m, mặt đường rộng 3m, lề đường mỗi bên 1m, tải trọng 3,5 tấn. Toàn bộ diện tích sử dụng đất 7.456m2 của tuyến đường mới đều do người dân tự nguyện hiến tặng (khoảng 130 hộ, hầu hết là hộ dân Khmer). Trong khi đó, tuyến đường từ hồ Soài So qua ranh An Tức (nối vào khu DL Đồi Tức Dụp) dài 1.235m, mặt đường rộng 3,5m (đạt loại 2), lề đường mỗi bên 0,75m, tải trọng 6 tấn. Khoảng 100 hộ Khmer có đất trên tuyến đường này đi qua cũng đều tự nguyện hiến đất, không yêu cầu bồi hoàn.
Thế mới thấy, khi công tác dân vận khéo léo, tạo được đồng thuận nơi người dân, giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của công trình thì dù "…khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm, sở dĩ công tác dân vận trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó có phong trào hiến đất làm đường, do huyện quán triệt cán bộ thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Cùng với đó là nói dân nghe, làm dân tin, tạo đồng thuận trong xã hội, người dân đối với các công trình, phần việc vì lợi ích chung của cộng đồng
|
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN