Khi món ăn quê trở thành đặc sản

24/06/2022 - 07:30

 - Nếu như trước đây, những món ăn, cây trái sản vật của miền quê chỉ quen thuộc phục vụ trong gia đình thì ngày nay, món quê đã trở thành đặc sản nổi tiếng, mang đậm nét đặc trưng của từng địa phương, vùng đất được nhiều người biết đến.

Từ khô, mắm…

Đối với người dân miền Tây nói chung, người dân An Giang nói riêng, hương vị khô, mắm cá tuy mộc mạc, bình dị nhưng lại không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày, gắn bó sâu đậm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khô, mắm trở thành một nét văn hóa không chỉ trong ẩm thực mà còn trong đời sống của người dân.

Nói đến làm khô và mắm cá thì ai ai cũng biết. Thường vào mùa lũ, lượng cá nhiều, ăn không hết nên nhà nào cũng làm mắm, phơi khô để dành ăn. Hầu như loài cá nào cũng có thể làm khô, làm mắm được. Tên các loại khô, mắm được đặt theo tên loại cá để dễ phân biệt, như: Khô cá sặc, khô cá lóc, khô cá trèn, khô cá chạch, khô cá lăng, khô cá tra, mắm cá chốt, mắm cá linh, mắm cá rô...

Các loại mắm đặc sản ở An Giang

Qua thời gian, nguồn cá tự nhiên dần dần ít đi, việc giao thương dễ dàng, các món ăn cũng phong phú, đa dạng hơn trước nên không có nhiều gia đình ở nông thôn còn giữ thói quen làm khô, mắm cá. Từ đó, khô, mắm cá trở thành đặc sản ưa thích của các tín đồ ẩm thực. Nghề làm khô, mắm cá cũng dần trở thành một nghề truyền thống được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Mỗi gia đình đều kế thừa và phát huy những kinh nghiệm và bí quyết gia truyền làm thế nào để chuyển hóa từ con cá tươi ngon thành đặc sản khô, mắm cá có chất lượng và hương vị thơm ngon riêng biệt.

Theo tiến trình phát triển, các hộ dân, cơ sở kinh doanh, chế biến khô, mắm không ngừng nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng để phát triển thị trường; tìm tòi, học hỏi, đổi mới phương thức sản xuất, giúp các sản phẩm khô, mắm cá ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại cũng như cách chế biến. Đồng thời, còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, chú ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ đó, các mặt hàng khô, mắm cá của An Giang được khách hàng trong nước tin dùng, một số loại còn được xuất ngoại, góp phần nâng tầm thương hiệu khô, mắm cá An Giang ngày càng vươn xa hơn.

…đến các loại cây trái

Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù ở An Giang góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của sản phẩm nông nghiệp. Nhiều loại cây trái của tỉnh như: Thốt nốt, trâm rừng, cà na, trái chúc… được nhiều du khách gần xa biết đến, săn đón và từ đó trở thành đặc sản. Điều này đã mở ra tín hiệu lạc quan trong việc nâng cao chuỗi giá trị cho cây trồng của người nông dân.

Điển hình như cây thốt nốt, loại cây nổi tiếng nhất vùng Bảy Núi, trước kia chỉ đơn giản sử dụng để lấy nước làm đường thốt nốt và bán trái tươi, làm bánh bò thốt nốt để ăn hoặc bán quanh chợ huyện vào các dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Bây giờ, bánh bò thốt nốt và nhiều sản phẩm độc đáo từ thốt nốt, như: Đường thốt nốt, mứt, chè, rượu, đũa, chén, thạch thốt nốt… được nhiều người biết và có mặt trong các siêu thị lớn trong nước. “Tết nào về Bảy Núi du lịch, tôi cũng đặt mua cả trăm cái bánh bò thốt nốt làm quà cho gia đình, người thân và bạn bè. Tôi và mọi người rất thích hương vị hấp dẫn, độc đáo của bánh bò thốt nốt mà chỉ riêng ở Bảy Núi mới có” - cô Nguyễn Thị Thanh Thảo (du khách TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Cây chúc cũng là loại đặc sản ở vùng Bảy Núi. Trước đây, cây chúc rất quý vì chỉ được trồng ở một số ít phum, sóc của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Chính vì mùi thơm độc đáo của lá chúc và trái chúc, người dân đã tìm tòi và sử dụng nó như một gia vị đặc biệt để chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng, hấp dẫn như: Cháo bò vắt nước trái chúc, gà hấp lá chúc, cháo gà lá chúc, cá lóc hấp lá chúc… Hiện nay, lá chúc và trái chúc không chỉ có ở vùng Bảy Núi mà đã được nhiều người biết đến, xuất hiện nhiều trong các món ăn, quán ăn, nhà hàng, các chợ lớn nhỏ từ thành thị đến nông thôn.

Trước đây, cây cà na chủ yếu mọc hoang dã, không có giá trị kinh tế, chỉ có trái vào mùa nước nổi ở miền Tây, là món ăn chơi của trẻ em vùng nông thôn. Tuy nhiên giờ đây, trái cà na đã trở thành loại trái cây đặc sản được du khách gần xa săn tìm. “Đến mùa, tôi hái trái cà na bán trước nhà, rất nhiều du khách ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương,… ghé mua và xin số điện thoại để đặt hàng mùa tiếp theo” - bà Nguyễn Thị Yến Linh, bán cà na trên tuyến Tỉnh lộ 941 (huyện Châu Thành) chia sẻ.

Ngoài ra, còn rất nhiều món ăn và cây trái miền quê hiện nay đã trở thành đặc sản ở các địa phương. Chúng ta cần phát huy tiềm năng, lợi thế đặc trưng của từng món ăn và cây trái, từng bước nâng cao chuỗi giá trị để các đặc sản này ngày càng được nhiều người biết đến, góp phần tạo thị trường tiêu thụ rộng rãi, ổn định, tăng giá trị kinh tế, xây dựng thương hiệu để vươn xa.

TRỌNG TÍN