Khi người làm báo viết về người lính

22/06/2021 - 07:13

 - “Nghề lính” rất đặc thù, khác biệt với những ngành nghề khác trong xã hội. Chính vì thế, viết về người lính, phản ánh các hoạt động quân sự, quốc phòng đến với công chúng một cách hiệu quả là chặng đường đầy thử thách cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền.

Trách nhiệm thông tin, tuyên truyền báo chí của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh An Giang được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giao cho Tổ chuyên mục Quốc phòng toàn dân (thuộc Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị). Tổ chuyên mục phối hợp với phóng viên Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang thực hiện chuyên mục định kỳ và các tin tức của LLVT trong toàn tỉnh.

Cũng từ đây, đội ngũ làm báo chúng tôi có dịp đồng hành cùng những “nhà báo” mang sắc phục Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ không phải là nhà báo chuyên nghiệp, nhưng là người chủ công, xung kích trong công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động, chiến đấu, xây dựng lực lượng của LLVT tỉnh nhà.

Rồi chúng tôi trở thành một “ê-kíp” gắn bó mật thiết cùng nhau, chia sẻ mọi vất vả, khó khăn trong quá trình tác nghiệp, động viên nhau cùng hoàn thành tốt từng sản phẩm báo chí viết về người lính. Chuỗi ngày đi công tác của chúng tôi bắt đầu từ tờ mờ sáng, trở về khi đã khuya lắc khuya lơ.

Bao nhiêu đợt LLVT tỉnh tổ chức tiếp nhận cách ly tập trung người từ nước ngoài trở về Việt Nam, cũng là ngần ấy đợt chúng tôi có mặt ở khu cách ly. Tôi nhớ mãi câu nói của đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Đăng Hải - người gắn bó với Tổ chuyên mục nhiều năm: “Bản thân tôi cũng lo lắng khi tác nghiệp ở khu vực có nguy cơ cao. Nhưng tôi tự hỏi: tại sao mình không dám dấn thân? Mình không làm thì ai làm?”.

Phóng viên đang tác nghiệp

Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Hữu Đặng (thành viên Tổ chuyên mục) bày tỏ: “Không trực tiếp tham gia huấn luyện, chỉ huy đơn vị tham gia công tác sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy rừng… nhưng chúng tôi luôn có mặt kịp thời để ghi lại những thước phim trân quý về các chiến sĩ LLVT tỉnh trong từng nhiệm vụ. Chúng tôi quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, sử dụng ngòi bút của mình góp phần tích cực cùng đồng đội bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Bí quyết "làm nghề" của những “chiến sĩ cầm bút” như chúng tôi là tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi phẩm chất đạo đức, rút kinh nghiệm làm nền tảng để phát triển”.

Vượt qua mọi khó khăn, những năm qua, các cơ quan báo chí trong tỉnh phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nhiều nội dung, như: kết quả học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân; công tác đối ngoại quốc phòng; tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, thi đua quyết thắng, phát hiện, cổ vũ, nhân rộng những tấm gương bình dị mà cao quý, những điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt; cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, những đóng góp của LLVT trong đối phó với an ninh phi truyền thống; giúp nhân dân phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn...

Bằng những tác phẩm của mình, chúng tôi kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước và thành tựu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước; lan tỏa phẩm chất nhân cách và hình ảnh cao đẹp bộ đội Cụ Hồ trong xã hội, trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.

Trung đoàn Bộ binh 892 là một trong những đơn vị có nhiều hoạt động nổi trội, được chúng tôi tuyên truyền đậm nét thời gian qua. Thiếu tá Nguyễn Thanh Sang, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Bộ binh 892 chia sẻ: “Qua các hoạt động phối hợp tuyên truyền chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí, Tổ chuyên mục và Trung đoàn 892, chúng tôi nhận thấy thông tin tuyên truyền ngày càng nhiều, phong phú; hiệu quả mang lại ngày càng cao, kịp thời định hướng tư tưởng chính trị cho cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị. Chúng tôi thường xuyên chia sẻ các tác phẩm báo chí viết về LLVT “phủ sóng” trên mạng xã hội, xem đây là thông tin chính thống cần được quan tâm theo dõi; là biện pháp đấu tranh có hiệu quả, ngăn chặn luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch”.

Trong sự nghiệp phát triển đất nước giai đoạn hiện nay, báo chí đã trở thành công cụ sắc bén và là cầu nối quan trọng giữa Đảng, nhà nước, LLVT với toàn xã hội. Cuộc sống vốn đa chiều, đa diện, nhiệm vụ của người làm công tác tuyên truyền càng thêm nặng nề. Đó là phải làm sao truyền tải, nâng cao sức mạnh, hiệu quả sự lan tỏa của công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; kịp thời động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc và tích cực ủng hộ quân đội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, làm cho ý Đảng - lòng dân thành một khối thống nhất, quân và dân chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo nền tảng để xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhau, vẫn một lòng nhiệt huyết viết về người lính.

“Được thâm nhập, được phản ánh về đề tài người lính là vinh dự, là tự hào của đội ngũ làm báo. Chúng tôi luôn dành tình cảm sâu sắc và cảm xúc đặc biệt để thực hiện mảng đề tài đặc biệt này” - nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh Trung (Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang) khẳng định.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH